CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:25

Từ “Tịnh cư Cát Tường Quân”đến “Cát Tường Viên” Nam Giao

Từ suy nghĩ đó, “Tịnh cư Cát Tường Quân” đã ra đời. Với địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng bên đồi Thiên An này rất nhiều đoàn khách “VIP” trong và ngoài nước đã đến đây, trong đó có cả Thủ tướng Pháp. Thích thú với khung cảnh đẹp, yên tĩnh và trong sạch nơi đây, một số sẵn sàng trả giá cao để được nghỉ lại ít lâu, nhưng chủ nhân đã từ chối; vì như thế thì không còn là “Tịnh cư” nữa!ư

Một góc “Tịnh cư Cát Tường Quân”. 

Khách đến, được mời xem khuôn viên rộng 3000 m2, ở giữa là 4 nhà rường sắp đặt theo hình chữ “khẩu”, được hướng dẫn tập yoga, thiền, thưởng thức bữa cơm chay thực sự tinh khiết rồi cùng chủ nhân đàm luận chuyện “đạo” và “đời”... Tất nhiên còn được thỏa sức hít thở bầu không khí trong lành giữa một rừng thông không phải bỗng dưng mang tên “Thiên An”.

Cũng cần nói thêm, chính vì không muốn “khuấy đảo” khung cảnh bình yên của Thiên An, chủ nhân đã chọn kiểu thiết kế khá độc đáo: Nhìn qua, 4 căn nhà rường tưởng như xây trên một  mặt bằng, nhưng thực ra “tổ hợp” đó dựng trên một sườn đồi dốc, căn nhà tập thiền đối diện với căn nhà chính 5 gian là tầng trên cùng ngôi nhà 3 tầng, 2 tầng dưới là nơi ở của nhân viên và để xe; còn tầng dưới nhà ăn là nhà bếp... Nhờ thế, vừa đỡ công đào xới san lấp tạo mặt bằng mới, vừa tránh được việc phá vỡ sự cân bằng mà tạo hóa đã thiết lập tự ngàn xưa...

Chủ nhân hướng dẫn khách thực hành “nghi lễ” trước bữa cơm chay tại “Tịnh Cư Cát Tường Quân”, tỏ lòng tri ân Đất Trời và những người lao động đã cho chúng ta bữa ăn ngon lành. 

Vậy mà tôi lại đến “Tịnh cư Cát Tường Quân” rất muộn, khi đã có khách từ 50 quốc gia trên thế giới đặt chân tới đây! Có lẽ vì nó... quá nổi tiếng, đã lên phim, lên báo nhiều, thì yên chí nó sẽ còn đó mãi cho những ai đến muộn chiêm ngưỡng.  Tôi lên thăm “Tịnh cư Cát Tường Quân” vào cuối tháng 11/2015. Vừa đi chỉ đạo đào hồ sen ở “Cát Tường Viên” về, chị Tạ Thị Ngọc Thảo nói: Tôi thấy Đàn Nam Giao là nơi thờ cúng Đất Trời thiêng liêng nhất của Huế, nên muốn thay thế khu đất buôn bán hỗn tạp phía trước bằng một công viên làm đẹp thêm cho Nam Giao và cho Huế...

Ý tưởng tốt đẹp đó liền được chính quyền địa phương ủng hộ và chị lập tức triển khai để có thể sẽ hoàn thành kịp đón Xuân mới. Hơn một tháng qua, thỉnh thoảng có dịp qua Đàn Nam Giao, tôi không khỏi hồi hộp lo cho kế hoạch “Cát Tường Viên”, vì hết đợt gió mùa này tiếp đến đợt khác, liên tục trút mưa khiến việc xây dựng luôn gặp trở ngại...

Vậy mà hôm nay, khu đất ngổn ngang vật liệu xây dựng ấy đã thành một công viên đủ loại hoa và cây cảnh thi nhau khoe sắc dưới ánh mặt trời ấm áp. Hồ sen mới đào tháng trước, nay ăm ắp nước, hoa súng đã vươn lên xòe cánh tím chờ sen hồng mùa hạ tới. Huế không thiếu những vườn cây cảnh đẹp, hai bờ sông Hương cũng là một công viên đặc sắc; tuy vậy, với một doanh nhân không ngừng tìm kiếm, xây dựng các công trình có tính độc đáo, tôi nghĩ “Cát Tường Viên” vẫn sẽ là một địa chỉ văn hoá mới của Huế có sức mời gọi bạn bè gần xa.

Đến với “Cát Tường Viên”, du khách không chỉ được thưởng ngoạn “miễn phí” những hàng cây, những loài hoa đẹp sắp đặt có nghệ thuật mà còn có thể “tham gia” nhiều hoạt động khác tùy nhu cầu của mình như thiền Yoga, thực hành trà đạo... “Cát Tường Viên” còn tư vấn thiện nguyện với 4 nội dung: Tài chính, marketing, khởi nghiệp và chiến lược kinh doanh. Và tất nhiên, “Cát Tường Viên” cũng kinh doanh, bạn có thể chọn mua nhiều loại cây cảnh. “Cát Tường Viên”  còn giúp thiết kế lập vườn, chăm sóc vườn và đặc biệt: Thiết kế lập vườn thiền.

Chị Tạ Thị Ngọc Thảo tĩnh tọa giữa “Vườn Thiền” của “Cát Tường Viên” Nam Giao. 

 “Cát Tường Viên” trước ngày khai trương còn không ít việc phải hoàn thiện. Vậy nhưng Tạ Thị Ngọc Thảo xem ra vẫn thư thái và vui vẻ bước lên một tảng đá đặt trong “Vườn thiền” tĩnh tọa cho tôi hình dung du khách nếu muốn, sẽ được chụp hình kỷ niệm ở đây như thế sau ngày khánh thành “Cát Tường Viên”. Nghe tôi bảo rằng “tấm ảnh này có thể đưa lên mặt  báo đó”,  chị nói rất nhỏ:

- Tùy anh... Anh là nhà báo đến sớm nhất đó!

 Giọng chị như một hơi thở nhẹ và cười - đúng như một “tuyên ngôn” chị đã viết trong tác phẩm “Thư chủ gửi tớ” (NXB “Văn hoá –Văn nghệ” TPHCM, 2015): “Tôi về Huế chỉ để thở và mỉm cười.” Học theo chị, tôi cũng nhẹ giọng, vui vẻ đáp lại:

- Thì để bù cho lỗi đến “Tịnh cư Cát Tường Quân” muộn màng!

Về quy mô và kinh phí đầu tư, so với “Tịnh cư Cát Tường Quân”, thì “Cát Tường Viên” là rất khiêm tốn. Tuy vậy, nó lại có một giá trị khác. Một bên, gần như là nơi ở ẩn, chỉ để tu dưỡng cho chủ nhân và khách “có điều kiện” đến thăm trong chốc lát; còn một bên là ra giữa đường đời đón khách thập phương - “Cát Tường Viên” đứng chân ngay ngã ba đường lên lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng. Thay cho quán nhậu ê hề thịt tẩm hóa chất độc hại lẫn thịt thú rừng săn trộm, với tiếng hò hét cuồng loạn “dô…100% dô đi!” là một khu vườn với ngàn hoa lá tươi xanh trong bầu không khí trong lành nhờ được thanh lọc qua một tâm hồn có “duyên” với Huế; điều đó, ít nhiều cũng góp phần làm trong sạch môi trường xã hội và cả thiên nhiên.

So với các quảng trường hàng ngàn tỷ xài vốn ngân sách mà không ít địa phương đang hăm hở xây dựng, “Cát Tường Viên” thật bé nhỏ; nhưng nó gắn với Đàn Nam Giao, nên mang một ý nghĩa không tầm thường. Đàn Nam Giao - vùng đất thiêng có lẽ không chỉ của Huế - một thời bị đập phá, quên lãng. Hơn mười năm qua, được khôi phục, dù không hoàn nguyên, nhưng giữa khu rừng thông xanh tốt, được bảo vệ nghiêm ngặt, trên bàn thờ đặt ở tầng cao Đàn Tế xưa, luôn có người chăm lo hương hoa chu đáo, nhất là trong những ngày lễ, Tết...

Cũng nên nhắc lại một sự kiện diễn ra thầm lặng hơn chục năm trước nhưng lại có sức lan truyền sâu xa. Đó là một đêm mùa Xuân, sau trận lụt lịch sử 1999 gây thiệt hại lớn cho Huế và miền Trung, một lễ cúng tế rất long trọng đã diễn ra tại Đàn Nam Giao, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho vong linh tất cả những người không may bị tử nạn trên đất nước mấy chục năm qua được siêu thoát... Rồi hai kỳ Festival Huế 2004 và 2006, Lễ hội Nam Giao đã được phục dựng, còn hoành tráng hơn cả ngày xưa với đoàn Ngự đạo có hai ông voi to kềnh dẫn đầu, theo sau là cờ xí, nghi trượng, gươm đao, đàn sáo, cùng vua, quan văn võ và đội nhã nhạc, đội múa hoa đăng... vàng son rực rỡ... Không hiểu nhờ may mắn hay lòng thành của Ban tổ chức và gần 500 con người trong đoàn Ngự đạo cả tháng tận lực lo cho đại lễ cầu quốc thái dân an thấu tận trời xanh mà ánh nắng thiêu đốt mấy ngày qua, chiều nay bỗng dịu lại. Xin đừng vội cho là mê tín. Chuyện tâm linh và mối quan hệ giữa vũ trụ bao la và con người huyền nhiệm khôn cùng!...

 Có người nói nhờ thế, hơn chục năm qua, không có trận bão lụt lớn nào “ghé” Huế! Và biết đâu, chính nhờ Tạ Thị Ngọc Thảo và những chủ nhân mới của Huế có tấm lòng muốn làm đẹp thêm cho khu vực Đàn Nam Giao mà ngày đầu Xuân mới này, trời đang mưa bỗng tỏa nắng!

Có thể đây chỉ là sự tình cờ, nhưng biết đâu!... Đã có nhà khoa học chứng minh, ý tưởng của con người toát ra có sức mạnh thay đổi được thế giới xung quanh...

Tạo hóa còn nhiều bí ẩn mà con người chưa thể biết hết. Có điều chắc chắn là trong cuộc tranh đua tăng trưởng mọi thứ trên thế giới, khiến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc phải “báo động’’ không khí nhiễm độc, cấm bớt xe cộ, nhà máy hoạt động, khiến nguyên thủ 195 nước phải họp Hội nghị biến đổi khí hậu tại Paris vừa qua (COP21), thì có lẽ một địa chỉ du lịch tâm linh như “Tịnh Cư Cát Tường Quân”, một vườn hoa lá tốt tươi vừa xuất hiện bên Đàn Nam Giao có thể được gọi là “nhân tố mới” trong xu hướng kinh doanh thân thiện với thiên nhiên, tạo sự cân bằng “thân - tâm” mà tương lai nhân loại đang hướng tới...

Nguyễn Khắc Phê/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh