THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:00

Trường Sa – Nơi ta đến

 

Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà đã vinh dự được 2 lần ra Trường Sa tác nghiệp. Qua hai chuyến đi, bộ ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến” được hình thành như một trích đoạn ghi chép bằng hình ảnh những cảm xúc chân thành của chị về những khoảnh khắc Trường Sa, đưa đến những góc nhìn ấn tượng về Tổ quốc nơi đầu sóng và mở ra một hành trình lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương.

 

 

Vẻ đẹp trong trẻo, tráng lệ của Trường Sa được tái hiện trong gần 150 bức ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến”. Với 5 chương: Thao thức Trường Sa, Vẻ đẹp Trường Sa, Quê em Trường Sa, Nhà Giàn DK1, Trường Sa – Nơi ta đến, cuốn sách kể về hành trình của người con đất liền sau bao năm mong chờ, sau bao mong ước cuối cùng cũng đã được lên tàu, hướng về phía quần đảo Trường Sa, sau những cơn say sóng “nghiêng trời lệch đất” thì ngỡ ngàng và rồi tràn đầy cảm xúc trước vẻ đẹp biển đảo quê hương qua những thời khắc quý giá mà mình được trải nghiệm tại Trường Sa: một cơn giông, một cầu vồng, một khung trời qua ô cửa, tiếng ê a lớp học bên bờ sóng xen lẫn tiếng chuông chùa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng, những cơn mưa chập chờn phía xa khơi... bên cạnh đó là sự cảm phục trước cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da của người lính, là sự biết ơn và tiếc thương về những người anh hùng đã ngã xuống để giữ đảo.

Trong đó, cuộc sống của trẻ em Trường Sa được tác giả đặc biệt chú ý. Các em học thế nào? Chơi ra sao? Sinh hoạt đời thường của các em có gì khác với trẻ em trong đất liền? Các em có cảm thấy hạnh phúc? Qua những khuôn hình dung dị và ánh mắt trẻ thơ, bạn có thể tìm ngay được câu trả lời. “Một số nhiếp ảnh gia nói rằng tác giả đã “tham” quá khi “dốc hết những gì mình có” bởi với số lượng ảnh thế này có thể chia ra thành 3 cuốn sách ảnh. Tôi thì cho đó là lời khen rằng cuốn sách “dày dặn”. Đó là món quà tôi muốn gửi tặng các bạn trẻ và cũng là sự “tri ân” với Trường Sa – mảnh đất và con người nơi ấy cùng những chuyến đi đã mang đến cho tôi những cảm xúc mãnh liệt, khiến tôi trở nên mạnh mẽ và khao khát được cống hiến vì cái chung”- nhà báo Mỹ Trà chia sẻ.

 

 

Chia sẻ về quá trình tác nghiệp, nhà báo Mỹ Trà cho biết, ở Trường Sa, chỉ để chụp được khoảnh khắc hoa bàng vuông nở về đêm, rất nhiều người khi lên các đảo đã phải chia nhau ra tìm giúp chị. “Vào những khoảnh khắc cuối cùng khi tôi đã trở về tàu chuẩn bị rời đảo trở về đất liền thì chị Lan Hương gọi báo đã tìm thấy một bông hoa đang nở. Hoa ở tít trên cao, đảo về đêm tối om, cả chục anh chị đã đồng loạt bật đèn điện thoại để soi cho tôi bắc ghế tác nghiệp. Bức ảnh chưa phải là một tác phẩm tuyệt vời do bối cảnh khó, ánh sáng khó… nhưng đó là bức ảnh ấm áp nhất mà tôi có trong đời. Hay là để chụp được một vài bức ảnh san hô dưới biển, tôi được chiến sĩ đưa ca nô ra chỗ có san hô để tác nghiệp và còn được các họ chia sẻ về những cách “thoát hiểm” rất đơn giản nhưng cũng đầy… hên xui nếu gặp cá mập (Trường Sa – là vùng biển khá nhiều cá mập).

 

 

Nhận xét về cuốn sách ảnh “Trường Sa – Nơi ta đến”, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động: “Tôi cũng đã từng có nhiều năm lăn lộn với Trường Sa. Những con người, những cảnh vật ở đây, tôi đều đã thuộc. Vậy mà có nơi, tôi như mới thấy lần đầu. Nhiều bức ảnh của Nguyễn Mỹ Trà đã vượt qua được sự phản ánh thông thường của một phóng viên báo chí để đạt đến mức độ nghệ thuật.  Nguyễn Mỹ Trà là một nhà báo giỏi. Chị có nhiều bài viết hay. Không ít tranh luận khá sắc sảo. Nhưng đó là người giỏi chữ, giỏi nắm bắt các vấn đề có tính thời sự, báo chí. Còn nhiếp ảnh lại là một nghệ thuật khác. Tôi thực sự ngạc nhiên trước những bức ảnh của Nguyễn Mỹ Trà. Đẹp. Phong phú và đa dạng. Thật ngạc nhiên bởi nhìn góc chụp, tôi biết tác giả rất dũng cảm, cũng phải giỏi leo trèo, mạo hiểm mà chỉ cần sơ sảy trượt chân thì đến cả xác cũng khó mà tìm thấy chứ đừng nói đến việc tìm kiếm được một vẻ đẹp của nghệ thuật. Rất nhiều vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa chân thực của cảnh sắc Trường Sa, con người Trường Sa đã bừng lên trước ống kính đầy cảm xúc của Nguyễn Mỹ Trà. Và tôi tin, rất tin, tập ảnh này sẽ làm quý vị và các em yêu thích”.

 

 

Trong khi đó, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: “Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay, nhất là những bàn tay tuổi thơ, sẽ kể cho bạn nghe một số câu chuyện về Trường Sa. Một Trường Sa đẹp, trong trẻo, vời vợi. Một Trường Sa của san hô, gió lốc, cát nóng, biển mặn, có cả vị mặn đắng của máu bao người, bao thế hệ đã đổ xuống để bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Có màu trắng - xanh của trời, màu trắng - xanh áo người lính biển;  màu xanh cây phong ba, cây bàng vuông, hoặc đơn giản chỉ là một rặng mồng tơi, một cọng cỏ nhỏ nhoi. Và nổi bật hơn hết, đằm sâu hơn hết, yêu thương vô hạn, ấy là gương mặt, ánh mắt, nụ cười, nước da sạm đen, rắn rỏi, cương nghị, hồn nhiên của những người giữ biển. Họ là bộ đội hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, nhà giàn Dk1, ngư dân… và cả những công dân “nhí” của Trường Sa. Cuốn sách cũng kể về những người từ đất liền, từ hải ngoại lặn lội, đau đáu, thao thiết đến Trường Sa. Những buổi lễ chào cờ Tổ quốc trên đảo chìm, đảo nổi. Những tiếng nấc nghẹn ngào tri ân, tiếc thương các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống để Trường Sa trường tồn. Những bàn tay siết chặt, những ánh mắt khắc khoải, những kỷ vật từ lòng biển, những bãi “cọc Bạch Đằng”, những cột mốc chủ quyền, những dáng lính trầm lặng khi chiều đến dõi mắt về nơi dấu yêu…Đó là những gì nữ tác giả, nhà báo Nguyễn Mỹ Trà muốn nói, muốn kể cùng các bạn…”

“Trường Sa – Nơi ta đến”do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành trong hệ thống Tủ sách Biển đảo Việt Nam. Có thể nói, đây là một bộ sách ảnh giàu nữ tính, mang tới cho chúng ta những thông điệp dịu dàng về tình yêu Tổ quốc. Cuốn sách cũng khiến bất cứ ai trong chúng ta, những người đã từng đặt chân đến Trường Sa hoặc chỉ biết Trường Sa trong những câu chuyện kể đều rung lên những cảm xúc đẹp đẽ. Tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo ngân vang từ những khoảnh khắc vừa đời thường, dung dị, vừa cảm động hấp dẫn.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh