Tử tù vượt ngục: Vụ án mới, chiêu thức cũ
- Tây Y
- 12:51 - 18/09/2017
Những vụ vượt ngục không tưởng của “ma sống”
Ở trại giam, các phạm nhân thường hay gọi tử tù là "ma sống". Tử tù khi vào buồng biệt giam, chế độ giam giữ rất nghiêm ngặt, bị giam độc lập trong phòng biệt giam. Nhưng hiếm hoi lượng tử tù đông, có khi 2 người giam chung phòng. Tử tù bị cùm 1 chân ở cuối bục và việc ăn uống, vệ sinh được các thường phạm khác hỗ trợ theo sự bố trí của cán bộ quản giáo, nhưng những tử tù vẫn có những chiêu thức khó tin để vượt ngục.
Đêm 10/9, hai tử tù Lê Văn Thọ, SN 1980 (biệt danh Thọ "sứt") trú tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương), bị kết án tử hình về tội “mua bán trái phép chất ma túy, giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã cùng đối tượng Nguyễn Văn Tình vượt ngục khỏi trại giam T16 - Bộ Công an.
Hai tử tù vượt ngục Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình
Nguyễn Văn Tình là đối tượng cộm cán trong đường dây buôn bán ma túy. Băng nhóm của Nguyễn Văn Tình bị tổ công tác C47 phát hiện và bắt giữ vào ngày 23/7/2015, khi đó các đối tượng đang chở 170 bánh heroin được giấu trong các bình gas công nghiệp đem đi tiêu thụ. Từ năm 2004 đến tháng 11/2015, đường dây này đã buôn bán 1.182 bánh heroin, trong đó trót lọt 614 bánh, còn lại 568 bánh bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Sau khi bị phát hiện, bắt giữ và đưa ra xét xử, đường dây mà Nguyễn Văn Tình tham gia với 13 đối tượng thì đã có 8 đối tượng bị tuyên án tử hình, 3 án tù chung thân...
Sau khi đối tượng Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình trốn khỏi trại tạm giam T16, Bộ Công an, Lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ cho các lực lượng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương tổ chức truy bắt. Đến đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17/9, các trinh sát cùng lực lượng phối hợp đã bắt giữ thành công tử tù Nguyễn Văn Tình khi đang trốn tại lán Nương, thuộc khu vực rừng già, xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, Hòa Bình. Trước đó 1 ngày (16/9), tử tù Lê Văn Thọ đã bị lực lượng trinh sát bắt giữ khi đang trên đường chạy trốn tại khu vực Phố Hóp (xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Ngày 16/9, đối tượng Lê Văn Thọ cũng bị bắt khi đang trên đường chạy trốn tại Hải Dương
Tại cơ quan công an, Tình khai trong trại giam Tình và Thọ dùng miếng sắt nhỏ nhặt được sau khi chuyển trại, sau đó nhét vào hậu môn. Mỗi ngày khoét 1 ít, sau đó dùng cơm và kem đánh răng bít lại để qua mắt công an. Theo lời khai của Tình, Thọ là người mở khóa và Thọ khóa nào cũng mở được. Vụ “đào tẩu” khỏi trại giam của 2 tử tù Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình mới đây được xem là trường hợp tử tù vượt ngục thành công gây rúng động trong vòng gần 20 năm trở lại đây ở Việt Nam.
Sự giống nhau đến kỳ lạ những vụ vượt ngục của tử tù
Năm 2001 tại trại giam Hỏa Lò mới (TP.Hà Nội) cũng đã xảy ra vụ vượt ngục gây xôn xao dư luận. Đối tượng là Nguyễn Văn Thân, tự Thân “rau muống”, quê Hà Tây cũ nay là TP.Hà Nội. Trong vòng 6 năm (từ 1992 – 1998) đã thực hiện 3 vụ giết người ở nhiều tỉnh thành như: Sơn La, Hà Nội và Bình Phước. Sau khi bị tuyên án tử hình, Thân được đưa về buồng biệt giam số 3, K3, trại giam Hỏa Lò mới, chờ ngày thi hành án.
Vào tù, chỉ trong thời gian ngắn, Thân gặp lại Nguyễn Hải Nam, tự Nam “cu chính”, quê Hà Nội, là người quen, từng là đàn em có số má cũng nhập trại với bản án tử hình, khi đang thụ án tiếp tục đánh chết bạn tù, là. Từ đây, hai đối tượng này nung nấu ý định vượt ngục, và lên kế hoạch bài bản để đào tẩu mà Thân “rau muống” đóng vai trò chính.
Nguyễn Văn Tình lúc bị bắt
Để chuẩn bị cho kế hoạch vượt ngục, hai tử tù đã chuẩn bị những vật dụng đơn sơ khó tin. Chúng đã chuẩn bị nhiều dụng cụ để mài cùm và cưa cửa. Trong đó, phải kể đến chiếc dũa được tạo bởi 10 bánh xe bật lửa buộc ghép lại, dao lam... Từ những vật dụng tưởng chừng đơn giản đó, 2 tử tù thiết kế thành chiếc cưa tỉ mẫn ngày đêm
Hai tử tù đã ngày ngày mài cùm, gần 3 tháng tỉ mẫn cưa cùm chân, chúng cưa được một một lỗ hổng ở cửa thông gió, vừa đủ để người chui ra, đồng thời chuẩn bị sẵn dây thừng được tết lại từ các túi nilong trong những lần tiếp tế lương thực, để leo qua tường rào trốn thoát. Chính những vật dụng sinh hoạt này giúp các tử tù vừa thoát ra được khỏi buồng biệt giam thì quăng lên hàng rào tường giam để leo trèo như lính đặc nhiệm, thoát ra ngoài. Rạng sáng 28/10/2001, trong đêm mưa to, gió mùa Đông Bắc tràn về, 2 tử tù đã "bốc hơi" không dấu vết. Tuy nhiên, trước sự bố ráp của hơn 500 cảnh sát thuộc nhiều đơn vị khác nhau, 17 ngày sau cuộc vượt ngục chấn động đó, 2 tử tù đã bị bắt trở lại.
Cùng một thủ đoạn, nhiều tử tù đã đào thoát thành công (ảnh minh họa)
Trước đó, lịch sử giam giữ tử tù Việt Nam còn ghi nhận 1 trường hợp vượt ngục kinh điển khác, đó là trường hợp tướng cướp Phước “tám ngón”, tức Nguyễn Hữu Thành, quê Sông Bé cũ, nay là Bình Dương. Trường hợp vượt ngục của Phước “tám ngón” được coi là duy nhất xảy ra tại “trận đồ bát quái” khám Chí Hòa kể từ khi chính quyền tiếp quản trại giam này.
Phước “tám ngón”, chịu án tử hình về các tội “giết người” và “cướp tài sản” khi cầm đầu 1 băng cướp gây khiếp đảm vùng Đông Nam Bộ. Quá trình vượt ngục, Phước “tám ngón” đã được hỗ trợ bởi một phạm nhân khác trong việc ăn uống, vệ sinh hàng ngày. Dụng cụ để vượt ngục gồm dao cạo râu. Ngoài ra trong 1 lần đi vệ sinh, Phước tranh thủ tháo được 1 chiếc vòng sắt trên khung cửa nhà vệ sinh. Vòng sắt này, Phước nương vào cùm chân để uốn thẳng, mài nhọn…Tất cả vật dụng cho cuộc vượt ngục, Phước giấu trong lỗ hổng vách tường, dán giấy báo che lại để qua mặt cán bộ quản giáo.
Công cụ chính là chiếc dao làm, Phước dùng cưa cùm chân từ ngày này qua tháng khác, cuối cùng cũng thành công. Sau khi thoát được gông cùm, Phước dùng thanh sắt nhọn khoét tường nhà vệ sinh vốn ẩm mốc, gạch vữa rơi vãi trong quá trình khoét tường Phước bỏ vào bồn cầu, dội nước phi tang, còn gạch thì bê lại bục xi măng sắp xếp, đậy chăn lại dàn cảnh như tử tù đang nằm ngủ. Sau quá trình thực hiện kế hoạch nhiều tháng trời, đêm 26/3/1995, tướng cướp này đã trốn thoát khỏi phòng biệt giam qua vách nhà vệ sinh mà y đã tốn công sức hàng tháng trời đục khoét.
Sau khi trốn khỏi phòng biệt giam, Phước “tám ngón” còn rất bình tĩnh ẩn náu trong các khu vực nhà giam. Đến rạng sáng thì đột nhập vào khu nhà tập thể của cán bộ quản giáo, lấy trộm quân phục để mặc, rồi thản nhiên dắt xe đạp ra bằng đường cổng chính. Hơn 7 tháng sau, tướng cướp Phước “tám ngón” mới bị bắt trở lại và ngày đền tội không thể tránh khỏi.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc