Từ vụ Asanzo: Dán nhãn xuất xứ nếu làm chặt quá hay lỏng quá đều có ngành hàng phải chết
- Huyệt vị
- 03:47 - 18/07/2019
Bên lề hội thảo "Thế nào là Made in VietNam" do Viện IPS tổ chức tại Hà Nội sáng 17/7, luật sư Trần Ngọc Trung (Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker& MCKenzie) đã có những chia sẻ về câu chuyện dán nhãn xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam.
Dưới góc độ pháp luật, ông Ngọc Trung cho rằng, việc dán nhãn xuất xứ sản phẩm hiện đang ở cấp độ tự nguyện và có độ tùy biến do độ đa dạng của các bộ quy tắc cũng như việc tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
"Quy định của pháp luật Việt Nam dành cho doanh nghiệp sản xuất hay xuất khẩu quyền và trách nhiệm tự xác định xuất xứ trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, và các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Điều này có nghĩa, doanh nghiệp có thể dựa vào quy định pháp luật hoặc các hiệp định để ghi xuất xứ. Trong trường hợp có xung đột về các hệ quy chiếu, thì các cam kết quốc tế sẽ được ưu tiên", ông Trung nói.
Phân tích từ vụ việc dán nhãn sản phẩm của Asanzo đang gây tranh cãi thời gian qua, trong khi các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những cáo buộc nguồn gốc sản phẩm của doanh nghiệp này, luật sư Ngọc Trung cho rằng, với sự đa dạng của các bộ quy tắc thì xác suất Asanzo dán nhãn sản phẩm Made in Vietnam vẫn có thể xảy ra.
"Nếu như toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu Trung Quốc về Việt Nam chỉ lắp ráp, đánh giá theo Hiệp định Asean thì sản phẩm không đạt tiêu chí ghi xuất xứ Việt Nam, không thể xin C/O form D (hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu - PV).
Tuy nhiên, nếu đánh giá theo Hiệp định Asean - Trung Quốc, thì có thể xảy ra tình huống được ghi Madein Vietnam", Luật sư Trung cho hay.
Thêm một luận điểm khác, ông Trung cho rằng, các bộ quy tắc xuất xứ mới chỉ tập trung vào vấn đề xuất xứ cho hàng xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm mục đích có hưởng ưu đãi thuế quan hay không, trong khi đó, vấn đề hàng nội địa có phải ghi xuất xứ hay không vẫn đang bỏ ngỏ.
"Không có quy định nào yêu cầu doanh nghiệp có nghĩa vụ xác định xuất xứ của sản phẩm sản xuất ra phải được chứng nhận bởi một cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền", ông Trung nói.
Theo chuyên gia này, câu chuyện về "Made in" cần được nhìn nhận một cách hài hòa, song hành với yếu tố chất lượng sản phẩm để thương hiệu quốc gia và quyền lợi của người tiêu dùng không bị xâm phạm.
"Dù chúng ta có đặt ra bộ quy tắc về Made in Vietnam rồi, doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu rồi, nhưng hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì thương hiệu quốc gia sẽ bị xâm phạm", vị luật sư bày tỏ quan điểm.
Câu chuyện dán nhãn sản phẩm nhận được sự quan tâm của dư luận sau những nghi vấn về xuất xứ sản phẩm của Asanzo được đặt ra.
Đồng tình với quan điểm của luật sư Trung, cho rằng việc dán nhãn Made in... có sự tùy biến rất cao, chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu Bùi Kim Thùy phân tích, nền tảng cơ bản của quy tắc xuất xứ cần nhìn nhận ở công đoạn chế biến cuối cùng diễn ra trên phạm vi lãnh thổ của một quốc gia, một vùng, thì có thể được ghi là "Produce in" hoặc "assembly in", "made in".
"Nếu Asanzo nhập toàn bộ linh kiện Trung Quốc và có thể chứng minh được với cơ quan, quản lý nhà nước về việc họ có nhà máy thực hiện công đoạn chế biến cuối cùng ở Việt Nam, chưa nói đến công đoạn gia công, chế biến đơn giản hay không và họ có làm sản phẩm để xuất khẩu hay không, thì khó có thể nói rằng họ không được ghi là Madein Vietnam.
Còn đối với thị trường nội địa, chúng ta đang nợ người tiêu dùng và doanh nghiệp một văn bản pháp luật nêu rõ "thế nào là Made in Vietnam", bà Thùy cho biết.
Theo vị chuyên gia, sau này, mỗi sản phẩm sẽ cần một bộ quy tắc xuất xứ riêng. Nhưng điều quan trọng, là cần đặt trong bối cảnh toàn cầu với sự song hành chất lượng hàng hóa và giá trị thu lại.
"Có những mặt hàng mà giá trị gia tăng rất nhiều, có thể lấy đó là thương hiệu của Việt Nam thì phải xem xét làm quy định hết sức rõ ràng.
Nhưng có những mặt hàng, giá trị gia tăng ít, nhưng doanh nghiệp có cơ hội để sản xuất được ra mặt hàng này nhanh, nhiều, tốt, rẻ thì cũng phải suy nghĩ xem nên đặt quy tắc xuất xứ cho sản phẩm này như thế nào", chuyên gia nhấn mạnh.
Dẫn chứng về một dự án làm hạt điều của doanh nghiệp Việt, chuyên gia Kim Thùy cho hay, doanh nghiệp đã đầu tư chất xám cho việc lấy giống điều tốt nhất tại Bình Phước rồi đem trồng tại Campuchia (vì thích hợp thổ nhưỡng).
Khi thu hoạch điều, điều thô từ Campuchia sẽ được chuyển về nhà máy ở Bình Phước làm công đoạn rang, chế biến, bóc tách và phân loại điều to nhỏ, thành phẩm cuối cùng đang bán ở Việt Nam.
"Sản phẩm này là sản phẩm gì? Công đoạn cuối cùng diễn ra ở Việt Nam là rang ở Bình Phước còn cây điều trồng ở Campuchia, giống bố mẹ ở phòng thí nghiệm Thái Lan, nhưng hàm lượng chất xám này nhiều và là của người Việt Nam, không thể lượng hóa được đối với sản phẩm này", bà Thùy nói.
Theo vị chuyên gia, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa thể thống nhất về các quy tắc dán nhãn, bởi nếu làm chặt chẽ hay lỏng lẻo thì sau cùng có nhiều ngành hàng chịu rủi ro.
"Nếu làm chặt quá hay lỏng quá thì cũng đều có nhiều ngành hàng chết", chuyên gia nêu quan điểm.