Tưới cây... bằng điện thoại
- Tây Y
- 03:35 - 30/04/2015
Ở Hà Nội, tưới cây tại Đồng Nai
Tình cờ có dịp ghé thăm vườn cây ăn trái của gia đình ông Phùng Thanh Tâm, ở tổ 8, ấp 1, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh (Đồng Nai), chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông khoe về công nghệ tưới vườn cây nhà mình bằng… điện thoại di động.
Để chứng minh thực tế, ông Tâm dẫn chúng tôi ra vườn chỉ tay vào hộp điều khiển rồi giải thích: “Chỉ cần có chiếc hộp điều khiển này với cái điện thoại “cùi bắp” và sau một cú điện thoại là cả vườn cây sẽ ướt đẫm, khỏi lo tốn công sức vất vả như trước nữa”.
Đúng lúc này như cũng vừa đến cữ tưới vườn, ông Tâm ra hiệu cho chúng tôi đứng tránh xa những vòi nước rồi ông bắt đầu thực hiện thao tác bấm điện thoại “ra lệnh” bật hệ thống tưới tự động để chúng tôi xem. Chỉ chưa đầy 5 giây khi ông Tâm cầm điện thoại bấm thì tất cả các vòi nước bắt đầu phun rồi cả vườn cây rào rào nước. “Có lần tôi đi công việc ra tới Hà Nội và bấm điện thoại "điều khiển từ xa" để tưới vườn cây, vẫn cứ OK. Bây giờ có công nghệ này thấy rất khỏe, không còn phải ngồi nhà canh vườn cây như trước nữa!”, ông Tâm khoe.
Từ năm 2012, gia đình ông Tâm đã bắt đầu ứng dụng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn cây. Để tưới nhanh đạt hiệu quả, ông chia vườn cây thành 11 khu, mỗi khu vực đều có đường ống ngầm dẫn nước từ giếng qua bể lọc bơm đến các béc phun đặt xung quanh vườn.
Ông Tâm kể: “Trước đây mỗi lần tưới cho 2 ha vườn sầu riêng, chôm chôm này, tôi phải chạy tới chạy lui để vặn mở van đường ống rồi đóng cầu dao điện bật máy bơm, sau đó mới kéo ống nước đi quanh vườn tưới cho từng gốc cây.
Ông Tâm bấm điện thoại để tưới vườn cây
Nếu một người tưới thì phải mất 3 ngày mới xong vườn cây, vất vả lắm. Do vậy, phải thuê thêm nhân công và đắp bồn xung quanh mỗi gốc cây để giữ nước rất bất tiện, chi phí SX cũng tăng cao”. Theo ông Tâm, từ khi gắn thêm bộ điều khiển tự động này chỉ cần ngồi một chỗ hoặc đang ở đâu miễn là có sóng điện thoại ông cũng có thể tưới được vườn cây nhà mình bất cứ lúc nào rất tiện lợi. Hơn nữa, công nghệ này còn giúp gia đình ông giải phóng được nhân công và kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ phân, thuốc để sản phẩm trái cây sạch, giảm bớt đáng kể chi phí SX, năng suất cây trồng cũng tăng cao.
Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, ông Tâm cũng thẳng thắn cho biết, đây không phải là công nghệ do ông nghiên cứu mà tình cờ có lần được chứng kiến người ta chỉ cần nhấn nút gọi điện thoại là hệ thống tưới trong vườn tự hoạt động rồi tự tắt theo chương trình cài đặt sẵn.
Thấy mê quá ông quyết định tìm gặp bằng được “cha đẻ” của công nghệ này rồi đặt hàng thiết kế riêng cho vườn nhà ông một bộ điều khiển tự động. Từ ngày được sở hữu công nghệ này ông thấy rất tiện dụng nên đã giới thiệu cho nhiều nhà vườn khác cùng lắp đặt sử dụng.
Chủ nhân công nghệ
Theo chân ông Phùng Thanh Tâm, chúng tôi đi gặp anh Trương Đình Thống (ở tổ 5, ấp 3, xã Bình Lộc), tác giả nghiên đã cứu ra công nghệ tưới vườn cây bằng điện thoại di động.
Gặp chúng tôi, anh Thống vui vẻ tâm sự: “Tôi mới thuê được mảnh vườn này để trồng ổi, do chưa đủ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nên hàng ngày mình vẫn phải kéo ống tưới thấy cũng hơi cực…”.
Anh Thống đang sử dụng remote bấm điều khiển vòi nước tưới vườn cây
Chúng tôi để ý trên tay anh đang cầm đường ống tưới và một cái remote điều khiển. Tôi chưa kịp hỏi thì anh Thống đã giải thích: “Đây là cái remote để bấm điều khiển máy bơm tắt (mở) từ xa, vì vườn ổi cách nhà khá xa nên tôi đã chế ra bộ điều khiển này để sử dụng cho tiện!”.
Theo anh Thống, từ khi thuê được vườn rẫy trồng cây, do hàng ngày tưới nước cứ phải chạy tới lui tắt mở bơm riết thấy bất tiện và mất thời gian nên anh nung nấu ý tưởng phải nghiên cứu chế ra được thiết bị tự tắt mở máy bơm nước.
“Lúc đầu tôi mới chỉ nghiên cứu được cách điều khiển bật máy bơm bằng điện thoại di động, nhưng lại thấy không thể tắt được nên tiếp tục mày mò tìm hiểu thêm cả tháng trời, cuối cùng cũng chế thành công.
Tuy nhiên, nếu bị người ta gọi lộn vào số điện thoại gắn trong hộp điều khiển thì máy bơm vẫn tự khởi động nên tôi lại phải kiên trì tìm cách khắc phục bằng được nhược điểm này”, anh Thống chia sẻ.
Dẫn chúng tôi vào xem phòng sáng chế của anh chỉ vỏn vẹn chừng vài mét vuông, lỉnh kỉnh các thùng máy móc thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu. Những mô tơ điện đã qua sử dụng, hay các linh kiện mạch điện tử, đài, điện thoại hư và thiết bị mạch điện cũ… tưởng chừng vô dụng nhưng qua sáng tạo của anh vẫn trở thành hữu ích phục vụ cho quá trình nghiên cứu và sử dụng vào SX.
Tuy mới chỉ học hết lớp 9, nhưng anh Thống đã có thời gian đi phụ làm điện cơ, rồi làm nghề khoan giếng và biết thêm được chút ít kiến thức về hàn điện. Từ đó, anh bắt tay vào tìm tòi, học hỏi trên sách, mạng internet để tự sáng chế ra các thiết bị cho gia đình sử dụng như cỗ máy khoan lỗ trồng cây, hay anh còn làm được cả chiếc xe điều khiển bằng remote.
Anh Thống kể, mấy năm trước cứ đi làm về anh lại “nhốt” mình trong phòng nghiên cứu, thậm chí có nhiều đêm anh thức trắng đánh vật với mấy mạch điện cứ hàn vào lại tháo ra. Do không chuyên nên cứ suy nghĩ đến đâu anh làm đến đó rồi tự rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại.
Phòng nghiên cứu của anh Thống
Lúc đầu tiên anh nghiên cứu sử dụng remote bấm điều khiển cho hệ thống tưới nhưng có nhược điểm là phạm vi tầm sóng ngắn nên chưa thật sự tiện lợi. Từ thực tế đó, anh nảy ra ý tưởng sử dụng sóng điện thoại để điều khiển bằng cách cho tích hợp sim số trên hộp điều khiển để thực hiện chức năng tắt (mở) hệ thống. Chỉ cần dùng bất kỳ điện thoại nào gọi một cuộc nhỡ đến số tích hợp sẵn trên bộ điều khiển sẽ kích hoạt để mô tơ vận hành bơm nước tưới.
Tuy nhiên, khi dùng thử vẫn chưa hài lòng, anh tiếp tục nghiên cứu nâng cao, chỉ cho phép những số điện thoại nào đã cài đặt sẵn gọi đến hộp điều khiển mới nhận kích hoạt. Cuối cùng anh đã nghiên cứu thành công với hệ thống tưới tự động điều khiển bằng điện thoại bàn hoặc điện thoại di động.
Thời gian gần đây rất nhiều người dân đặt hàng anh làm bộ điều khiển bằng cả điện thoại và remote để sử dụng tưới vườn cây hay trại nấm nhưng anh làm không kịp vì công việc chính của anh quá bận.
“Bộ điều khiển tưới nước tự động bằng điện thoại di động hay remote của tôi nghiên cứu cho bất cứ nhà vườn nào cũng có thể sở hữu được vì giá thành khá rẻ. Đặc biệt, tính năng của bộ điều khiển này rất tiện dụng vì chỉ cần bấm một cuộc điện thoại nhỡ là đã tự khởi động hoặc tắt hệ thống bơm tưới mà không lo tốn một đồng cước phí nào cả. Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm công nghệ mới nữa nhằm phục vụ SX tiện dụng hơn…”, anh Thống nói. |