Tuyên Quang: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động
- Bài thuốc hay
- 08:44 - 20/09/2021
Đảm bảo lương, thưởng, tăng phụ cấp để giữ chân lao động
Tỉnh Tuyên Quang hiện có 2.086 doanh nghiệp với gần 40 nghìn lao động làm việc trong các thành phần kinh tế, gồm: 28.671 lao động thuộc khu vực tư nhân (chiếm 72,4%), tại doanh nghiệp Nhà nước là 3.065 lao động và 7.845 lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lao động mất việc làm tăng, dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2021, số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp 5.563 người; trong đó, lao động trong tỉnh 1.324 người, lao động ngoài tỉnh 4.239 người (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020); riêng tháng 10/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận 508 hồ sơ lao động( 112 lao động trong tỉnh; 396 lao động ngoài tỉnh).
Theo sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn chế tối đa người lao động bị mất việc làm. Đến nay, về cơ bản tỉnh Tuyên Quang vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa duy trì tổ chức sản xuất, kinh doanh với tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, nên chưa doanh nghiệp nào có lao động bị nhiễm Covid-19 hoặc phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp Nhà nước đang trả mức lương thấp nhất cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định; các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều thực hiện bằng mức sàn theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp không cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện triển khai các chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; cải cách hành chính trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu việc tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp... tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2021, toàn tỉnh có 717/16.583 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để hỗ trợ và đồng hành cùng các hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm cho 26 hợp tác xã nhằm tiêu thụ hàng hóa, sản xuất theo chuỗi cung ứng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Kết quả, đã tiêu thụ được 02 tấn bưởi đường, 500 kg khoai sọ, 2,5 tấn cam Vinh, 100 hộp trà cà gai leo và các sản phẩm thiết yếu hàng ngày; hỗ trợ 01 hợp tác xã thương mại điện tử kết nối, xây dựng chương trình giới thiệu quảng bá các sản phẩm của 15 hợp tác qua các kênh mạng xã hội; kết nối Viettel và 01 doanh nghiệp công nghệ số có sàn thương mại điện tử hỗ trợ kỹ năng giúp cho hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp người lao động ổn định cuộc sống
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, có việc làm và thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn với phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Để đạt được mục tiêu đó, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như tập trung hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, cập nhật biến động cung-cầu của thị trường, tổ chức giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động...
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang, đến hết tháng 8-2021, có 4.621 người lao động gửi hồ sơ đề nghị được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Cùng với việc tiếp nhận hồ sơ, Trung tâm đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho 100% người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm cũng thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng lao động trên Website, Fanpage, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động. Đến nay, có gần 300 lượt thông tin tuyển dụng được đăng tải, toàn tỉnh có 10.301 lao động được giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề.
Là lao động không may bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Đặng Thị Hương, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã từng phải di chuyển nhiều nơi để tìm kiếm công việc phù hợp. Chị chia sẻ, với mong muốn sớm được đi làm để ổn định cuộc sống chị đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được tư vấn và giới thiệu công việc phù hợp. Đến nay, đã hơn 2 tháng chị làm việc tại công ty điện tử ở Thái Nguyên với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng. Chị hy vọng, dịch bệnh nhanh qua để người lao động bớt đi khó khăn và vất vả.
Bên cạnh giới thiệu việc làm, công tác đào tạo nghề cũng là một trong những yếu tố quan trọng mở ra cơ hội cho người lao động có việc làm ổn định. Thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều đổi mới bám sát với nhu cầu xã hội và định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương. Có thể kể đến như các mô hình đào tạo nghề lưu động cho lao động nông thôn tại huyện Yên Sơn; đào tạo nghề liên kết với các doanh nghiệp huyện Sơn Dương; Chiêm Hóa tổ chức dạy nghề theo nhu cầu gắn với lợi thế, tiềm năng của từng xã...
Bà Lý Thị Hải Hiền, Trưởng phòng Lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến hết tháng 8-2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 17.200 lao động, đạt 82,1% kế hoạch. Trong đó có 11.909 lao động làm việc tại tỉnh, 5.079 lao động làm việc tại các công ty, khu công nghiệp trong nước, 252 người đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt hơn 10.000 lao động của tỉnh đang làm việc tại Bắc Ninh và 2.000 lao động tại Bắc Giang sau một thời gian nghỉ phòng chống dịch cũng bắt đầu quay lại công ty ổn định làm việc. Thời gian tới, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động, ngành Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, thu thập thông tin thị trường lao động; tăng cường giới thiệu việc làm, đẩy mạnh đào tạo nghề; xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với biện pháp cụ thể, Tuyên Quang đã tạo nhiều việc làm cho người lao động để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
ĐK
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ