THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:10

Trường bán trú cho học sinh nghèo: Giấc mơ có thật

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cắt băng khánh thành nhà ở bán trú THCS Thuần Mang (Bắc Kạn).

 

Xa rồi cảnh sống trong căn lều tạm…  

Tiếng trống báo hết buổi học vang lên, các em học sinh lại về khu vực sân nhà bán trú. Từng đứa trẻ nhanh nhẹn cất cặp sách ngăn nắp vào bàn học, rửa tay rồi lên nhận phần ăn của mình. Dù kết thúc một ngày học hành căng thẳng, đã đói và mệt, nhưng các em vẫn xếp hàng ngay ngắn nhận phần ăn. Bữa cơm có thịt xào, lạc rang, bầu xào và canh cải, được đặt trong khay sạch sẽ, cơm rau đều còn nóng, đong đầy,... Những cặp mắt long lanh vui sướng của các em không giấu nổi niềm hạnh phúc sau giờ lên lớp học hành.

Trường PTDT bán trú THCS Thuần Mang năm học này có 130 học sinh, trong đó có 68 em thuộc diện ở bán trú. Nhà bán trú mới của trường năm nay tiếp nhận 77 em học sinh, trong đó có 8 em học tại trường Tiểu học Thuần Mang và 1 học sinh trường Mầm non Thuần Mang, theo anh chị sang ở bán trú. Đây đều là những học sinh dân tộc, nhà các em ở trên những thôn vùng cao cách trường cả chục cây số, không thể đi về trong ngày.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chia quà cho học sinh PTDT bán trú THCS Thuần Mang.

Trước đây, để thuận tiện cho việc học của các con, phụ huynh đã phải dựng lều, lán trại ngay cạnh trường. Các em phải xoay xở từ việc học đến bữa cơm hàng ngày. Mùa hè, trong lều nóng như chảo lửa, mùa đông đến thì gió lùa rét thấu xương..., nhưng không vì thế mà các em nản, bỏ học. Em Phùng Thị Chung, học sinh lớp 6, nhà ở bản Cốc cho biết: “Có lần mưa to, gió thổi mạnh nên lán của em bị đổ. Đồ đạc, sách vở của em bị ướt hết. Thầy cô phải giúp dựng tạm lán, chờ bố em mang dụng cụ ra dựng lại lán để ở tiếp”.

Giấc mơ có thật

Em Dương Văn Mạnh, nhà ở bản Nà Cốc, hiện đang là học sinh lớp 9 trường cấp 2 Thuần Mang, cách đây 2 năm, khi đó Mạnh là học sinh lớp 7, được bố dựng cho căn lán để hai anh em Mạnh ở ngay phía trước UNBD xã Thuần Mang. Cũng như bao bạn bè ở khu lán trại, sáng Mạnh đi học, trưa về tự nấu cơm ăn, chiều đi kiếm củi đun nấu, tối đến tự học bài rồi đi ngủ, cuối tuần em lại đi bộ về nhà, chủ nhật lại đi bộ ra trường. Gia đình cố gắng lắm thì bữa ăn của các em may ra cũng chỉ đủ no. Mỗi tuần mẹ cho hai anh em 20.000 đồng.

Nhà ở bán trú có bể nước sạch.

Số tiền đó đủ mua 1 gói bột canh, vài mớ rau và vài quả trứng. Nhiều hôm, đến tiết học thứ 5 là bụng đói cồn cào, nhưng Mạnh vẫn phải chờ hết tiết về nhóm lửa, nấu cơm... Bây giờ trường có nhà bán trú khang trang với những tiện nghi hiện đại, có các cô cấp dưỡng nấu cơm, cuộc sống của anh em Mạnh đổi thay từ bữa ăn đến giấc ngủ. Mạnh khoe: “Được ăn ở khu nhà bán trú này giống như một giấc mơ của chúng em. Trước chỉ dám mơ có nhà bán trú kiên cố để khỏi lo mỗi lúc mưa gió hay mùa đông lạnh. Bây giờ có chỗ ở đẹp, có cô nấu ăn cho, bữa ăn còn có cả thịt cá, chúng em không phải ôm bụng đói nhóm bếp nấu cơm mỗi khi tan học nữa. Mùa đông này, chúng em được ngủ ngon từ đêm đến sáng vì có nhà kín gió, có chăn ấm vừa được tặng. Mùa đông những năm trước bọn em toàn phải thức dậy lúc 3 rưỡi sáng, nhóm bếp lên sưởi vì lạnh quá không ngủ được”.

Từ những ngày tự lụi hụi nấu cơm sau giờ học, tự đi xách nước ăn, nước tắm, soi đèn pin học bài, nay những học trò như Mạnh, như Chung đã được ăn, ngủ theo giờ quy định, có thầy cô quản sinh ngày đêm túc trực, chỉ bảo việc sinh hoạt thường ngày. Thầy giáo Chu Minh Toàn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thuần Mang không giấu nổi niềm vui khi nhìn những học sinh xếp hàng ăn cơm bán trú. Thầy Toàn chia sẻ: “Có nhà bán trú rồi, lại được ăn uống tập trung nên học sinh có nhiều thời gian hơn để học tập, các em cũng yêu trường, yêu lớp hơn. Năm học này, tỉ lệ học sinh bỏ học đã giảm hẳn, các thầy cô không phải lặn lội lên từng thôn vận động học sinh đi học như những năm trước nữa”.

Ngày càng có nhiều ngôi nhà bán trú cho trẻ em nghèo

Công trình nhà bán trú Trường PTDTBT THCS Thuần Mang do Quỹ BTTE Việt Nam vận động Tổng Cty Khí Việt Nam tài trợ 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ còn vận động  các nhà tài trợ ủng hộ nhà trường bếp ăn, khay ăn, chăn chiếu, quần áo... phục vụ nhu cầu ăn ở cho các em.

Được ở trong nhà bán trú khang trang là niềm hạnh phúc của học sinh nghèo vùng dân tộc thiểu số.

Trước đó, đầu năm 2015, Quỹ BTTE Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương tổ chức lễ khánh thành Nhà nội trú Trường trung học cơ sở bán trú xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Học sinh Trường THCS bán trú xã Mường Lý trước đây cũng phải dựng lán sống gần trường để đi học, do nhà ở xa trường trong khi nhà trường lại không có phòng ở bán trú. Sau đó, Quỹ BTTE Việt Nam đã vận động Ngân hàng Ngoại thương tài trợ 2,5 tỷ đồng, tỉnh Thanh Hoá huy động các nguồn vốn khác 1,3 tỷ đồng để xây dựng nhà nội trú. Công trình được xây dựng bằng kết cấu thép, quy mô 2 dãy nhà với 18 phòng, tổng diện tích 1.000m2. Các phòng ở được trang bị đầy đủ thiết bị như: Giường tầng gắn bàn học, quạt trần, đèn chiếu sáng… đáp ứng nhu cầu về điều kiện sinh hoạt và học tập cho 144 học sinh bán trú của nhà trường.

Bữa ăn của học sinh trường PTDT bán trú THCS Thuần Mang.

Vừa qua, tại Cao Bằng, Quỹ BTTE Việt Nam phối hợp Ngân hàng Ngoại thương cũng đã khởi công xây dựng Trường tiểu học Lũng Lìu (xã Dân Chủ, huyện Hòa An). Trường tiểu học Lũng Lìu được thành lập từ năm 1954, với cơ sở hạ tầng hiện tại chỉ có 4 căn nhà tạm lụp xụp lợp pro xi măng đã thủng dột, tường vách nứa trát đất vỡ loang lổ, phải quây bạt xung quanh. Ngôi trường nằm trên đỉnh núi cao, phục vụ công tác giảng dạy cho học sinh 3 bản xa xôi khó khăn nhất của huyện là Canh Tao, Lũng Lìu, Lũng Lạ. Giao thông đi lại chủ yếu bằng đường mòn trên núi đá nên việc đến trường của thầy cô và các em học sinh nơi đây gặp muôn vàn khó khăn.

Chia sẻ với hoàn cảnh của các giáo viên và học sinh, Vietcombank đã tài trợ toàn bộ kinh phí 4,6 tỷ đồng để xây dựng Trường tiểu học Lũng Lìu với mong muốn cải thiện, nâng cao điều kiện dạy và học của thầy trò nhà trường.

Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ BTTE Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết: Việc khánh thành và đưa vào sử dụng nhà nội trú cho học sinh nghèo vùng dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với việc chung tay, tiếp sức ước mơ đến trường, tới lớp của các học trò nghèo vùng cao. Nhà bán trú đưa vào sử dụng giải quyết việc thiếu nơi ở và sinh hoạt cho học sinh nghèo, để các cháu yên tâm học tập, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của xã vùng cao.

Hỗ trợ xây dựng trường học, nhà nội trú là một trong những chương trình trọng tâm được Quỹ BTTE Việt Nam chú trọng đầu tư. Từ năm 2008 đến nay, Quỹ đã hỗ trợ xây dựng (trực tiếp và gián tiếp) 70 công trình với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh