Dự án nghìn tỷ và những con đường “xấu nhất hành tinh” ở Sơn La
- Tây Y
- 17:23 - 07/08/2015
Nhiều năm nay, người dân xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, phải sống trong cảnh dở khóc, dở cười, vì con đường huyết mạch có chiều dài hơn 5km vào xã bị băm nát bởi những chiếc xe tải chở nông sản, khiến cho giao thông hầu như không thể đi lại bất kể trời mưa hay nắng.
Ngao ngán con đường vào bản
Nói về con đường vào bản Áng, xã Đông Sang, người dân thị trấn Mộc Châu không còn lạ lẫm gì. Một phần là bản Áng có trung tâm dạy nghề huyện, có trung tâm cai nghiện, và đặc biệt là bởi vì nó quá xấu, xấu kinh khủng đến nối khi nhắc đến là người dân ai ai cũng biết và lắc đầu ngao ngán.
Đây được gọi là đường?
Nằm liền kề với Trung tâm thị trấn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, phần lớn người dân xã Đông Sang là đồng bào dân tộc thiều số như Thái, Mông, Khơ Mú... từ đường chính ngoài thị trấn vào Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội, khoảng 5km, nối liền từ bản Ấng 1, Áng 2 vào các bản Co Sung, Chấm Cháy, Cóc Thái. Toàn bộ là con đường đất trải dài theo sườn núi và những cánh đồng ngô bát ngát. Tuy nhiên theo chúng tôi thì đây không phải là con đường.
"Không đi được đâu, đường xấu lắm, xe máy không đi được, vào đó chỉ có cách là đi bộ thôi" – anh xe ôm từ chối chở khi tôi thuê chở vào bản Áng. Cũng may đúng lúc đó xe Giám đốc trung tâm cai nghiện vừa ra đến nơi đón tôi vào.
Không biết nên gọi đây là đường hay đầm lầy?.
Ngay từ đầu con đường, đập vào mắt tôi là những “mê hồn trận ổ voi” chi chít. Đoạn này sao mà khó đi đến vậy? – tôi hỏi. Anh Mùi Văn Quỳnh, cán bộ trung tâm cai nghiện liền bảo, đây không phải là đoạn xấu nhất, đoạn này xe máy còn đi được có nghĩa là dễ đi nhất đấy anh ạ!. Và quả thật không sai chút nào, khi con đường dài tăm tắp mà nhìn như là con mương, ở giữa là bùn đất nhô lên, hai bên là những con rãnh mà nói cho đúng nghĩa là hai mương nước được “tôn tạo" bởi những chiếc xe tải cày nát.
Đi chưa đầy vài trăm mét, cả hai chúng tôi đã phải xuống lội bộ giữa trời nắng. Phải khó khăn lắm mới kéo xe qua được những con rãnh sâu cả mét. Vì đường xấu nên mới mua chưa đầy 1 năm, chiếc xe máy mới cứng của Quỳnh đã phải sửa hết gần 2 triệu.
Nhiều năm nay không chỉ cán bộ trung tâm, học viên, mà hàng nghìn người dân trong vùng phải sống trong cảnh không có đường đi. Trừ khi có việc cần, còn không thì bất kể trời năng hay mưa thì người dân ở đây hầu như không ra khỏi bản vì không đi được. Cũng bởi vậy mà trên con đường chúng tôi đi không một bóng người qua lại cũng không lấy gì làm khó hiểu.
Đi được chừng gần cây số, thay vì cưỡi trên chú ngựa sắt, chúng tôi bắt đầu phải gồng sức khênh xe qua những “con mương” đầy bùn đất. Cảm giác lúc này của tôi thật ngao ngán và mệt rã rời.
Đường tránh vào nương ngô của người dân cũng không khá hơn là mấy
Phần lớn người dân trong bản đều làm nương, rẫy, chủ yếu là ngô, đậu quanh năm. Dọc con đường này có hàng trăm héc ta ngô, vậy nên mỗi khi vào vụ thu hoạch là những chiếc xe tải ngày ngày cày xéo, khiến con đường bị băm nát. Có nhiều đoạn không thể đi được khiến chúng tôi phải đi vào nương ngô của người dân để vòng ra, cũng không hề dễ đi hơn con đường kia là mấy.
Ông Lường Văn Thanh, trú tại bản Áng 1 cho biết, con đường này như vậy đã lâu lắm rồi, ngày nào xe tải cũng chạy. Dân bản cũng biết nhưng không thể cấm được vì nếu xe không vào thì ngô cũng không bán được. Thu hoạch ngô đã khó, khiều hộ phải thu hoạch ngô từ trên đỉnh núi, xong còn phải dùng ròng rọc kéo xuống, thì việc đưa ngô ra khỏi bản còn vất vả hơn nhiều. Nếu không phải là xe tải thì xe hơi không thể đi vào được. Mặc cho đường xuống cấp từ nhiều năm qua, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa được đầu tư, cải tạo. Trời nắng đi đã khó, còn trời mưa bất kể to hay nhỏ nếu muốn vào bản chỉ còn hai cách là đi bộ hoặc đi bằng ngựa.
Cũng vì đường xấu mà những ruộng nương hai bên con đường này cũng bị chịu chung số phận, vì người dân đi tắt qua vườn. Không ít hộ dân phải bỏ hoang một diện tích khá rộng để mở đường cho xe đi, mỗi lần qua thu phí 5000 đồng.
Vì thời tiết vào mùa mưa nên ông Nguyễn Văn Thắng, trú tại bản Áng 1 đành phải mở đường qua nương ngô của gia đình cho người dân đi lại. ông Thắng cho hay, bất đắc dĩ lắm mới phải phá hoa màu để mở đường. Người dân hầu như rất ít qua con đường này, nên thu phí cũng chẳng thấm tháp gì so với thiệt hại hoa màu.
Bất đắc dĩ người dân phải phá hoa màu mở đường cho xe qua vườn
Có ai nghĩ rằng một xã nằm liền kề với trung tâm thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, lại có con đường xấu kinh khủng đến vậy. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thì giao thông luôn là tiêu chí hàng đầu quan trọng nhất, vậy mà không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới được đi trên những con đường đúng nghĩa của nó?.
Bài viết này tôi thực hiện vào năm ngoái (2014), và cho đến nay, cho dù người dân có kêu than thì nó vẫn chưa có gì thay đổi, thậm chí là xuống cấp thậm tệ hơn.
Quay lại câu chuyện dự án nghìn tỷ, như đã thông tin, nhiều ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin tỉnh Sơn La đã lập.
Sự việc đã thu hút được sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng dựans với nguồn kinh phí khổng lồ như vậy là quá lãng phí, trong khi Sơn La chỉ vẫn là một trong những địa phương nghèo nhất nước, và nguồn thu ngân sách cho dù có sự hỗ trợ từ nhiều nguồn của Trung ương thì cũng chỉ bù đắp được phần nào đó trong việc chi tiêu ngân sách cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.
Được biết trong tháng 4/2015 Sở KHĐT Sơn La đã trình HĐND, UBND tỉnh Sơn La phân bổ cho 5 huyện nghèo gần 188 tỷ đồng, trong đó tập trung ưu tiên thanh toán nợ cho các công trình đã hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2015.
Như vậy, với một phép tính rất đơn giản có thể thấy rằng, với hàng nghìn hộ dân đang thiếu đói quanh năm ở 5 huyện nghèo này so với khoản kinh phí khổng lồ cho công trình thật sự gây sốc không những đối với nhiều người dân Sơn La, mà đối với người dân cả nước.
Không chỉ là con số bé tẹo 188 tỷ đồng phân bổ cho 5 huyện nghèo. Được biết, sau 5 năm thực hiện chương trình 30a, trung ương đã hỗ trợ Sơn La hơn 1.400 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại 5 huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Sốp Cộp. Bên cạnh đó, mỗi năm tỉnh còn lồng ghép từ các nguồn vốn chương trình 134, 135, 167 và ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng cho các huyện này.
Nếu so sánh số kinh phí trên với hộ nghèo ở Sơn La cũng là quá khập khiễng, vì không những “không đảm bảo được đời sống cho nhân dân”, mà trong nhiều năm, Chính phủ còn phải hỗ trợ gạo cứu đói cho địa phương này, mà gần đây nhất là năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.158 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La để cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2014.