THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:04

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa: Xây dựng trường học xanh, môi trường sư phạm trong lành

Trường CĐCN Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 1985/QĐ/BLĐTBXH ngày 29/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cơ sở nâng cấp Trường Kỹ thuật công nghiệp Thanh Hóa, là một trong số 10 trường cao đẳng nghề đầu tiên của cả nước. Với bề dày truyền thống, Trường CĐCN Thanh Hóa là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đào tạo lao động đa ngành nghề, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước. 

Hiện nay trường đang đào tạo 57 chương trình các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp - ngắn hạn, cao đẳng liên thông, trong đó những nghề hiện nay xã hội đang có nhu cầu cao như: Công nghệ ô tô; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật điện tử; Hàn; Sửa chữa điện dân dụng; Quản lý vận hành điện; Cắt gọt kim loại...

Trong những năm qua, đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã và đang tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong từng khóa học, từng ngành học. Cùng với đó, nhà trường luôn chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm định chất lượng đào tạo nghề; đồng thời chỉ đạo các khoa, phòng, ban, các tổ chức, đoàn thể bám sát bộ tiêu chí đánh giá chất lượng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành để đánh giá đúng thực trạng, xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các đề án cải tiến chất lượng phù hợp. 

Trong nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hoá còn quan tâm xây dựng được môi trường xanh - sạch – đẹp, có cảnh quan hài hòa, mang tính thẩm mỹ trong mô hình kiến trúc tổng thể, đảm bảo sự phát triển bền vững… Với bề dày truyền thống, Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đào tạo lao động đa ngành nghề, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước.

Một góc nhuôn viên xanh của Trường CĐ CN Thanh Hoá

Một góc nhuôn viên xanh của Trường CĐ CN Thanh Hoá

Có thể nói, đến nay, phong trào xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp, tạo không gian trong lành, khuôn viên khang trang đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Trường CĐCN Thanh Hoá. Nhà trường đã xây dựng được môi trường có cảnh quan hài hòa, mang tính thẩm mỹ trong mô hình kiến trúc tổng thể, quy hoạch hợp lý, đảm bảo sự phát triển bền vững trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan. Để đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nhà trường thường xuyên chỉ đạo các tổ bộ môn chỉnh sửa, biên soạn giáo trình, chương trình môn học/mô đun. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế tại các DN và điều kiện trang thiết bị của nhà trường.

Với phương châm “Lấy người học làm trung tâm và đào tạo những gì xã hội cần”, những năm qua, nhà trường đã nỗ lực mở rộng liên kết với các DN để tăng khả năng đào tạo, ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ gắn với dịch vụ sản xuất. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo được nâng cao, học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đa dạng hóa ngành nghề theo yêu cầu của xã hội, nhà trường tích cực đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; hợp tác với các DN trong và ngoài tỉnh đào tạo theo đơn đặt hàng, tuyển dụng lao động và giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp.

Đến nay, nhà trường đã đào tạo và cung ứng lao động theo đơn đặt hàng của Công ty CP LILAMA 69-1, LILAMA 18, Công ty CP COMA 17 các nghề điện công nghiệp, điện lạnh, công nghệ ô tô, hàn, tiện, cắt gọt kim loại..., mức thu nhập bình quân hiện nay từ 6 - 10 triệu đồng/tháng/người. Qua điều tra khảo sát, hàng năm, tỷ lệ HSSV ra trường có việc làm đạt trên 90%.

Cùng với đó, nhà trường tăng cường công tác truyền thông về chế độ, chính sách học nghề, quảng bá hình ảnh thương hiệu nhà trường thông qua báo chí, truyền hình, mạng internet và trên trang thông tin điện tử của nhà trường; phối hợp với các trường THPT, THCS làm tốt công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của học nghề trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. 

Dạy nghề sửa chữa ô tô gắn với khuôn viên xanh, sạch, đẹp

Dạy nghề sửa chữa ô tô gắn với khuôn viên xanh, sạch, đẹp

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Văn Hùng, cho biết: “Nhà trường đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trường cao đẳng chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Thanh Hóa. Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian tới, đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường sẽ tập trung vào các giải pháp đó là: Gắn tuyển sinh với tuyển dụng, đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo. Thực hiện tốt mô hình đào tạo 9+ gắn với phân luồng học sinh THCS và THPT. Mở rộng liên kết đào tạo với các DN, mời DN tham gia trong quá trình đào tạo HSSV ngay từ quá trình xây dựng chương trình đến tham gia giảng dạy trực tiếp một số mô đun và kiểm tra, sát hạch khi HSSV tốt nghiệp ra trường để DN hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng đào tạo, đồng thời thực hiện tốt việc đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Ứng dụng sáng tạo và hiệu quả công nghệ trong giáo dục nghề nghiệp dựa trên thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

“Trường cũng tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm tiếp cận với sự phát triển của khoa học - công nghệ. Tăng cường và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các nguồn lực xã hội hóa khác đầu tư cho nhà trường vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý, chuyên nghiệp, quản lý nhà trường điện tử; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động” – ông Nguyễn Văn Hùng thông tin thêm.

Nhiều năm qua, nhà trường đã xây dựng những quy định về nếp sống văn hóa, thiết kế các bảng biểu áp phích và được bố trí, sắp xếp hợp lý đảm bảo tính tiện dụng và mỹ quan. Trong đó, các hoạt động chỉnh trang, tu sửa cảnh quan, trồng cây bóng mát, cây ăn quả, xây dựng thêm các bồn hoa, trồng nhiều cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ đã được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia hưởng ứng. Mỗi lần hoạt động ngoại khóa như vậy, nhà trường lại nhắc nhở học sinh, sinh viên có ý thức bảo vệ môi trường, biết sống hài hòa thân thiện với thiên nhiên, đảm bảo nhà trường thực sự là một cơ sở giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên về lý tưởng, nhân cách, lối sống. Đồng thời, hình thành văn hóa ứng xử thân thiện, hài hòa trong nhà trường, nâng cao hiệu quả trong hoạt động giảng dạy, học tập, vui chơi, giải trí dưới môi trường sư phạm trong lành.

Đặc biệt, hoạt động xây dựng môi trường học đường thân thiện, khuôn viên xanh - sạch - đẹp đã tạo không gian gần gũi, thân thiện đối với giáo viên, học sinh, sinh viên mỗi khi đến trường, tạo năng lượng tích cực để làm việc và học tập. Không chỉ vậy, còn tạo nên không gian, cảm giác gần gũi với khách, phụ huynh học sinh đến thăm và làm việc tại nhà trường. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích cây xanh của nhà trường bao gồm: hệ thống cây xanh, cây bóng mát, chậu hoa cây cảnh, thảm cỏ… được định kỳ và thường xuyên chăm sóc, bổ sung xanh mát quanh năm, được bố trí hợp lý và mang tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng ghế đá dưới các tán cây bóng mát giúp học sinh có không gian thoải mái để đọc sách, thư giãn, trao đổi kinh nghiệm học tập, tạo cảm giác gần gũi và thân thiện.   

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh