Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu: Đảm bảo môi trường xanh để cải thiện sức khỏe
- Dược liệu
- 18:29 - 23/09/2021
Địa chỉ tin cậy cho người khuyết tật
Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đang áp dụng quy trình can thiệp vòng tròn khép kín, trẻ khuyết tật được can thiệp chuyên sâu; tổ chức các hoạt động học văn hóa, học nghề, vui chơi giải trí bảo đảm cảnh quan môi trường và quy hoạch xanh, sạch, đẹp vẫn là ưu tiên trước hết của nhà trường.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan cho biết, nhà trường đã xây dựng mô hình phục hồi chức năng toàn diện, khép kín gồm: Phục hồi chức năng thể chất, phục hồi chức năng trí tuệ, phục hồi chức năng nghề nghiệp và công tác xã hội, với mục tiêu giúp người khuyết tật phục hồi khiếm khuyết, phát huy hết khả năng còn lại của mình để tự phục vụ, lao động, sản xuất, đóng góp cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức dạy văn hóa, kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt cho trẻ chậm phát triển, trẻ câm điếc, can thiệp trẻ tự kỷ... Nhà trường tiếp nhận, phục hồi chức năng 200 trẻ em khuyết tật. Lãnh đạo nhà trường cho biết đã duy trì tốt công tác chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng thường xuyên cho trẻ em khuyết tật.
Cùng với đó, nhà trường triển khai tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo từng giai đoạn dịch để chủ động, kịp thời ứng phó nếu dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào trường.
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan, khi nhà trường tổ chức tuyển sinh và tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội theo qui định, các em được thăm khám, đánh giá kỹ mức độ khuyết tật và khả năng trí tuệ, từ đó lên kế hoạch và chương trình phục hồi chức năng phù hợp với từng cháu. Sau đó, các cháu được tham gia đầy đủ các hoạt động dịch vụ cung cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu của bản thân.
Khơi dậy tiềm năng - hành trang để các em hòa nhập cộng đồng
Nhà trường thực hiện mô hình ''Chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ khuyết tật trong môi trường tự nhiên", 100% trẻ có tiến bộ, nhiều trẻ ra trường đã tự tin trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Qua đó, xây dựng được uy tín, tạo được niềm tin của phụ huynh học sinh đối với nhà trường.
Kết quả, trong công tác dạy văn hóa: 100% học sinh được tham gia học tập trên lớp, 100% trẻ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; gần 2.000 lượt trẻ được tham gia tập huấn kỹ năng sống khi hòa nhập cộng đồng; gần 1.960 lượt trẻ được tham gia chơi. Giáo viên, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ trẻ chơi, can thiệp tại các phòng chức năng, trẻ có không gian chơi bổ ích, vui vẻ, tạo sự hứng thú khi đến trường.
100% trẻ vào trường đều phát triển và tiến bộ, nhiều em đạt được những thành tích tốt. Số học sinh ra trường từ năm 2015 đến 2020 là 169 em. Số học sinh hòa nhập trường phổ thông từ năm 2015 đến 2020 là 36 em. Trong đó, 5 em thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương để tiếp tục các bậc học cao hơn. Từ 13 tuổi trở lên, các em được học một số nghề như: May, thêu ren, cơ khí, tin học, làm hoa lụa...
Mặc dù kinh phí dành cho học nghề còn rất hạn hẹp, trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo, nhà trường đã cố gắng dạy các em đạt kết quả tốt. Nhiều em đã trưởng thành và phát huy được các nghề đã học có thu nhập từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng/tháng. Một số em đã xây dựng được hạnh phúc gia đình, góp phần làm giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội
Đồng thời, khơi dậy tiềm năng, khả năng tiềm ẩn là hành trang cần thiết để việc hòa nhập cộng đồng mang tính bền vững, giúp tự lập, ổn định cuộc sống lâu dài.
Môi trường thân thiện: Nhà trường đề cao, triển khai 10 năm nay
Cơ sở của nhà trường được xây dựng trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, có cây xanh quanh năm tỏa bóng mát, là nơi để các em vừa vui chơi, chăm sóc, vừa hòa mình với thiên nhiên, hóng mát vào những những ngày trời oi bức.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan cho biết, chủ đề môi trường thân thiện đã được nhà trường đề cao và triển khai gần 10 năm nay. Việc xây dựng môi trường nơi đây bao gồm cả môi trường xã hội và môi trường tự nhiên. Nhà trường luôn quan tâm vấn đề môi trường, hướng dẫn đối tượng, các nhân viên xây dựng phong cách làm việc, kỹ năng giao tiếp, giữ môi trường xanh, sạch đẹp.
Đặc biệt, một ngôi trường thoáng đãng, xanh, cán bộ giao tiếp vui vẻ, nhiệt tình và chu đáo sẽ khiến các trường hợp yếu thế, khuyết tật và gia đình yên tâm, cảm nhận được sự thoải mái của các cháu cũng như gia đình đối với nhà trường.
"Nhà trường phát động xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp nhiều năm nay. Toàn bộ nhân viên, các cháu đều có ý thức cao trong bảo vệ cảnh quan, chăm sóc cây xanh. Ngoài ra, nhà trường còn có các hình thức tổ chức phong trào thi đua bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Phong trào này không chỉ giáo dục ý thức bảo vệ môi trường mà mỗi sáng hay chiều, các em ra dọn rác, chăm sóc, vui tỉa cây xanh cũng là hoạt động nhằm nâng cao ý thức lao động, làm quen với việc làm vườn", bà Lan cho biết.
Cùng xây dựng ngôi nhà chung an toàn, sạch đẹp
Để xây dựng 1 ngôi nhà chung an toàn, sạch đẹp, giúp các đối tượng an tâm chữa trị, người nhà yên tâm khi gửi người thân, nhà trường thường xuyên tập trung cán bộ, viên chức và đối tượng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, xem đó như biện pháp lao động trị liệu.
Cây xanh để lấy bóng mát và điều hòa không khí được trồng, chăm sóc ở nhiều vị trí trong khuôn viên Trung tâm. Các khu vui chơi, tập thể dục ngoài trời cũng được bố trí thoáng mát, có mái che, cây xanh tạo bóng mát. Hai bên các lối đi được trồng hoa, cây cảnh, được lát gạch đảm bảo chống trơn trượt và sạch đẹp khi trời mưa...
Hệ thống thu gom và xử lý chất thải, các thùng, thiết bị lưu chứa rác được bố trí khoa học, an toàn, có nắp đậy.
Vì vậy, nhà trường luôn tạo được sự tin tưởng, ấn tượng tốt đẹp từ thân nhân đối tượng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nhận được sự quan tâm, đánh giá rất cao của cơ quan cấp trên về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường.
"Môi trường sống xanh - sạch - đẹp là tiêu chí hàng đầu đối với nhà trường, vì trong một môi trường trong lành, đảm bảo vệ sinh an toàn mới chăm sóc tốt sức khỏe cho các cháu", Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Nhà trường giáo dục cho các em có nếp sống văn minh, biết vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo, biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong một nhà. Ngoài giờ học, trường còn tổ chức cho các em tham gia các hoạt động văn, thể, mỹ, như cầu lông, bóng bàn, bóng đá, học múa, học hát, hướng dẫn học sinh xem truyền hình để các em hiểu về xã hội; giúp các em phát triển về đức, trí, thể, mỹ, tạo điều kiện cho các em hoạt bát, nhanh nhẹn, tự tin trong cuộc sống.
Với những kết quả đó, thời gian tới, nhà trường sẽ có bước phát triển hơn, trở thành ngôi nhà chung của những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh; phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới để việc nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.