THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:50

“Từ xa Hà Nội” viết về Hà Nội

 

1. Tập tản văn thứ ba mới được ra mắt giữa tháng 3/2016. Trước đó, bạn đọc đã biết đến cái tên Mai Lâm từ năm 2014 với " Những giấc mơ đề ", " Ăn thời bao cấp "... ( Từ xa Hà Nội 1 ) và những câu chuyện tưởng chừng giời ơi đất hỡi mà rất đỗi đời, rất nhân văn của ông. Ba tập sách với những chân dung sống động, là người thân, là vợ, là con, là bạn, là người cùng làm và cùng chơi... tất cả được ông dồn nén cuộn vào, gói gọn. Chiêm nghiệm tới độ, cho tới lúc không thể không viết ra thì ông cho bung tất theo mạch văn, mạch truyện ... rồi để nó muốn ra sao thì ra. Mai Lâm bảo rằng “Đơn giản là tôi phải viết nó ra, bởi vì tôi thích viết và in nó ra, bởi vì các bạn tôi nói rằng đã viết thì phải in, mà đã in thì đảm bảo những câu chuyện ấy nhiều người thích đọc. Vậy thôi !”.

Người ta nói học ăn cần một đời học, mặc cần hai đời, nhưng để biết chơi cần phải tới ba đời. Chơi đâu có dễ ! Như một nhân vật trong truyện của Mai Lâm, khi nói về ông thì " việc duy nhất thích hợp với ông anh là không làm gì cả ". Vậy khác gì họ bảo ông chỉ biết chơi. Ừ thì chơi. Chơi còn chả đủ thời gian nữa là ... Nhưng chơi mà vợ đẹp con khôn, chơi mà anh em yêu mến, chơi mà vừa kiếm được tiền vừa sáng tác nhạc, chơi mà vẫn đàng hoàng sống, đàng hoàng yêu, đàng hoàng viết ... Chơi thế thì đáng nể quá, bởi đã góp phần làm sang lên cho cái chữ Chơi. 

2. Tác giả Mai Lâm là một người mà theo những gì ông viết ra, ông kể lại thì đã phải bỏ xứ mà đi, vì chẳng tìm được con đường nào tốt hơn cho một người đàn ông (như ông) ở thời điểm đó. Một người chơi đến cùng, đam mê đến tận cùng. Những năm tháng đó lô đề nổi lên như một “mốt mới” của một bộ phận người dân Hà Nội. Có quan niệm sai lầm rằng, ai mà không biết tí chút về đề đóm và không dính tí đề thì bị coi là lỗi thời, không sành điệu. Chẳng thế mà nhà nhà lô đề, người người lô đề: “Ai ơi chớ bỏ số đề/ Sáng đi một chục tối về bảy trăm”...

Với hy vọng một ăn bảy mươi, người ta có nhiều cách để luận ra số đề. Một trong những cách ấy là giải mã các giấc mơ. Coi như thần đề báo mộng cho ăn lộc. Việc của các con nhang đệ tử chỉ là bổ luận đề, giải mã sao cho trúng mà thôi. Lạ nỗi là nhiều phen trúng, trật cũng có nhưng càng ham, càng cay cú. Được thì thấy ngon ăn quá muốn cày thêm, thua thì phải gỡ. Thế là cứ đều như vắt chanh, ngày nào cũng cố mà mơ, mà luận đề, rồi thả. Dù biết rằng trò này thi thoảng chơi mới đỡ bị âm (tiền), bởi “Giấc mơ không phải là hiện thực. Nó chỉ là cái bóng của hiện thực thôi” (Từ xa Hà Nội 1), nên biết thế nào mà luận cho đủ, cho dù những tay chơi có thâm niên đã chơi đề là chơi cả bộ cho nó chắc. Có điều thập loại chúng sinh ai chả mơ. Biết thần đề hôm ấy đãi tay chơi nào mà liệu. Thế mới ra nông nỗi: “Vì đề anh phải ra đê/ Vì đề tôi phải lăn lê quê người”.

3. Mất nhiều thế nhưng Mai Lâm không mất tinh thần. Vợ vẫn yêu, con vẫn quí. Ông vẫn có thể viết tất ra mà giễu cợt chính mình, ca ngợi những người xung quanh mình. Tản văn của Mai Lâm toàn người thật việc thật, không bôi đen cũng không tô hồng, có thế nào ông cho tràn ra giấy như thế. Từ những câu chuyện được kể bằng dăm câu đôi điều tới cả một truyện ngắn mang tên Quỳnh Hoa, người đọc đều cảm nhận được tính chân thật. Nhiều người đọc bật cười và thấy lạ là tác giả dám tự bôi mình nhoè nhoẹt ra như thế ? Tôi thì đồ rằng, ông phải yêu bản thân mình lắm mới có thể tưng tửng tự giơ mình ra như vậy. Nói với Mai Lâm điều đó, ông nói rằng “có tự tin người ta mới có thể tự trào”. Thật kiêu hãnh !

Và, sự kiêu hãnh ấy thật hay đã gặp được sự đồng điệu từ Giám đốc nhà Xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tìm thấy ở văn Mai Lâm sự lấp lánh của những hạt vàng sa khoáng. Sau hai giờ đọc bản thảo, Nguyễn Anh Vũ đã quyết định để nguyên chất văn đó giới thiệu đến bạn đọc. Một quyết định không dễ với bất cứ nhà xuất bản nào.

4. Sinh ra ở Hà Nội. Được sống từ bé trong môi trường văn nghệ. Bố dượng ông - nhà báo Cao Nhị, bạn thân của bố dượng - ông Phùng Quán, ông Dương Tường ... Vốn là tay chơi nhạc chuyên nghiệp, Mai Lâm dường như động tới việc gì cũng có tính nghệ thuật. Đi tới đâu Mai Lâm cũng mang theo cái hồn người Hà Nội, nên tản văn của ông đậm chất thơ trong các câu chuyện. Cho dù là lô đề cờ bạc hay rượu chè hút xách, cho dù là những công việc bị cho là dưới đáy chả ai muốn làm... Điều nhìn nhận cuối cùng từ những câu chuyện đó vẫn là nhân văn, là hướng thiện, là những cái đẹp của cuộc sống quanh mình. Đó có lẽ là nguyên nhân mà khi gấp lại ba cuốn sách của Mai Lâm, mỗi người đọc đều cảm nhận được ít nhiều có mình trong đó. 

TUYẾT LAN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh