THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:31

Tuyến phố di sản Sài Gòn – tại sao không?

Tòa nhà trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh không chỉ là một công trình có giá trị về kiến trúc văn hóa mà còn là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Lẽ ra, công trình này phải được xếp hạng di tích từ nhiều năm trước.

Ở cách đó không xa, một công trình cũng có tuổi đời hàng thế kỷ, từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng nhưng đang bị hư hỏng nặng, nhiều chỗ phải treo biển cảnh báo người tham quan không đến gần, đó là Nhà chú Hỏa trên đường Phó Đức Chính (dinh thự kiến trúc độc đáo với 99 cửa, vốn thuộc sở hữu của một trong những người giàu có nhất Đông Dương), đang được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, một công trình kiến trúc độc đáo khác là Dinh Thượng Thơ trên đường Lý Tự Trọng suýt cũng đã bị tháo dỡ nếu không có sự can thiệp của các nhà chuyên môn và dư luận.

Tuyến phố di sản Sài Gòn – tại sao không? - Ảnh 1.

Trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh.

Một trong những "đặc điểm" khá nổi bật là phần lớn các công trình kiến trúc mang tính di sản ở TP. Hồ Chí Minh đều tọa lạc tại những vị trí hết sức đắc địa. Theo con mắt của các nhà kinh doanh, đầu tư bất động sản, đó thực sự là những "mảnh đất kim cương" có thể tạo ra rất nhiều lợi nhuận nếu phá bỏ để xây các công trình hiện đại. Nhưng nhìn theo giác độ của các nhà văn hóa, đó là những vật thể "không thể phá bỏ" mà cần phải gìn giữ, bảo tồn. Vì những giá trị mà các công trình này lưu giữ một khi đã bị mất đi thì sẽ không bao giờ lấy lại được.

Chính vì thế, nhiều nhà văn hóa và người dân cho rằng, việc đầu tiên của các công trình được xếp loại di sản là đưa di sản đến với cộng đồng. Những công trình di sản của TP. Hồ Chí Minh đa phần là trụ sở công nên việc sắp xếp để đón công chúng tham quan, mở mang giá trị cho di sản là vấn đề khó khăn và tùy thuộc vào công việc thực tế của từng cơ quan đang hoạt động trong mỗi công trình.

Không ngoại lệ, tòa nhà trụ sở UBND TP là một công trình mang dấu ấn của đô thị Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh nên cần phải được mở cửa để người dân và du khách tham quan. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa, quảng bá giá trị của di sản kiến trúc mà còn là một hoạt động bắt buộc trong Luật Di sản và các công ước quốc tế về di sản mà Việt Nam tham gia.

Việc trụ sở UBND TP được công nhận là di sản cấp quốc gia, bản đồ du lịch của TP sẽ có thêm một điểm tham quan. Cùng với tòa nhà này, khu vực trung tâm Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh có: Bảo tàng Cách mạng, trụ sở Tòa án TP. Hồ Chí Minh, Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngữ… tạo thành một vòng tuyến tham quan khép kín cho khách du lịch. Hoàn toàn có thể tổ chức một "tuyến phố di sản Sài Gòn" ở khu vực này để kết nối tạo thành vùng di sản, tuyến di sản để khai thác du lịch, thu hút du khách, tạo ra sản phẩm du lịch riêng cho thành phố.

Thiết nghĩ, di sản là tài sản chung của cộng đồng xã hội nên việc tổ chức khai thác di sản như một "bảo vật" để mang lại các giá trị văn hóa – kinh tế là điều rất đáng làm.

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh