THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 03:32

Lao động “chui” tại Hàn Quốc: Tự nguyện về nước được "ân xá" xử phạt

Ảnh minh họa

Hàn Quốc hiện đã bắt đầu triển khai rộng rãi Chương trình đăng ký tự nguyện về nước dành cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc kể từ ngày 22/5. Theo đó, người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc bất kể từ thời gian nào, có thể mang theo hội chiếu hoặc giấy thông thành còn hiệu lực và vé máy bay tự đăng ký thủ tục để về nước tại Phòng xuất nhập cảnh ở tất cả các sân bay quốc tế nơi dự định xuất cảnh bất kỳ lúc nào và được miễn đóng tiền phạt, không bị tạm giam, hồi hương trong danh dự. Đối với những người cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước thì sẽ được xem xét rút ngắn thời gian cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc xuống còn 2 năm. Sau khi về nước, nếu người lao động xin visa tái nhập cảnh Hàn Quốc thì việc tự nguyện về nước sẽ được xem xét trong quá trình cấp visa.

 

Nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp khi trở về từ Hàn Quốc


Đồng thời Hàn Quốc cũng thực hiện gắt gao việc truy quét người nước ngoài cư trú bất hợp pháp như: Thành lập các đội liên ngành gồm đại diện các cơ quan chức năng của các Bộ, Ban, Ngành: Bộ tư pháp, Cảnh sát quốc gia, Ủy ban an toàn quốc dân mở các chiến dịch truy quét quy mô quốc gia và được duy trì trong cả năm 2015. Đặc biệt tại Suwon, sẽ thành lập “Đội truy quét toàn diện thuộc thành phố” và tại Busan sẽ thành lập “Đội điều tra đặc biệt người di dân”; Thông qua điều luật sửa đổi của “Luật quản lý xuất nhập cảnh” về việc xử phạt nặng chủ sử dụng tuyển dụng trái phép người nước ngoài và lập các hồ sơ giả để đăng ký lưu trú cho các đối tượng này. Các hành vi từ chối, cản trở việc điều tra mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt đến 10.000.000 won (khoảng hơn 9.000 USD), người nộp hồ sơ giả đăng ký lưu trú sẽ bị trục xuất về nước… Những người bị bắt sẽ bị phạt, bị trục xuất về nước và cấm nhập cảnh Hàn Quốc trong thời hạn tối đa 10 năm. Song song với hoạt động truy bắt, sắp tới đây, cơ quan thẩm quyền Hàn Quốc kiểm tra gắt gao việc cấp visa và tăng cường kiểm soát nhập cảnh nhằm ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp lợi dụng đi du lịch, đi hợp tác lao động để trốn ở lại Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ chiến dịch, chính phủ Hàn Quốc cũng đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao các nước tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động công dân, lao động của nước mình ra trình diện, tự nguyện hồi hương. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với các cơ quan chức năng kêu gọi công dân, lao động đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ra trình diện, đăng ký để được hỗ trợ thủ tục, cấp giấy thông hành về nước.

 

Ngày 10/4/2015, phía Hàn Quốc đã ký gia hạn Bản Ghi nhớ đặc biệt (ký ngày 31/12/2013). Theo đó, 7.700 hồ sơ của người lao động sẽ được gia hạn trong thời gian 1 năm để giới thiệu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn

 

Theo Thống kê của Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2015, tổng số người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc bị bắt giữ là khoảng 5.000 người trong đó có khoảng 700 người lao động Việt Nam. Ngoài ra, đã có 663 người lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước. Hiện Việt Nam có 26.340 người lưu trú bất hợp pháp. Đây là cơ hội lớn cho số lao động này đăng ký tự nguyện về nước mà không bị xử phạt. 

Lao động Việt Nam ở Hàn Quốc được tư vấn về nước khi hết hạn hợp đồng

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS từ tháng 8/2004. Tuy nhiên, tình trạng lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng lớn đến hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực này. Cụ thể từ tháng 8/2012, phía Hàn Quốc đã không tái ký với Việt Nam bản ghi nhớ về việc tiếp nhận mới lao động Việt Nam sang làm việc khiến hàng chục nghìn lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc không còn cơ hội. Trước tình trạng trên, phía Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp như: hạn chế tuyển chọn lao động ở các địa phương có tỷ lệ người cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao, chỉ tuyển lao động trong ngành ngư nghiệp ở những xã ven biển có nghề đánh cá; xử phạt vi phạm hành chính đối với người bỏ trốn, phá hợp đồng lên đến 100 triệu theo Nghị định 95 của Chính phủ, xử phạt lao động vi phạm với mức xử phạt 90 triệu đồng, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị vận động thân nhân gia đình người lao động ở trong nước và tới trực tiếp người lao động tại Hàn Quốc để kêu gọi họ về nước đúng quy định. Bên cạnh việc truy quét lao động bất hợp pháp, phía Hàn Quốc cũng tạo điều kiện cho người lao động hết hợp đồng về nước đúng thời hạn có nguyện vọng quay trở lại làm việc lần 2 với thời gian tối đa là 4 năm 10 tháng. Đồng thời cũng thắt chặt các chi trả bảo hiểm hồi hương và bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh. Lao động chỉ được trả tiền bảo hiểm sau khi hoàn thành các thủ tục xuất cảnh tại sân bay Hàn Quốc hoặc sau khi nhập cảnh Việt Nam 14 ngày.

 

Người lao động muốn đăng ký về nước theo chương trình này cần thêm thông tin liên hệ với:

- Ban Quản lý lao động Việt nam tại Hàn Quốc. Ðịa chỉ: Tầng 6, Peeres Bldg, Golden Bridge Building, 222 Chungjeongno – 3ga, Seodaemun - gu, Seoul 120-708. Điện thoại: (0082) 23641043

- Trung tâm tổng hợp hướng dẫn người nước ngoài: 1345

- Văn phòng Quảng lý XNC tại các sân bay chính: Sân bay Incheon: 032-740-7391~2; 032-891-9925; 032-8777-9941; Gimpo: 02-2664-6202; Gimhae: 051-979-1300

Đăng Khoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh