Từ tháng 4/2020: Áp dụng quy định mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH
- Dược liệu
- 21:11 - 05/03/2020
Theo đó, Điều 38, 39, 40 của Nghị định đã quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và mức xử phạt trong lĩnh vực BHXH. Cụ thể:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Hằng năm không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định tại Khoản 7, Điều 23 của Luật BHXH; không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng BH thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng BH thất nghiệp theo quy định; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức Công đoàn yêu cầu.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH.
Ảnh minh họa
4. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Chậm đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; đóng BHXH, BH thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng BHXH, BH thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.
5. Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
7. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp…
8. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BH thất nghiệp để trục lợi chế độ BHXH, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BH thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung.
9. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không trả chế độ BH Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan BHXH chuyển đến.
10. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền hưởng BHXH bắt buộc của người lao động mà người sử dụng lao động đã chiếm dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chiếm dụng tiền hưởng BHXH bắt buộc của người lao động.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo với Trung tâm DVVL nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động, khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật.
11. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị đúng thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 102, Khoản 1 Điều 103, Khoản 1 Điều 110, Khoản 2 Điều 112 của Luật BHXH; không giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 47 của Luật An toàn vệ sinh lao động và Điều 55 của Luật BHXH đi khám giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa; không trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 21 Luật BHXH.
12. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có một trong các hành vi sau đây: Tổ chức dạy nghề không đủ thời gian khóa học mà người lao động tham gia BH thất nghiệp đăng ký đối với mỗi người lao động vi phạm, nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng; thỏa thuận với cá nhân, tổ chức có liên quan để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề đối với mỗi trường hợp vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
13. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động mà có hành vi tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.