THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:39

Từ bỏ chức Hiệu trưởng: Làm nông cũng như làm giáo dục

"Chị thích mặc đồ thoải mái chút, rách rách bụi bụi cũng chẳng sao. Con bé hay lấy rau vườn nhà chị gọi chị là "bà hiệu trưởng quần rách". Chị đùa bảo làm hiệu trưởng không được mặc đồ rách nên về làm nông đấy. Khi làm việc, chị chọn đồ thoải mái để đỡ dơ vào quần áo và cử động cũng dễ dàng hơn, còn khi ra ngoài chơi với bạn, chị vẫn lộng lẫy lắm".

Đó là những dòng tự miêu tả về bản thân của chị Lily Nguyễn. Trải qua nhiều ngành nghề, từng nắm giữ những vị trí quan trọng trong công việc, trước khi quyết định về làm nông nghiệp, chị là hiệu trưởng của một trường mầm non tại Đà Lạt. Chị nói giữa ngành giáo dục và chị luôn có một sợi dây gắn kết vô hình dù khi còn trẻ, chị chưa từng mơ ước mình sẽ trở thành cô giáo. Trước khi về Đà Lạt sinh sống, chị cũng đã từng làm việc ở Sài Gòn nhiều năm.

Nộp đơn xin nghỉ việc rồi, chị thấy thoải mái hơn nhưng cũng chưa có kế hoạch gì sắp tới cho bản thân. "Hồi trẻ, mình hay nghĩ mình muốn gì thì chắc chắn sẽ phải làm bằng được. Còn đến tầm tuổi này, chị bắt đầu nghĩ về lời của ông bà ta ngày xưa: cái gì hết duyên thì dừng lại. Giống như nhiều cặp đôi yêu nhau thắm thiết rồi cũng chẳng đến được với nhau và công việc hay những mối quan hệ khác trong cuộc sống cũng như vậy. Đó là cái duyên, là quy luật vũ trụ rồi, mình cố chấp quá tự mình sẽ đau khổ", chị Lily Nguyễn chia sẻ về lý do mình dừng lại với công việc trước.

Cận cảnh vưởn rau của chị Lily Nguyễn.

Trong lúc đi cafe với bạn bè, vô tình, chị gặp một người anh làm nông nghiệp hữu cơ. Được uống thử sản phẩm hữu cơ, chị khá thích thú và quyết định bắt đầu dấn thân. Chị thử nghiệm với mảnh vườn sẵn có ở nhà.

Chị kể những ngày đầu làm nông là vào năm 2018, chị bước vào lĩnh vực này giống như "tay không bắt giặc" vậy. Kiến thức nông nghiệp của chị chỉ gói gọn trong hai cuốn sách, trong đó có cuốn "Cuộc cách mạng một cọng rơm" nói về bí quyết trồng rau hữu cơ. Sức khoẻ và kiến thức vốn là hai thứ quan trọng để làm nông nhưng thời gian đầu, chị lại chẳng có nhiều.

"Con gái mà, trước lại là dân văn phòng nên khi xắn tay vào làm, làm không nổi. Những người nông dân thực thụ, buổi sáng họ vác cuốc ra đồng, làm một lúc rồi lại chạy xe về ăn trưa, ngủ một giấc, chiều thong thả làm tiếp. Còn mình làm từ sáng tới tối luôn. Có những ngày chị ngẩng đầu lên đã thấy trời tối thui rồi à. Mà đó còn là những ngày nắng chứ những ngày mưa, về nhà muộn, hai bên đường vắng tanh, tự dưng mình lại thấy yếu lòng và tự hỏi không hiểu mình đang làm gì nữa." (cười)

Khoảng thời gian mới bắt tay vào làm, chị nói mình còn chẳng có thời gian dành cho con cái. Có bữa 10-11h tối mới xong công việc, mình cũng mệt nên để tự con lo. Chị thấy mình có lỗi với con lắm. Một ngày làm việc đến 15-16 tiếng đồng hồ, sau đó về nhà làm vệ sinh cá nhân rồi lại đi ngủ. Thời gian cứ lặp lại như thế, thời gian dành cho con chẳng có nhiều mà công việc khi ấy còn gây cho chị nhiều hoang mang nên chị khá stress. Chị vô tình nhận ra khi thấy mình cứ cáu gắt với con và nhận lại được phản ứng từ con mình cũng như thế. Phải mất đến 3-4 tháng, chị mới bình tâm trở lại.

Thế mới thấy, "về quê nuôi cá và trồng thêm rau" không hề dễ như lời bài hát của Đen Vâu. Làm công việc nào, bạn cũng chấp nhận phải hi sinh và đánh đổi mà thôi. Chẳng có cái gì tốt lại không phải dành thời gian và công sức cả.

Chị dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, bạn bè và bản thân.

Thời gian gần đây, chị có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân, cho gia đình và bạn bè. Chị không còn stress như trước nữa mà thay vào đó, cố gắng đi tập yoga để thả lỏng bản thân. Chị cũng học hỏi, tìm hiểu thêm về làm nông nghiệp hữu cơ. Chị vỡ ra rằng làm nông nghiệp hữu cơ vẫn phải chăm sóc, tuy không dùng hoá chất nhưng thay vào đó là chế phẩm sinh học do mình tạo ra.

Có một thất bại về cây cà chua khiến chị nhớ mãi. Trước đó, khi chưa được cảnh báo, chị đã nghĩ cây cà chua là một cây dễ trồng. Cây cà chua cần phải cắt chồi phụ để ra trái. Chị cũng làm theo nhưng sau khi cắt chồi phụ, chị tưới nước từ trên xuống nên cây nhiễm bệnh. Hai ngày sau, nguyên vườn cà chua cao được 50cm lá rủ xuống, màu chuyển sang nâu. Chị ra vườn nhìn thấy nguyên đám cà chua như thế mà tưởng như bầu trời sụp đổ, cứ đứng thẫn thờ mà không biết làm sao, bao nhiêu công cắt tỉa cuối cùng thành sai lầm. 

Sau khi gọi điện cho người bạn, chị mới biết cây cà chua là một trong những cây khó trồng nhất trong vườn. Hơn nữa, cây cà chua giống như con người, vừa bị thương mà không được dưỡng bệnh ngay lại bị đổ nước lên như vậy, chắc chắn nhiễm bệnh.

 Về làm nông, gắn bó với thiên nhiên nhiều hơn, chị cảm thấy từ bên trong mình dễ chịu và thư thái. Chị tự chủ được thời gian của mình, muốn làm gì thì làm, không cần phải lên kế hoạch nhiều. Chị tiết lộ bản thân càng cảm thấy thoải mái, thu nhập càng tăng còn khi áp lực, thu nhập lại không cao bằng. Trở về làm nông nghiệp, chị không đặt mục tiêu gì hết. Nghe có vẻ hời hợt nhưng chị quan niệm việc hôm nay cứ phải làm tốt đã, đâu ai biết ngày mai như thế nào, đặt mục tiêu rồi không đạt được lại tạo stress cho chính mình, ảnh hưởng tới cả những người xung quanh.

Mỗi người một ý, chị có cách sống của riêng mình. Chồng chị cũng chỉ mong chị được làm những gì thoải mái nhất. Mẹ chị ban đầu luôn không hiểu vì sao con gái lại từ bỏ một vị trí tốt như vậy để về quê, đến bây giờ cũng đã thông cảm. Chị Lily Nguyễn muốn những điều mình từng trải qua sẽ giúp ích cho công việc hiện tại. Chị không gò bản thân theo một khuôn đúc: hiểu, thử, nếu không làm được mà vẫn thích thì nên thử lại còn nếu biết không thể làm được thì nên bỏ qua. Nhưng, đã làm việc gì thì phải làm hết sức!

Ngày ngày gắn bó với mảnh vườn 10.000 m2, chị chưa bao giờ hối hận về quyết định từ bỏ công việc bàn giấy. Ngược lại, chị thấy khâm phục những người nông dân vì đây là một công việc vất vả và nặng nhọc. Chị liên hệ công việc làm nông cũng như làm giáo dục, làm nông là chăm sóc cây còn giáo dục là chăm sóc học sinh.

Rau củ trong vườn nhà chị Lily Nguyễn.

Như đã nói ở trên, chị thấy mình và giáo dục luôn có một sợi dậy gắn kết vô hình. The Little Pine – trường mầm non song ngữ là đứa con tinh thần đầu tiên của chị được ra đời với mong muốn trẻ em hiện nay được gần gũi với thiên nhiên hơn. Khi thấy các bé bây giờ được giáo dục theo kiểu công nghiệp, tiếp xúc nhiều thiết bị điện tử…, chị đã quyết tâm tạo ra những không gian để trẻ được trải nghiệm nhiều hơn dù công việc chính vẫn là "đứng vườn" làm nông.

"Chị không sợ nhiều người tham gia làm mô hình kinh doanh giống mình. Chị không sợ cạnh tranh vì càng nhiều người hướng tới thiên nhiên càng tốt. Chị không bị áp lực kinh tế, có nhiêu xài nhiêu, gà có, rau có. Chị không sợ gì cả."

Chị Lily Nguyễn hài lòng với cuộc sống hiện tại bởi chị có nhiều thời gian để làm những điều mình muốn. Đặc biệt nhất, chị luôn thấy tâm mình bình an. "Bỏ phố về quê", theo chị chẳng phải một trào lưu, mà chỉ là khi con người thực sự muốn tìm sự bình an từ thiên nhiên, chắc chắn sẽ tìm tới.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh