Trung ương sẽ thảo luận 3 đề án về tiền lương, BHXH và chính sách NCC
- Tây Y
- 19:09 - 27/08/2017
Ảnh minh họa
Thông tin trên được, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH; việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; về triển khai các chỉ đạo của Trung ương trong phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn và xây dựng Đề án phát triển đặc khu này vào chiều 25/8.
Về vấn đề tiền lương, an sinh xã hội, Phó Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị sẽ trình Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sắp xếp bộ máy chính trị. Đây là tiền đề để Hội nghị Trung ương 7 thảo luận về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công.
Theo lãnh đạo Chính phủ, dự kiến Trung ương sẽ xây dựng 3 đề án riêng biệt về tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công. “Chính sách tiền lương là để cho người đang đi làm. Bảo hiểm xã hội sẽ bảo đảm cuộc sống của người nghỉ hưu và bảo đảm cuộc sống người có công sẽ do chính sách bảo trợ xã hội đảm nhận”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Ngoài ra, với vấn đề tiền lương, vướng mắc hiện nay không chỉ là lương tối thiểu mà liên quan tới nhiều vấn đề như quan hệ tiền lương, thang, bảng lương và chính sách thu hút nhân tài. Đề án sẽ phải giải quyết các bất cập này và giao địa phương khoán quỹ lương và khoán biên chế.
Phó Thủ tướng cũng cho biết trong tổ chức sắp xếp lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, cần rà soát lại đội ngũ, nhất là cán bộ y tế, kế toán tại trường học, rà soát sắp xếp lại điểm trường, bảo đảm giảm biên chế gắn với giảm chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp; thực hiện đồng thời giảm đầu mối đơn vị và giảm biên chế nhưng giảm đầu mối có tác động rất lớn tới giảm chi phí thường xuyên trong chi ngân sách Nhà nước. Từ nay tới năm 2020 sẽ giảm 10% số lượng đầu mối với 6.000 đơn vị và giảm tiếp 10% công chức, viên chức. Hiện nay theo số liệu mới nhất cả nước có 240.000 viên chức sự nghiệp (bao gồm cả viên chức theo Nghị định số 68 của Chính phủ), là con số rất lớn. Sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết quy định từ nay tới năm 2020 sẽ cơ bản chấm dứt các loại viên chức theo hợp đồng khác.
Như báo Dân sinh thông tin, việc thực hiện ba đề án cải cách tiền lương gồm: Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công được Hội nghị Trung ương 7 khóa XI giao cho Chính phủ chủ trì xây dựng nhằm cải cách, nâng cao chất lượng các chính sách an sinh xã hội quan trọng này, vốn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân trong thời gian qua.