Tư liệu về thẻ cử tri
- Tây Y
- 02:29 - 23/05/2021
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi người công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội”.
Theo quy định hiện hành, cử tri tự mình đi bầu cử. Khi đến địa điểm bầu cử, cử tri xuất trình thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu và hướng dẫn cách bầu. Mỗi thẻ cử tri chỉ có giá trị cho một lần bỏ phiếu. Sau khi cử tri bỏ phiếu bầu xong, tổ bầu cử phải đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri của cử tri đã bỏ phiếu bầu xong.
Để cử tri tận tay mình được nhận và cầm trên tay lá phiếu bầu cử là quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, chu đáo, trách nhiệm của hội đồng bầu cử các cấp và của chính bản thân mỗi cử tri trước mỗi kỳ bầu cử.
Bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ của cử tri trước sự kiện trọng đại của đất nước.
Trước mỗi kỳ bầu cử, cử tri được phát thẻ cử tri để tham gia bầu cử. Tấm thẻ cử tri ghi rõ thông tin về nội dung bầu cử và về địa phương nơi cử tri tiến hành tham gia bầu cử, về người tham gia bầu cử gồm họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi cư trú...
Từ khóa bầu cử XII trở về trước, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện vào những thời điểm khác nhau, vì vậy, thẻ cử tri của các cấp bầu cử này sẽ khác nhau, được ghi rõ là thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội hay thẻ cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Từ bầu cử Quốc hội khóa XIII, việc bầu cử đồng thời các cơ quan dân cử ở 4 cấp, gồm: đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và cấp xã, phường, thị trấn. Trong thẻ cử tri có nội dung bầu đại biểu Quốc hội và bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Số thẻ cử tri được ghi theo số thứ tự tương ứng trong danh sách cử tri, khu vực bỏ phiếu.
Tấm Thẻ cử tri tuy bé nhỏ nhưng là minh chứng về sự quản lý nhà nước với công dân, với cử tri của mình, hơn nữa nó còn là một sự khẳng định quyền bầu cử của mỗi công dân, trách nhiệm của công dân đối với sự kiện trọng đại của đất nước, minh chứng về một hoạt động của cử tri đối với sự hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Thẻ cử tri cùng với lá phiếu bầu cử thể hiện tính chất dân chủ của chế độ chính trị và quyền của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Khác với lá phiếu bầu cử, cử tri có quyền giữ thẻ cử tri của mình.
Mỗi lần bầu cử, cử tri sẽ được cầm trên tay mình tấm thẻ cử tri, lá phiếu để lắng lại và đóng góp vào sự nghiệp của đất nước. Với nhiều người, thẻ cử tri được giữ lại góp phần lưu giữ những thời khắc lịch sử thiêng liêng về một hoạt động chính trị của cử tri đối với sự kiện trọng đại của đất nước, như một kỷ niệm tự hào và đáng nhớ trong dòng chảy của cuộc sống.
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tổ chức vào Chủ nhật 23/5/2021. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của cả nước, là ngày hội của toàn dân, là ngày cử tri cả nước thực hiện quyền và trách nhiệm của công dân.
Phát huy tinh thần dân chủ, quyền làm chủ của công dân đất nước, cử tri cả nước cùng tham gia thực hiện các bước của quy trình bầu cử, xuất trình thẻ cử tri để vinh dự được nhận lá phiếu bầu những đại biểu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, và của các địa phương.
Mỗi cử tri cần làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, thực hiện quyền làm chủ, tham gia bầu cử đầy đủ, sáng suốt lựa chọn những người đủ tài, đủ đức tham gia cơ quan quyền lực nhà nước./.