Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa: Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện
- Tây Y
- 14:03 - 02/07/2023
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, thành lập năm 1993, có chức năng tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, điều trị nghiện ma túy; phòng, chống tái nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; tư vấn, dạy văn hóa, dạy nghề; tổ chức lao động trị liệu; điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng.Những năm qua, cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hoá không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng môi trường thân thiện, văn minh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây làm việc tận tâm, tận tình, không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện. Sống trong môi trường tích cực, sức khỏe của học viên điều trị cai nghiện ma túy theo diện bắt buộc cải thiện rõ rệt.
Cùng với việc quan tâm xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hoá còn đặc biệt chú trọng bảo đảm sức khỏe cho học viên. Tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn, thân thiện. Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Lê Đăng Thanh cho biết: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, môi trường nào, con người luôn là yếu tố trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự thành công hay thất bại trong những việc của cá nhân cũng như tập thể. Nhận thức rõ điều này, Cơ sở cai nghiện ma túy số I luôn khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên phát huy tốt năng lực, sở trường. Làm việc bằng lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, các thầy thuốc nơi đã hỗ trợ điều trị cho hàng nghìn học viên. Gắn bó với học viên như người thân để hiểu rõ tình hình bệnh tật, hoàn cảnh của từng người, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng đối tượng. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, nhiều cán bộ, thầy thuốc nơi đây đã có sáng kiến hỗ trợ người nghiện ma túy điều trị cai nghiện bằng phương pháp tắm các loại nước lá có chứa tinh dầu cho tinh thần thoải mái, sảng khoái. Cơ sở cai nghiện ma túy số I còn có nhiều cán bộ, nhân viên trở thành điểm tựa tinh thần, giúp những mảnh đời lầm lỡ hướng thiện, được các cơ quan chức năng ghi nhận, biểu dương”.
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa hiện đang điều trị cai nghiện, giảm tác hại do ma túy gây ra cho gần 750 người. Thời gian qua, cơ sở đã đưa nhiều ngành nghề vào dạy cho học viên với mục đích sau khi tái hòa nhập cộng đồng họ sẽ có việc làm, tạo ra thu nhập, nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình. Các ngành nghề hiện thu hút, tạo việc làm cho 100% học viên tại cơ sở tham gia, như sản xuất gạch không nung với 50 học viên, là những người có sức khỏe tốt; nghề may túi PP xuất khẩu, túi dùng 1 lần có 400 học viên tham gia và các nghề trồng rau, chăn nuôi, vệ sinh môi trường cảnh quan... Duy trì truyền nghề, tạo việc làm cho số người cai nghiện ma tuý tiếp nhận mới. Tổ chức cho 100% người cai nghiện ma tuý có việc làm và thu nhập cải thiện đời sống. May túi PP ước đạt 8 triệu sản phẩm. Sản xuất gạch đất sét nung đạt 4 triệu viên. Sản xuất gạch không nung và gạch block đạt 50 nghìn viên sản phẩm.
Hoạt động lao động sản xuất ngoài tác dụng rèn luyện tay nghề còn hỗ trợ, nâng cao hiệu quả trong điều trị, cai nghiện. Ngoài ra, các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ... cũng được cơ sở tổ chức thường xuyên, tạo không khí giao lưu, gần gũi giữa thầy và trò; qua đó, tạo động lực để học viên chấp hành tốt các quy trình điều trị, nội quy, quy chế của đơn vị. Thấu hiểu nhu cầu của học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy số I đã tận dụng cơ sở vật chất hiện có để xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng theo quy trình khoa học, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Sau thời gian điều trị cắt cơn, sức khỏe dần cải thiện, học viên sẽ tham gia lao động sản xuất.
Để học viên có khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian điều trị cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma túy số I thường xuyên trang bị cho học viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh. Những người trẻ tuổi còn được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, học nghề may công nghiệp, cơ khí… Đặc biệt hơn, tất cả học viên được tham gia sinh hoạt văn hóa, tập thể dục, thể thao vào thời gian phù hợp trong ngày. Cùng tham gia công tác vệ sinh môi trường, luôn đảm bảo các phòng chức năng, phòng ở, phòng sinh hoạt chung sạch đẹp. Tạo khuôn viên xanh ngay trong cơ sở cai nghiện.
Trồng rau xanh và tổ chức chăn nuôi lợn, gia cầm, thuỷ cầm, nuôi cá gắn với giáo dục dạy nghề cho người cai nghiện ma túy; cơ bản đảm bảo cung cấp đủ rau ăn và một phần thực phẩm cho các bếp ăn tập thể của Cơ sở. Trồng mới và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, thu gom và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường toàn Cơ sở. Người cai nghiện ma tuý được truyền nghề nề, cơ khí, xây dựng sửa chữa cơ sở vật chất như: sửa chữa khu nhà cai cắt cơn, nhà B3; cải tạo khuôn viên nhà A2, khu D; sửa chữa cửa phòng ở khu nhà D1, D2, D3, cửa phòng làm việc Khu A và một số công việc phục vụ khác.
“Về việc cai nghiện thành công là một hành trình đầy khó khăn và có rất nhiều thử thách. Song, việc giữ gìn để không bị tái nghiện là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng và gặp muôn vàn gian nan. Trong đó, tìm được việc làm là một trong những yếu tố quan trọng có tác động đến hiệu quả phòng chống tái nghiện của người sau CNMT. Khi có công việc, người sau cai nghiện mới có thu nhập để duy trì và ổn định cuộc sống, khôi phục kỹ năng, nâng cao nhận thức về giá trị của lao động. Cũng như giảm thiểu thời gian nhàn rỗi và hạn chế tiếp xúc với những nguy cơ cao dẫn đến tái nghiện. Thế nhưng, tìm được việc làm đối với người đã có tiền án, tiền sự, người từng nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ dàng. Do đó, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người hoàn thành cai nghiện ma túy từ các cơ sở CNMT trở về cộng đồng luôn được Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hoá, Sở LĐTB&XH Thanh Hoá luôn quan tâm, giúp đỡ. Về phía các cơ sở CNMT, bên cạnh việc điều trị nghiện còn tổ chức nhiều chương trình như dạy văn hóa, đào tạo nghề… cho học viên. Tạo môi trường xanh - sạch - đẹp trong cơ sở cai nghiện cũng là yếu tố giúp cho các đối tượng thấy thân thiện hơn, gắn bó hơn, và có trách nhiệm với bản thân hơn trong công tác cai nghiện, một môi trường xanh, sạch, đẹp với một không gian xanh, thoáng mát cũng là tạo cho học viên có tư tưởng thoải mái hơn trong việc ở lại cơ sở để cai nghiện nhanh tái hoà nhập cộng đồng ” – ông Lê Đăng Thanh nhấn mạnh.