THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:45

Trưởng ngành nào hứa rồi… “để đấy” sẽ rõ qua hoạt động chất vấn

 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp sáng 29/10

 

Bắt đầu từ 30, 31/10 – và 1/11, Quốc hội (QH) sẽ nghe Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.

Theo đó, QH không chọn một số thành viên Chính phủ như thông lệ mà các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào về việc thực hiện các Nghị quyết của QH kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Các đại biểu cũng có bằng đấy thời gian để chất vấn các thành viên Chính phủ.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng của kỳ họp Quốc hội, thu hút quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước theo dõi qua phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Không có danh sách “cứng” người được chất vấn

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vì Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ QH khoá XIV nên QH không lựa chọn danh sách “cứng” các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn như thông lệ. Như vậy, tuỳ vào diễn biến phiên chất vấn, đại biểu QH đặt câu hỏi về nội dung nào, Bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách hoặc liên quan đến lĩnh vực đó sẽ trả lời.

Tại phiên chất vấn, QH nghe các báo cáo của Chính phủ (do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trình bày), Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và những người đã được chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4. 

Quốc hội cũng xem xét báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; nghe Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5…

Tiếp theo, đại biểu QH chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV. Theo yêu cầu của phiên chất vấn kỳ họp này, mỗi đại biểu QH sẽ thảo luận và nêu chất vấn trong thời gian không quá 5 phút. Người trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với chất vấn của 1 đại biểu, việc giải trình ý kiến đại biểu nêu cần ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề…

Trưởng ngành nào hứa rồi… “để đấy” sẽ rõ qua hoạt động chất vấn 

Phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ lần này được xem như một hình thức “hậu giám sát” việc thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành. Họ đã làm được gì, chưa làm được gì và sẽ cam kết những gì trong thời gian tới?... Đây là mối quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội trước khi bước vào phiên chất vấn.

 

Các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ các vấn đề sát sườn với người dân

 

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá, theo cá nhân ông, việc đổi mới nội dung chất vấn ở Kỳ họp thứ 6 là hoàn toàn đúng, giúp cho các đại biểu, QH nắm sát được việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC...

“Tránh tình trạng chất vấn xong để đấy không ai theo dõi, không biết việc thực hiện đi đến đâu, kết quả ra làm sao”, ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.

ĐB Nhưỡng phân tích, đại biểu đặt câu hỏi chất vấn mới chỉ là đặt ra vấn đề để giám sát. Còn việc việc chất vấn về lời hứa của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành sẽ là cả quá trình giám sát từ lời hứa trước QH đến thực thi.

“Việc đổi mới này giúp đi thẳng vào nội dung giám sát, thậm chí là việc hậu giám sát. Đảm bảo tính toàn diện của một quá trình giám sát”, ĐB Nhưỡng nói và nhấn mạnh, quan trọng hơn cả, những vị trưởng ngành nào hứa rồi để đấy sẽ rõ qua các chất vấn của đại biểu.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) khẳng định, cách thức chất vấn lần này dựa trên kinh nghiệm của các kỳ họp trước, đặt câu hỏi và trả lời ngay, không phải chờ nhiều đại biểu hỏi một lượt rồi mới trả lời. Ngoài ra, chất vấn sẽ không đi theo nhóm vấn đề như trước, mà đi thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm.

“Những vị bộ trưởng nào trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất thì chắc chắn những vấn đề bức xúc ở bộ, ngành đó sẽ được nhiều ĐBQH đặt ra, để cả bộ trưởng, Quốc hội cũng như Chính phủ cùng nhìn nhận ra những vấn đề tồn tại, bất cập mà người dân đang bức xúc, để có giải pháp thực hiện”, ông Lợi nói.

Còn ông Nguyễn Bá Sơn - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho biết: “Anh hứa trước QH nhưng anh có làm không, làm đến đâu, kết quả thế nào và kết quả đến đó đã đạt chưa. Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục truy vấn phải như thế nào cho tốt hơn. Có thể nói đây là bước rất quan trọng trong hoạt động giám sát trực tiếp của Quốc hội tại nghị trường”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, việc này rất hiệu quả, đặc biệt là vào giai đoạn giữa nhiệm kỳ sẽ giúp cho vấn đề đang bị “lãng quên” tiếp tục được xem xét, đôn đốc giải quyết, đáp ứng ngay nguyện vọng của cử tri.

Với sự tiếp tục cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để tăng sự tranh luận nhằm đi đến tận cùng vấn đề, chắc chắc ba ngày chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sự trả lời thẳng thắn, có trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ làm sáng tỏ những vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn trước QH
Kế hoạch ban đầu được gửi tới các ĐBQH về chương trình phiên chất vấn, QH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.

Theo đó, thời lượng Thủ tướng dành cho phiên chất vấn chỉ còn 45 phút nên sẽ chỉ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, không còn thời gian cho việc trả lời trực tiếp các câu hỏi của đại biểu QH tại hội trường.

Lý do của việc thay đổi này là để đảm bảo thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại của Thủ tướng.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh