THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc"

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tặng quà cho đại diện 25 dân tộc, nhận quà tượng trưng từ đại diện 25 dân tộc tại Làng

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tặng quà cho đại diện 25 dân tộc, nhận quà tượng trưng từ đại diện 25 dân tộc tại Làng

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự và phát biểu tại lễ khai mạc. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và Thành phố Hà Nội.

Tham gia Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2023 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có 200 người đại diện cho 25 dân tộc thiểu số của 14 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi đến các vị già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, cùng toàn thể nhân dân và du khách những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.   

Quyền Chủ tịch nước nhấn mạnh, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng ta là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển.

Đến nay, công tác dân tộc đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Đồng bào các dân tộc trong Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023.

Đồng bào các dân tộc trong Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023.

Nhấn mạnh Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, đặc biệt là văn hóa các dân tộc Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, đó là văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Theo Quyền Chủ tịch nước, văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; đồng thời là thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Theo bà Xuân, các hoạt động có ý nghĩa tại Làng góp phần tích cực thực hiện chủ trương phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Quyền Chủ tịch nước mong muốn và tin tưởng rằng, cấp ủy và chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về dân tộc và đoàn kết các dân tộc; Tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp, tiềm năng, sức sáng tạo của các dân tộc vào sự nghiệp chung.

Cùng với đó, đồng bào các dân tộc tiếp tục kề vai sát cánh, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, cùng giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tại lễ khai mạc, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tặng quà cho đại diện 25 dân tộc, nhận quà tượng trưng từ đại diện 25 dân tộc tại Làng. Quyền Chủ tịch nước cũng dự lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Đồng bào các dân tộc trong Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023.

Đồng bào các dân tộc trong Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023.

Ngày hội có khoảng hơn 200 người thuộc 25 cộng đồng dân tộc của 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền. Trong đó có 20 người có uy tín trong cộng đồng (nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…) của một số cộng đồng dân tộc (mỗi dân tộc 2 người): Dân tộc Mảng, Kháng, Si La, Hà Nhì (Lai Châu), Pà Thẻn, Pu Péo, La Chí, Bố Y (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An).

Ngoài ra còn có khoảng 100 đồng bào đang hoạt động hằng ngày tại Làng, gồm Nùng, Tày (Thái Nguyên), Dao (Hà Nội), Mông (Hà Giang), Mường (Hoà Bình), Thái (Sơn La), Khơ Mú (Nghệ An), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Ba Na, Gia Rai (Gia Lai), Xơ Đăng (Kon Tum), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng).

Trong khuôn khổ ngày hội, cộng đồng các dân tộc sẽ tham gia các hoạt động: Chương trình Bài ca mừng Đảng quang vinh - mừng Xuân đất nước, Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ; tái hiện Lễ hội đền tháp (lễ Ka tê) của dân tộc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận; Giới thiệu trích đọan “Chậm đò ho” của dân tộc Thổ tỉnh Thanh Hóa; Giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Nghệ thuật Xoè Thái” của tỉnh Sơn La.

Đặc biệt là chương trình “Hội Xuân” của đồng bào các dân tộc: trong đó, đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận sẽ giới thiệu các điệu múa trên đền tháp, nghệ thuật Di sản Gốm Bàu Trúc, trình diễn giới thiệu nghề Dệt Mỹ Nghiệp.

Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng sẽ giới thiệu ẩm thực, các món ăn ngày Tết như bánh chưng, xôi nếp ba màu, gà quay dân tộc, lợn quay, thịt sấy, lạp xưởng, thắng cố, rượu ngô..

Dịp này, các trò chơi dân gian nhảy sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều, đánh đu... mang đến cho ngày hội không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu Xuân tại "ngôi nhà chung" Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh