CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:20

Nỗi lo về bữa ăn của học sinh bán trú

Con đi học sụt cân!

 Hầu hết các phụ huynh ở thành phố đều thở phào khi quyết định cho con học bán trú. Bởi không phải phụ huynh nào cũng có thể sáng đưa con đi trưa về, trưa đi chiều đón. Chưa kể, bữa trưa không ai nấu, nửa ngày còn lại nghỉ học thiếu người trông... Tuy nhiên, không ít phụ huynh “thầm” lo lắng khi con học bán trú, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm cho bữa ăn ở trường của các con.

Những lo lắng này của phụ huynh không phải không có cơ sở khi thời gian vừa qua, nhiều vụ thực phẩm bẩn bị tuồn vào trường học để chế biến thành thức ăn cho học sinh bị phát hiện. Thực tế, đầu tháng 3, báo chí phản ánh về việc người dân phát hiện xe tải chở thực phẩm đã bốc mùi nhập vào trường tiểu học Long Bình (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) để chế biến bữa ăn cho học sinh.

Trước đó, tại Hà Nội đã từng phát hiện trường mầm non quốc tế Maple Bear thuê cơ sở “cơm bụi” nấu suất ăn cho học sinh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như không đúng với số tiền phụ huynh đóng tiền ăn cho con.

Một phụ huynh có con theo học tại đây đã bức xúc lên tiếng: “Chúng tôi cho con học trường quốc tế, đóng tiền cũng theo chuẩn quốc tế những mong con có được môi trường học tập, chăm sóc tốt nhất vì các cháu đang còn nhỏ. Tôi thật sự không ngờ, cháu phải dùng những loại thực phẩm mất an toàn đến thế. Con tôi học tại trường 2 năm nhưng không hề lên cân.Bữa ăn ở một lớp mẫu giáo. (Ảnh minh họa)

Không những thế, cả năm nay luôn trong tình trạng đau bụng, đi ngoài, bây giờ mới biết con phải ăn những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh như thế”. Không ai dám chắc, bữa cơm của con mình ở trường đã hoàn toàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi trên thực tế, nhà trường cho thế nào các con ăn thế, phụ huynh chỉ biết đến tháng đóng tiền, còn chất lượng hoàn toàn “ăn may”!

Chị Minh Trang, có con học lớp 1 Trường tiểu học Quang Trung kể: “Cháu lười ăn chỉ nặng có 20kg, đi học được hết học kỳ 1 thì tụt 1kg, vì bữa trưa ở trường, cháu ăn rất ít. Cháu kể có hôm chỉ ăn cơm không, vì cháu bảo cô nấu không ngon... "Tội nghiệp lắm, buổi chiều vừa đón con là phải có hộp sữa, từ đó cho đến lúc đi ngủ là ăn liên tục để lấy năng lượng cho hôm sau.

Mình không thể buổi trưa đón con về nhà ăn rồi chiều lại tiếp tục đưa lên trường học vì quỹ thời gian không cho phép. Nhưng nghĩ đến bữa ăn của con ở trường lại chảy nước mắt...". Những gia đình có con học PTCS, THPT thì luôn sợ hãi khi nghe con nói do buổi trưa ăn ít, buổi chiều giờ tập thể dục chạy được một tí thì hoa mắt, chóng mặt.

Thả nổi chất lượng bữa ăn sẽ ảnh hưởng đến giống nòi

 Phụ huynh không chỉ lo lắng chất lượng an toàn thực phẩm của bữa ăn ở trường của con mà vấn đề chất lượng dinh dưỡng hầu như đang bị thả nổi. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi học đường cần glucid từ 61 - 70% tổng năng lượng, trong đó đường tinh chế không quá 10%.

Nhu cầu chất xơ tối thiểu là 14 gr/1.000 kcal, nhu cầu các chất khoáng và vitamin như can xi (mg) là 700, sắt (mg) là 11,9, vitamin A (mcg) là 500, vitamin D (mcg) là 5... Với một khẩu phần ăn bình thường thì không thể đáp ứng được. Bằng chứng là có tới 28% học sinh bị thiếu máu do thiếu sắt, 3% bị thiếu i ốt, rất nhiều học sinh thiếu vitamin A.

Vì vậy cần phải triển khai hoạt động can thiệp lồng ghép về dinh dưỡng và giáo dục dinh dưỡng - sức khỏe trong trường họci.Theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): Sức khỏe là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập, sáng tạo và sự phát triển cũng như tương lai và cuộc sống của học sinh.

Bữa ăn ở một lớp mẫu giáo. (Ảnh minh họa)Bữa ăn ở một lớp mẫu giáo.                                 (Ảnh minh họa)

Giai đoạn từ khi sinh ra đến 12 tuổi là giai đoạn phát triển chiều cao chủ yếu ở trẻ, đây là giai đoạn cần sự đáp ứng dinh dưỡng tối đa. Các vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển về thể lực và trí tuệ của học sinh. Điều tra về dịch tễ cho thấy trẻ em thường bị thiếu các vitamin A, E, can xi, sắt, kẽm, i ốt...

Khi trẻ bị đói và thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến mệt mỏi, các em khả năng tiếp thu chậm. Về lâu dài, trẻ chán học, học hành sa sút. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến học tập mà còn ảnh hưởng đến nòi giống trong tương lai.

Hiện nay, chịu trách nhiệm về chất lượng bữa ăn học đường chủ yếu do ngành giáo dục quản lý, chưa có một cơ quan ban ngành chuyên môn nào của Chính phủ chịu trách nhiệm. Do vậy, thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai bữa ăn học đường tại các trường để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, (Bộ Y tế) cho biết, thời gian gần đây, thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm không có nguồn gốc ở một số trường học diễn biến phức tạp.

Những thực phẩm này đe dọa, gây ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến  sức khỏe của học sinh. Cục An toàn thực phẩm có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp xác minh thực phẩm bẩn tuồn vào trường học.

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh