THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:12

Từ hiện vật tàu đắm đến Bảo tàng văn hóa Biển

 

Đông đảo người dân và du khách xem trưng bày hiện vật từ tàu đắm Cù Lao Chàm. Ảnh: Quốc Hải

Phong phú loại hình

Số 500 hiện vật được trưng bày vô cùng phong phú về loại hình. Đó là các ấm có vòi kendy, lư hương, âu, ang hình cầu, bát, đĩa, chén, hộp, lọ,... Có những chiếc đĩa vẽ nhiều màu và vẽ lam với các họa tiết hoa văn trang trí chủ yếu về đề tài động vật, lá, cây cỏ, phong cảnh, hoa và chữ Hán. Hay các loại hộp phấn men trắng, men màu, men trắng xanh trang trí trên nắp các họa tiết chim muông, hoa lá, cây cỏ, phong cảnh và người… Đặc biệt, có hiện vật là tiêu bản duy nhất được trưng bày tại đây là ấm tỳ bà được trang trí bởi hai mặt hổ phù đắp nối ở hai bên, xung quanh trang trí các họa tiết hoa lá, mây lửa,...
Ngắm nghía những mảnh gỗ của xác tàu đắm Cù Lao Chàm và đồ dùng của thủy thủ đoàn từ cách đây 5 - 6 thế kỷ, ông Mai Giỏi - người dân ở thôn Cấm, xã đảo Tân Hiệp nói: “Tàu to, tàu gỗ đó, đi buồm chứ đâu có đi máy như sau này. Thời đó mà đóng tàu tốt thiệt. Ngắm nhiều cổ vật đẹp trưng bày tại nơi tàu đắm như thế này, chúng tôi chỉ biết khâm phục!”.

Con tàu đắm ở Cù lao Chàm được các nhà khảo cổ khai quật từ tháng 5/1997 đến tháng 6/1999. Tàu dài 29,4m rộng 7,2m, nằm dưới độ sâu 70 - 72m, chở gốm sứ có nguồn gốc từ các lò gốm nổi tiếng của Việt Nam tại vùng Chu Đậu - Hải Dương.

Với khối lượng đồ sộ hơn 250.000 hiện vật bao gồm nhiều loại hình và hoa văn trang trí phong phú, sinh động, gốm sứ trên tàu đắm Cù Lao Chàm đóng góp nguồn tư liệu quan trọng, toàn diện và đầy đủ vào việc nhận thức lịch sử phát triển đỉnh cao của dòng gốm sứ men lam Việt Nam thế kỷ XV - XVI.

Ông Đoàn Sung, Chủ tịch HĐQT Công ty Đoàn Ánh Dương, đơn vị phối hợp khai quật tàu đắm cổ này năm 1997 và tổ chức trưng bày hiện nay, nói: “Đây là nguồn tư liệu khoa học vô cùng quan trọng về Cù Lao Chàm và tìm hiểu lịch sử phát triển gốm, men cũng như nền mỹ thuật Việt Nam thời Lê sơ. Đồng thời đây cũng là bằng chứng xác thực đánh dấu vai trò chủ đạo của gốm sứ Việt Nam trên con đường gốm sứ trên Biển Đông giai đoạn từ thế kỷ XV đến XVIII. Vì có vai trò quan trọng như vậy nên năm 2005, công ty đã được Hội An cho chủ trương nghiên cứu xây dựng một bảo tàng về di sản văn hóa biển nói chung, tàu đắm nói riêng trên hòn đảo này”.

Cần phát huy giá trị

Theo các nhà khoa học, họa tiết hoa văn của đồ gốm sứ tàu đắm Cù Lao Chàm đã góp phần phản ánh sinh động, chân thực nét văn hóa con người Việt Nam, lịch sử văn hóa Việt Nam thế kỷ XV. Đây có thể coi là bằng chứng về thời kỳ phát triển đỉnh cao của nghệ thuật chế tạo gốm sứ truyền thống của Việt Nam. Quan trọng hơn, đây là bằng chứng hùng hồn về một giai đoạn hoạt động sôi nổi, sầm uất của con đường gốm sứ, con đường giao thương Đông - Tây trên khu vực Biển Đông của nước ta. “Cần phải được giới thiệu rộng rãi vì tàu đắm Cù Lao Chàm được khai quật, nghiên cứu 2 lần và đã trở thành một di tích khảo cổ học dưới nước nổi tiếng trong và ngoài nước” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người trực tiếp tham gia khai quật nói.

Sự nổi tiếng mà họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói đó thể hiện qua những cái nhất: cuộc khai quật tốn kém nhất, với tổng đầu tư hơn 8 triệu USD; sử dụng trang thiết bị hiện đại nhất là lặn bão hòa khí, sử dụng chuông lặn thuê từ Mỹ; có thời gian khai quật tại hiện trường lâu nhất, mất hết 10 năm; sử dụng đội ngũ thợ lặn tinh nhuệ nhất, gồm thợ lặn trong nước của VISAL, của Đoàn Ánh Dương, đội thợ lặn của Úc, New Zealand, Trung tâm Khảo cổ học dưới nước của Trường Đại học Oxford - Anh; cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước ở độ sâu nhất đến 72m; thu được số lượng hiện vật nhiều nhất, 250.000 hiện vật.

Kho đồ cổ này một phần được giữ lại ở các bảo tàng trong nước, một phần đã bán đấu giá tại Mỹ vào năm 2000. Riêng 500 di vật trưng bày lần này là từ Công ty Đoàn Ánh Dương. “Đề nghị Công ty Đoàn Ánh Dương tiếp tục có phương án quy hoạch, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống bảo tàng và các công trình phụ trợ tại Cù Lao Chàm; đồng thời tổ chức khai thác, phát huy hiệu quả bảo tàng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp du lịch và các địa phương trong thành phố tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá rộng rãi, tạo điểm nhấn, thu hút nhân dân và du khách đến với bảo tàng, thông qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào và ý thức bảo vệ, giữ gìn biển đảo quê hương” - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

 


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh