Tưng bừng ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc"
- Tây Y
- 05:50 - 12/02/2023
Ngày 11/2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự và phát biểu tại lễ khai mạc. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và thành phố Hà Nội.
Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023 diễn ra trong hai ngày 11 - 12/2 với các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng như: Chương trình ca nhạc “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân đất nước”; lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt và chúc Tết đồng bào các dân tộc; tham dự lễ hội đền tháp (lễ Katê) của đồng bào dân tộc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận; hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và lễ hội mùa xuân của đồng bào dân tộc Thái; giới thiệu trích đoạn “Chậm đò ho” của đồng bào dân tộc Thổ; giới thiệu “Nghệ thuật Xòe Thái” của tỉnh Sơn La đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại lễ khai mạc, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tặng quà cho đại diện 25 dân tộc, nhận quà tượng trưng từ đại diện 25 dân tộc tại Làng. Quyền Chủ tịch nước cũng dự Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại Làng.
Tham dự, tham quan lễ hội năm nay du khách còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, ẩm thực ngày Tết của đồng bào dân tộc thiểu số; tìm hiểu các phong tục độc đáo dịp Tết đến, xuân về của đồng bào trên mọi miền Tổ quốc.
Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc còn là dịp biểu thị tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sợi dây cố kết cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mang đến không khí đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong những ngày đầu xuân mới.
Ngày hội phục hồi, tái hiện, giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, qua đó để mọi người dân, du khách hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui Xuân đặc trưng đã có từ ngàn đời nay.
Bên cạnh đó, ngày hội góp phần nâng cao sự cố kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, thông qua đó cũng giáo dục thế hệ người Việt Nam ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Văn hóa các dân tộc ở nước ta mang tính đặc sắc, riêng có của Việt Nam, vừa thống nhất, vừa đa dạng. Đây là công lao, kết quả sáng tạo, gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của 54 dân tộc anh em.
Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tỉnh thần của nhân dân, đồng thời là thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.