THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:10

Từ bến nước mùa xuân...

 

Nghi lễ cúng bến nước.

1. Với họ, mùa xuân đồng nghĩa với niềm vui nhân đôi. Cũng là lúc cái lạnh cùng những cơn gió hanh hao lùi vào những cánh rừng già. Một trong những nghi lễ độc đáo ở vùng đất này là lễ cúng bến nước của người Ê Đê (dân tộc chiếm gần 20% dân số tỉnh Đắk Lắk). Chỉ tay về phía bến nước buôn Kô Tam (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột), già làng Y Phiu Mlo cúi đầu lẩm nhẩm điều gì đó, rồi trầm ngâm trút ra những lời như rút từ gan ruột của mình: “Với người Ê Đê. Mà không chỉ người Ê Đê, còn nhiều cộng đồng người dân tộc ở vùng đất này luôn ngưỡng vọng rừng, tôn kính rừng. Tôn kính nguồn nước. Nước và rừng chính là máu và thịt đấy. Nước cạn, rừng kiệt thì đau biết mấy. Mùa xuân nữa lại về, ai cũng háo hức chuẩn bị cho lễ cúng bến nước. Lễ cúng không chỉ là lễ cúng mà là lời khẩn nguyện quyện cùng niềm tin”.  

Lễ cúng bến nước diễn ra vào tháng Giêng. Không ai nói với ai, tất cả thanh niên trai tráng trong các buôn dọn sạch sẽ bến nước. Bến nước có cùng với thời điểm hình thành buôn làng. Phụ nữ, người già dọn dẹp nhà cửa. Tại bến nước, trai tráng dựng lên chiếc cổng bằng tre hoặc nứa như một cách loan báo cho mọi người biết lễ cúng chuẩn bị bắt đầu. Mùa xuân đã về. Lễ vật chính trong lễ cúng gồm: 1 con heo đực đen, 9 ché rượu cần. Thịt heo thái nhỏ đựng vào nia, trầu cau, gạo, cơm, xôi, thuốc bày bên các ché rượu... và một số lễ vật khác. Thầy cúng là người uy tín được buôn làng chọn ra. Thầy cúng sẽ mang thông điệp của người Ê Đê gửi đến thần nước. Lúc diễn ra lễ cầu, tất cả nắm chặt tay nhau như truyền đi sức mạnh của tình đoàn kết. Trong buổi cúng tế, ngoài thầy cúng, già làng và những người có uy tín trong buôn cùng hợp âm khấn những câu linh thiêng, như: “Khấn ơ    Giàng, ơ thần nước về đây giúp chứng giám cái bụng của buôn làng. Khấn ơ dòng sông hãy chảy hiền hòa cho cuộc sống bình yên. Khấn ơ Giàng hãy giúp dân thương yêu nhau đừng bao giờ làm điều ác cho nhau. Mùa xuân về, hãy nghĩ đến việc mang đến no ấm cho nhau... Và, dòng nước hãy chảy mãi không khô cạn...”.

Chia sản vật để cùng ăn Tết.

2. Một biểu trưng văn hóa độc đáo của người Ê Đê ở Tây Nguyên đó là nhà dài. Nhà dài là sản phẩm tiêu biểu của tổ chức công xã thị tộc  hình thành từ xa xưa, nhằm thích ứng với môi trường thiên nhiên, tránh thiên tai, thú dữ và bảo vệ sự sống của các thành viên trong cộng đồng. Đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ hội, nhất là vào dịp xuân về, Tết đến. Sau lễ hội cúng tế không lâu, dân làng tập trung về nhà dài mở tiệc mừng xuân, cũng là lúc lễ hội chiêng “xông đất” đầu năm ngân lên. Những điệu múa truyền thống của người Ê Đê chuyển nhịp.

Những trai tráng thân hình chắc nịch như ẩn chứa sức mạnh của thần núi, sự phóng khoáng của thần sông đan xen các sơn nữ lúng liếng, yểu điệu trong những bộ váy thổ cẩm. Tiếng chiêng cất lên, họ cùng diễn các điệu múa, mùa vui, mùa ước vọng lại về. Già trẻ, trai, gái mặc quần áo đẹp tụ tập quanh cây nêu và con trâu. Ba chàng trai to khoẻ, được già làng chọn trước, mặc khố, ở trần, một người cầm dao, hai người cầm cây lao dài múa trước mặt con trâu và đi vòng quanh con trâu bảy vòng. Sau đó họ tiến hành mổ trâu để mừng xuân cùng với những ché rượu cần. Cứ thế suốt đêm quây quần ca hát theo nhịp chiêng trống xung quanh bếp lửa và nhà dài. Tất cả các bài hát, điệu múa truyền thống lại thêm một lần được tạc ghi vào trí nhớ của từng người Ê Đê. Lạ thay, không qua trường lớp, nhưng những tiếng hát, điệu múa của người Ê Đê mừng xuân lại làm say lòng người. Điều lạ ấy, khiến tôi nhớ đến nhà văn Nguyên Ngọc, khi ông viết về người Tây Nguyên: “Ở Tây Nguyên không có người nghệ sỹ chuyên nghiệp. Người ta không làm nghề nghệ thuật. Nghệ thuật tuyệt đối không phải một nghề. Nghệ thuật là đời sống, cách sống, thế thôi. Là hơi thở, là không khí.

Múa hát mừng xuân.

Ở Tây Nguyên, vậy đó, người ta làm nghệ thuật vì chẳng đừng được. Vì một khao khát tự bộc lộ, tự biểu hiện, tự bóc mình ra, đột ngột ập đến, không cưỡng lại nổi”. Đã mấy lần đến các bản làng Ê Đê ở Ea Trang (huyện Ma Đ’Rắk, Đắk Lắk) nhưng nhà văn Nguyễn Hoàng Thu vẫn cứ như ngất ngây, như ngưỡng vọng, như trăn trở về những điều đang hiện hữu và có thể sẽ bị mai một. Ông bảo: “Họ nghĩa tình tới mức mùa xuân đến, người có ít cho người không có. Họ vào rừng thấy cái cây cổ thụ chỉ chặt cái cành, thấy dòng suối trong không dám làm vẩn đục, thấy con thú, con cá cái đang mang thai không bao giờ bắt. Chỉ hy vọng từ mùa xuân này, rừng bớt bị tàn sát. Sông suối bớt bị bức tử”.

3. Lần nào gặp tôi, già làng Ama Nghen, ở buôn Tul, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cũng nhắc: “Háo hức chờ đón bước chân lạ, khi bước chân mang đến niềm vui, mang đến những thứ ánh sáng diệu kỳ của tri thức, của khoa học từ miền xuôi. Nhưng cũng sợ lắm những bước chân lạ của kẻ xấu. Nhưng người Ê Đê nghĩa tình luôn luôn đoàn kết để loại trừ những kẻ phá hoại ra khỏi buôn làng mình”. Xuân đến, người lớn tuổi như cây cổ thụ trong rừng, như tảng đá bên bờ suối lại thể hiện vai trò vững trãi, nhân từ, trách nhiệm của mình với các thế hệ sau. Họ truyền cho trai tráng trong buôn của mình những bài sử thi, những truyền thuyết đẹp, những bí quyết vượt qua những cám dỗ. Ông Ama Nghen cũng khoe rằng: “Chính Cư M’Gar  là một trong những cái nôi của kể khan (sử thi) nhiều người ở vùng đất này có thể hát kể và truyền dạy cho nhau về các điệu kể khan thâu đêm suốt sáng mà không biết mệt, không biết chán.

 Bởi đó như là hồn cốt, là một phần cuộc sống. Những nghệ nhân không chuyên ấy không cần ca tụng, không cần xưng danh mà cứ âm thầm, bền bỉ giữ nét đẹp của cộng đồng mình để không bị mai một trước mọi biến đổi của cuộc sống”. 

HÀ ĐẠO/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh