CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:52

Trường Sơn bên nắng, bên mưa - Bài 4: Làng Ho

 Hết bản Chân Trôộng (xã Trường Sơn), đường Hồ Chí Minh chạm đất Lệ Thủy qua các bản: Mới, Tân Ly, Tăng Ký, Xà Khía (xã Lâm Thủy); Mít, Ho, Rum (xã Kim Thủy). Như vậy kể từ khi khởi hành từ km số 0 ở ngã ba Xuân Trạch, đến lúc đứng cạnh Bia di tích lịch sử Làng Ho, tôi đã vượt 200km đường Trường Sơn.

Những già làng bản Trung Đoàn (một tên gọi khác của Làng Ho, nhưng tôi vẫn trân trọng giữ nguyên địa danh Làng Ho trong bài viết), bản Rum vẫn nhớ như in một thời lửa đạn: “Khí thế cách mạng dâng lên hừng hực trong mỗi trái tim người Vân Kiều Làng Ho nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc hệ thống đường Hồ Chí Minh nói chung.

Khi Đoàn 559 quyết định chọn Làng Ho làm điểm tập kết vũ khí, đạn dược để gùi thồ vượt đèo 1001 vào Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị) chi viện cho chiến trường, đồng bào Vân Kiều mang họ Bác Hồ nhường cơm, sẻ áo, tháo nhà lót đường, một lòng trung trinh theo Đảng.Từ điểm tập kết nhỏ ban đầu, Làng Ho dần trở thành hậu cứ Binh trạm 27, Đoàn 559, chuẩn bị mọi lực lượng cho chiến dịch Khe Sanh, Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào”.

Những ngôi nhà sàn khang trang của đồng bào Vân Kiều Làng Ho. 

Bia di tích lịch sử đặt tại Làng Ho ghi rõ: “Làng Ho, tháng 10 năm 1959 được chọn đặt sở chỉ huy tiền phương Đoàn 559, là điểm xuất phát đường gùi thồ chi viện cho chiến trường Trị Thiên và khu 5 từ 1959 đến 1962. Năm 1966, 1967, bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn mở đường cơ giới Thạch Bàn- Làng Ho; Làng Ho - Khe Sanh; Làng Ho - Bản Đông (Lào) chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968. Làng Ho là nơi tập kết lực lượng chuẩn bị đánh đường 9 Nam Lào 1971”.

Sau ngày hòa bình lập lại, người Làng Ho kiên trinh về đất xưa bị bom đạn đào xới, từ hố bom, tro tàn, đồng bào chung sức cất nhà, dựng bản. Bây giờ dân số Làng Ho gần 40 nóc nhà, khoảng 200 nhân khẩu. Mấy chục năm trôi qua, người Vân Kiều Làng Ho nghèo vẫn hoàn nghèo. Trai tráng đến mùa vào rừng đặt bẫy, săn mật ong. Phụ nữ ở nhà ngày ngày trầm mình dưới con suối chảy qua bản đãi vàng; kiếm vài con cá tong teo, mò cua bắt ốc cải thiện thêm bữa ăn đạm bạc. Cuộc sống đói nghèo ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm này tiếp nối năm khác...

Cho đến một ngày Làng Ho chuyển mình. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do báo Sài Gòn giải phóng khởi xướng nhận được sự giúp đỡ của Tổng Công ty Bia rượu - Nước giải khát Sài Gòn quyết định đầu tư xây dựng Làng Ho thành một bản kiểu mẫu.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh được chọn phụ trách nhiệm vụ cao cả này. Dự án bắt đầu khởi động từ tháng 4-2011 với việc làm mới, sửa chữa 36 căn nhà; xây dựng trạm xá quân dân y kết hợp; xây dựng nhà vệ sinh; đường giao thông, cổng chào vào bản... Tổng trị giá toàn bộ dự án 3 tỷ đồng.

Bản mới hoàn thành trong niềm vui vô cùng tận của người Vân Kiều Làng Ho. Mỗi năm, ít nhất tôi có một lần ngược đường Hồ Chí Minh lên trao quà từ thiện cho học sinh Vân Kiều Làng Ho. Bà con xem tôi như người thân trong bản. Hồ Un, người Làng Ho chân tình: “Nhà cửa khang trang có rồi... người Làng Ho khát cái vốn đề sản xuất, cái đất để trồng trọt, con giống chăn nuôi.

Phải mần răng thoát nghèo, chứ bám vào nhà nước mãi, cái bụng không ưng- Hồ Un chỉ lên những cột điện sừng sững bám theo dọc bên đường- “Khát một điều nữa là công trình điện thắp sáng tới tận bản rồi mà không thấy ánh sáng văn minh đâu. Bà con đêm đêm vẫn dùng những ngọn đèn dầu tù mù như cái thời ngủ lán, nằm hầm”.

Ước mơ của Hồ Un cũng là ước mơ của hơn 200 đồng bào Vân Kiều Làng Ho. Tôi còn nhớ, ngày 21-12-2015, ngày lịch sử đối với đồng bào Làng Ho khi trạm biến áp Làng Ho đóng điện, chính thức cấp điện lưới quốc gia vào tận từng hộ gia đình. Hồ Un cùng những cư dân trong bản rưng rưng không nói nên lời, chỉ biết nhắc đi nhắc lại câu cửa miệng: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ nhiều nhiều”.

Tháng năm trên đường Hồ Chí Minh, ở bản Làng Ho, trẻ Vân Kiều đã kết thúc năm học. Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy cửa đóng then cài, không còn gặp lại ông giáo hiệu trưởng Nguyễn Xuân Sửu và các thầy cô giáo một thời chung lưng kiếm từng cuốn sách, tập vở, áo quần giúp trẻ Vân Kiều đến trường chuyên cần hơn.

Cũng không còn cảm giác thương đến nhói lòng khi thấy những đứa trẻ Vân Kiều sáng sáng đi học, đôi chân trần nhảy lò cò trên đường, tay xách túi ni lon đựng chút cơm, muối trắng, bữa trưa của các em tại trường. Sau khi ăn xong lại xuống suối giặt sạch, cất đi để ngày mai tiếp tục nắm cơm. Không như trẻ miền xuôi, học sinh Vân Kiều nghỉ hè, một số theo bố mẹ đi rừng, lên rẫy, số còn lại chỉ biết bám lấy mặt đường Hồ Chí Minh, đùa vui cùng nắng gió, khô khát.

Giữa cái nắng khét, những đứa trẻ Vân Kiều Làng Ho vẫn say mê nô đùa, từng đôi mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn khách lạ. Chiều hắt từng vạt nắng cuối qua phía bên kia rặng núi thẳm, ấy là lúc tôi đến bản Rum, bản cuối cùng của đồng bào Vân Kiều miền tây Quảng Bình ở phía cực nam, giáp huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Từ đây, đường Hồ Chí Minh không một bóng người, xuyên giữa rừng già cỗi, thuộc địa bàn phụ trách của Ban quản lý rừng Động Châu.

 Bài cuối: Lời của gió nơi ngã ba Dân Chủ

Theo baoquangbinh.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh