Tư thương, họ là ai?
- Văn hóa - Giải trí
- 17:39 - 23/06/2016
Ảnh minh họa. HT
Trong cuộc sống, hàng ngày người ta hay mắng nhau: “Đồ con buôn!”, “bọn buôn gian bán lận”, thậm chí có một thời các quan chức nhà nước khi nói chuyện, hoặc trong báo cáo đều gọi chị em buôn bán nhỏ là “bọn tiểu thương”! Cơ chế thị trường tồn tại ở nước ta hơn 30 năm rồi, mà đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày cũng như trên diễn đàn kinh tế, nhiều nhà báo, nhiều giám đốc doanh nghiệp nhà nước, nhiều nhà quản lý...vẫn cho rằng “do tư thương ép cấp, ép giá” đối với nông dân khi mua nông sản, nên nông dân nghèo.v.v... Các nhà báo thì viết theo quan điểm người quản lý hoặc các doanh nghiệp nhà nước, nên cứ phán bừa “do ép cấp, ép giá”, mà chẳng quan tâm đến hậu quả của câu nói đó. Quan điểm đó nặng nề đến mức, người ta coi việc “ép cấp, ép giá”, “trục lợi” là bản chất của tư thương! Thế nên, giới tư thương nước ta luôn bị tâm lý ức chế, vì xã hội nhìn họ bằng con mắt miệt thị ! Vậy tư thương, họ là ai ?
Có thể nói quan niệm hay cách nhìn như vậy oan cho giới tư thương lắm! Xin khẳng định ngay rằng, ở nước ta hiện nay, từ nông thôn cho đến thành thị, tư thương là người của muôn nhà! Không phải người của muôn nhà bây giờ, mà hàng ngàn năm trước, bà con tư thương đã là “người của muôn nhà” rồi! Chợ quê hay chợ phố người mua thiếu tiền thì chị em bán hàng cho nợ, bao giờ trả cũng được. Nếu mua hàng mà thiếu ít thì họ cho luôn! Những lúc nông dân giáp hạt khó khăn, chị em tiểu thương ứng vốn cho bà con sản xuất không cần hóa đơn chứng từ, không lấy lãi, đến mùa trả sản phẩm.v.v.. Nhiều việc tình nghĩa đó giữa người tiêu dùng, hay nông dân với chị em tiểu thương kể cả tháng không hết. Mạ tôi là một tiểu thương. Mạ chạy chợ buôn bán nuôi 4 anh em tôi mấy chục năm liền. Cuộc sống, tình nghĩa trên vai mạ. Tết, mạ tôi gánh đến cho người làm ruộng là những chai nước mắm ngon, gọi là nước mắm chắt, nước mắm nhĩ, tức là loại nước mắm cốt từ trong chượp chắt ra, nhĩ ra tự nhiên, ngon lắm. Rồi những con mắm mục, mắm trích thính thơm phức, những khúc cá ngừ, cá thu kho ngon lựng. Tết, mạ gánh về cho bà con làng biển Thượng Luật nghèo là bó chè xanh, quả thơm, quả mít chín, gạo nếp, rồi bao nhiêu thứ kẹo bánh cho trẻ con như: Kẹo bi, kẹo bột đậu bọc giấy bóng xanh đỏ tím vàng, kẹo cứt gà (tên kẹo như thế vì kẹo nấu bằng đường thủ công tẩm bột nâu, đen đen trăng trắng như viên cứt gà khô trên cát); rồi các thứ bánh bày trên bàn thờ ngày Tết như bánh in bọc giấy bóng xanh đỏ, bánh ít; rồi lá dong, lá chuối để bán cho các nhà gói bánh chưng, bánh tét cúng Tết, mà bà con không thể mua trong cửa hàng Hợp tác xã mua bán được! Vì không có, mà đôi khi có thì giá lại cao!
Một lần tôi đến thăm chị Vũ Bội Trâm, vợ cố nhà văn Phùng Quán, ở khu tập thể Trường Chu Văn An (Hà Nội). Ngồi nói chuyện với chị Bội Trâm một lúc thấy có chị “hàng xáo” gánh gạo vào bán. Trong gánh của chị có đến 5 thứ gạo với giá khác nhau. Chị chủ nhà mua 5 ký. Chị Bội Trâm bảo: “Hàng ngày ngồi ở nhà chị cũng có thể mua đủ thứ từ gạo đến thịt cá, rau, dưa, mắm muối. Chẳng cần đi chợ, mà có khi lại rẻ hơn mua ở chợ. Mình già rồi, có người gánh chợ trên vai này đỡ lắm em ạ. Tới ngày hai chín Tết họ vẫn còn bán!”. Tôi hỏi chuyện, chị bán hàng cho biết, chị quê bên Gia Lâm. Bán gạo gánh rong này 5 năm rồi. Muốn bán gạo rong phải về làng quê mua gạo mới, những người bán rau thịt thì phải đến các chợ đêm mua rau, đến lò mổ lợn, bò từ sáng sớm để mua thịt, rồi gánh đi bán rong khắp phố, mỗi ngày kiếm vài ba chục ngàn tiền lãi. Đó là hình ảnh người tư thương ở Hà Nội. Ở Huế, có thể nói là nơi nhiều tư thương nhất. Từ các món ăn, gạo cơm, thực phẩm... đều có tư thương mang đến tận nhà. Đội quân bán hàng rong ấy đông tới cả vạn người. Còn ở các buôn làng ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum bây giờ, những tư thương hiện đại chạy xe máy Minsk vèo vèo. Họ mang mắm, muối, vải vóc, quần áo.v.v.., khi về thì họ thồ nặng trĩu các loại cà phê, bắp hạt hoặc măng , mật ong.v.v.. về bán lại cho các công ty nhà nước hoặc các chủ vựa. Ở Đắk Lắk 70% lượng hàng nông sản các doanh nghiệp xuất khẩu đều mua qua đại lý tư nhân, người thu gom, tức là các thương lái. Họ tần tảo từng ngày, không quản nắng mưa, đồi núi. Những nơi ấy quanh năm suốt tháng không ai thấy bóng thương nghiệp quốc doanh, mà sản xuất và tiêu dùng thì vẫn diễn ra hàng ngày, nếu không có tư thương thì bà con nông dân sẽ bán hàng cho ai? Họ sẽ sống ra sao?
Tôi có cô em dâu tên Trần Thị Lộc ở thị trấn Nghĩa Đàn (Nghệ An). Hàng chục năm nay hàng ngày em lại đạp xe hai chục cây số thồ nào áo quần, xoong nồi, đường, giấy vở học sinh...mua hộ theo đăng ký của bà con nông dân các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Bình, Cừa..., sau đó em mua đủ thứ hàng nông sản như lúa, lạc, bắp, đậu đen, đậu xanh, sắn lát, gà, vịt.v.v.. của bà con nông dân các làng, đến tối mịt mới đạp xe cũng chừng ấy cây số thồ hàng về Nghĩa Đàn, rồi thức khuya phân loại để sáng mai nhập cho các chủ vựa hay cửa hàng mậu dịch. Lúa thì phải xay ra, lấy cám nuôi lợn, còn gạo đem bán sỉ cho người bán gạo ở chợ. Mưa gió, nắng nôi gì em cũng cứ “lấy công làm lãi”, cứ đi mua hàng, vì đã hẹn với bà con nông đân. Hai năm nay mua được chiếc xe máy Trung Quốc, em mới thoát khỏi cảnh gò lưng đạp xe.
Tôi trêu em: “Người ta bảo bọn tư thương các em là chúa ép cấp, ép giá!”. Không ngờ em lại đỏ mặt, cãi lại như một nhà kinh tế học: “Anh làm báo mà không biết “quy luật buôn bán” gì cả thì viết kinh tế mần răng! Quy luật cung - cầu là hàng nhiều thì giá phải giảm, hàng ít thì giá tăng, tất cả đều thuận mua vừa bán! Em hỏi anh, như làng Sen, làng Sẽ xã mình đây, nếu không có em thì dân làng biết bán lạc, đậu, lúa cho ai?. Thương mại quốc doanh thì ở Vinh, ở Lạt, ở Nghĩa Đàn, cả năm họ không về xã, mà có về họ chỉ mua từng xe tải, chứ không mua từng gánh, từng mớ. Bà con không bán được lạc, lúa, đậu, ngô, gà, vịt...thì lấy tiền đâu mà mua sách vở, nộp trăm thứ tiền trường cho con khi mùa học tới, rồi lấy tiền đâu may áo Tết cho tụi nhỏ... !” .
Lộc còn phân tích: “Chính các doanh nghiệp nhà nước, dù được hưởng tiền trợ giá, trợ cước vẫn luôn bỏ rơi thị trường nông thôn, không bao tiêu sản phẩm cho bà con. Các doanh nghiệp nhà nước bộ máy lại cồng kềnh, chi phí lớn, nên không thể làm rẻ hơn, hiệu quả hơn, kịp thời hơn tư thương được. Bởi thế, để giải trình cho yếu kém của mình, họ vu cho tư thương là ép cấp, ép giá! Tất nhiên mua bán ở đâu cũng có người thế này, kẻ thế khác. Kẻ nào lừa đảo, trục lợi sẽ bị nông dân tẩy chay và pháp luật trừng trị. Không nên vơ đũa cả nắm anh ạ!”. Nghe cô em dâu nói mà thấm thía!
Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, mỗi năm làm ra 15 triệu tấn gạo. Nông dân thì không thạo buôn bán, vận chuyển lương thực, họ lại bận mùa vụ, đồng áng, nên hàng ngàn thương lái đến từng nhà dân mua lúa, rồi bán lại cho các chủ vựa là điều tất yếu. Công việc đó diễn ra từ giữa thế kỷ XIX, khi Nam Kỳ thuộc Pháp. Lúc đó các tư thương người Hoa đã có vai trò quan trọng trong việc thu mua gạo xuất khẩu ở Nam bộ. Nghĩa là 150 năm nay, càng ngày giới tư thương càng đóng vai trò rất quan trọng trong xuất khẩu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Mấy năm qua, Nhà nước có chính sách “mua gạo tạm trữ” để trợ giá bán cho nông dân, nhưng số tiền trợ giá đó lại rót về cho các doanh nghiệp nhà nước mua gạo tạm trữ. Rồi họ đến mua lúa của nông dân theo giá thị trường, không trợ giá chút nào cho nông dân.
Còn tiền trợ giá của Chính phủ thì họ hưởng. Cho nên quy cho tư thương “ép cấp, ép giá” là oan! Hay giá cá ngừ đại dương ngư dân đi đánh bắt về ở Bình Đình, Phú Yên, Khánh Hóa bị giảm... báo chí lại la lên: “Do thương lái ép cấp, ép giá”. Thực ra tất cả sản phẩm cá ngừ đại dương đều không bán lẻ ở các chợ bao nhiêu, mà đa phần bán cho các nhà máy chế biển xuất khẩu. Vậy nên do giá thu mua nguyên liệu của nhà máy mà thương lái họ định giá mua đối với ngư dân. Toàn chuyện thuận mua vừa bán. Tất nhiên cũng có những tư thương không chung thủy với bạn hàng, lợi dụng lúc cá về nhiều để ép giá thật. Nhưng đó không phải bản chất của tư thương! Nói về xuất khẩu lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nông học Việt Nam khẳng định rằng, hơn 90% lúa gạo ở Nam bộ tiêu thụ được là nhờ tư thương !
Đảng ta chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần. Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 9 về “Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách và khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân”, một lần nữa khẳng định vị trí của giới tư thương trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đất nước. Luật quy định: Mọi người được kinh doanh cái mà Nhà nước không cấm! Tại sao chúng ta lại kỳ thị với giới tư thương? Thiết nghĩ đã đến lúc phải công bằng hơn trong cách nhìn nhận, đánh giá giới tư thương. Họ thực sự là một thành phần không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế nước nhà!Là một nhà báo viết bài về kinh tế mấy chục năm, tôi muốn nhắn với các nhà báo trẻ rằng, viết báo là để xây dựng cho cuộc sống, xây dựng con người tốt đẹp hơn. Phải hiểu bản chất của tư thương là người của muôn nhà mới viết đúng về họ, viết chính xác về đời sống kinh tế đất nước.