THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:45

Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam - Cầu nối để hỗ trợ người lao động

Bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động vượt qua khó khăn

Dịch bệnh ập đến ảnh hưởng mọi mặt đời sống người dân. Không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn phải đóng cửa, cắt giảm lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Vì thế nhiều người lao động rơi vào cảnh giãn việc, thậm chí là mất việc làm. Đang làm việc tại Công ty TNHH Emic Hospitality với thu nhập hàng tháng khoảng 5 triệu đồng, chị Nguyễn Mỹ Giang (TP.Hội An) phải nghỉ việc vì công ty phải cắt giảm bớt nhân công. Công ty rất muốn giữ chị cùng nhiều lao động khác nhưng trước những khó khăn công ty đang gặp phải thì không còn lựa chọn nào khác.

Chị Giang làm hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và ở nhà chờ hết dịch để tìm được việc làm mới hoặc quay lại công ty cũ nếu có tuyển dụng thêm. “Ai cũng mong có việc làm, tôi chỉ mong mỏi dịch bệnh qua để tìm việc làm. Nhưng dù sao, tôi vẫn còn may mắn có chỗ dựa, đó là nguồn hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian chưa có việc làm mới. Khoản hỗ trợ nhỏ nhưng trong thời điểm hiện tại quý vô cùng. Ngoài kia, có còn hàng chục nghìn người khác theo diện không có hợp đồng lao động, mất việc, không lương, cũng không có nguồn hỗ trợ nào trong lúc khốn đốn nhất”, chị Giang nói.

Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm DVVL Quảng Nam tư vấn, hướng dẫn người lao động tại Trung tâm

Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm DVVL Quảng Nam tư vấn, hướng dẫn người lao động tại Trung tâm

Sau 8 năm 6 tháng làm việc tại một doanh nghiệp tại huyện Đại Lộc, anh Huỳnh Minh (xã Đại Quang, Đại Lộc) đành ngậm ngùi rời nơi làm việc, chỉ vì nơi ấy không còn công việc để anh tiếp tục gắn bó. Giữa dịch bệnh, anh Minh thông cảm với chủ doanh nghiệp. Cũng như anh, nhiều người khác khi được thông báo, họ lẳng lặng sắp xếp lại nơi làm việc ngăn nắp, rồi nhận quyết định nghỉ việc rời công ty, với lời hứa khi hồi phục sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ ưu tiên nhận lại những lao động đã gắn bó lâu dài. Cả gia đình dựa chính vào nguồn thu nhập của anh. Anh Minh cho hay: “Thu nhập hàng tháng của tôi cũng chỉ đủ chi tiêu cho cả gia đình nên không có tích lũy. Thật may, có khoản tiền hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp để để gia đình vượt qua giai đoạn khốn khó, chờ tôi đi tìm được việc làm mới”.

Thủ tục nhanh gọn

Công ty nơi chị Trương Thị Hồng Hạnh (xã Điện Thọ, Điện Bàn) làm việc nằm trong tâm điểm dịch bệnh tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) nên thời gian qua ngưng hoạt động do không có việc. Chị Hạnh đã nghỉ việc ở công ty từ ngày 1.6.2021, với thời gian làm việc từ tháng 2.2019 đến tháng 5.2021. Nghỉ việc về quê, sau thời gian thực hiện cách ly, chị Hạnh làm đơn xin được hưởng BHTN gửi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Nhưng ngặt nỗi, công ty còn nợ tiền BHXH tháng 4 & 5.2021, nên sổ BHXH của chị Hạnh chưa được chốt và chị cũng không có quyết định nghỉ việc của công ty. Lúc này, chị Hạnh rất bối rối, ra lại công ty cũ để lấy hồ sơ là điều không thể vì nơi đó đang giãn cách nghiêm ngặt. Nhưng nếu không làm hồ sơ thì sẽ quá thời hạn 90 ngày kể từ khi nghỉ việc đến khi nộp hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp.

2

Liên hệ với nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chị Hạnh được hướng dẫn cụ thể. Chị liền liên hệ với cán bộ quản lý nhân sự của công ty cũ, yêu cầu đóng BHXH của chị trong 2 tháng còn nợ, và sau khi đóng đủ thì sổ BHXH của chị được cơ quan BHXH chốt. Chị cũng yêu cầu cán bộ quản lý nhân sự công ty ra quyết định nghỉ việc, chụp hình, quay video tất cả hồ sơ gửi qua zalo. Hồ sơ của chị Hạnh được bổ sung đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh qua zalo, được tiếp nhận vào thời điểm cận kề hạn chót 90 ngày.

Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tổng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 9.099 người. Hồ sơ đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng là 9.272 người, số tiền chi theo quyết định hơn 131 tỷ đồng. Cùng với đó, trung tâm đã hỗ trợ học nghề 155 người (664 triệu đồng); số người được giới thiệu việc làm là 553 người, trong đó có việc làm 218 người.

Hỗ trợ tối đa cho lao động về quê tránh dịch

Cũng theo thông tin từ ông Dũng, đối với lao động ở vùng xanh thì họ trực tiếp đến nộp hồ sơ. Còn những lao động ở vùng giãn cách, không đi trực tiếp nộp được thì có thể nộp qua bưu điện, hoặc liên hệ gửi qua zalo, mail, để đảm bảo thông tin chính xác và không trễ ngày. Với lao động ngoài tỉnh thì trung tâm bằng mọi cách sẽ phối hợp với các cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ quan chức năng xác minh hồ sơ để giải quyết cho lao động.

3

Đối với lao động về từ các tỉnh có dịch bệnh, nếu đang trong thời gian cách ly tập trung hay tại nhà, có thể gửi hồ sơ gồm sổ BHXH kèm tờ rời tham gia BHXH, quyết định nghỉ việc, đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua bưu điện là trung tâm giải quyết ngay mà không cần đến trực tiếp. Những lao động không có bất cứ giấy tờ gì do phải về tránh dịch, thì có thể liên hệ với nơi họ làm việc đề nghị hỗ trợ bằng cách gửi hình ảnh qua zalo, e-mail, nhằm đảm bảo thời gian 90 ngày từ khi nghỉ việc đến khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mọi thông tin về quá trình tham gia BHXH hay nơi làm việc của người lao động, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có trách nhiệm liên hệ với Bảo hiểm xã hội tỉnh xác minh thông tin và cấp sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động để giải quyết kịp thời theo quy định, khi dịch bệnh được kiểm soát thì các văn bản nghỉ việc có thể nhận trực tiếp khi người lao động thông báo tình trạng việc làm hoặc qua đường bưu điện sau. Khi có quyết định hưởng, người lao động có thể nhận tiền qua thẻ tài khoản ngân hàng, không cần đến trực tiếp. Cách làm này trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã giúp người lao động yên tâm hơn khi chế độ BHTN của họ được hỗ trợ giải quyết kịp thời. “Hiện tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tuyển dụng rất nhiều. Người lao động từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch đông, tuy nhiên, nhiều đối tượng không phù hợp với công việc đang tuyển dụng. Hiện có 156 lượt doanh nghiệp tuyển dụng mới, nhu cầu tuyển dụng 19.155 chỗ làm trống. Yêu cầu trình độ: Đại học 1.171 vị trí; Cao đẳng 192 vị trí; Trung cấp chuyên nghiệp 918 vị trí; Trung cấp nghề 300 vị trí; Sơ cấp 7.067 vị trí; Lao động phổ thông 9.507 vị trí”, ông Dũng thông tin.

Người lao động đến Trung tâm DVVL để tìm kiếm việc làm

Người lao động đến Trung tâm DVVL để tìm kiếm việc làm

Để kết nối cung – cầu lao động, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 21 phiên giao dịch việc làm. Có 226 lượt doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng bình quân khoảng 4.700 chỗ làm trống/phiên. Số người đến tìm hiểu thông tin và đăng ký 1.293 lượt người; Số người đăng ký tìm việc làm, liên kết học nghề, làm việc ở nước ngoài 864 lượt người, trong đó: Số người đăng ký tìm việc làm 845 lượt người, gồm: Chờ việc 291 lượt người, giới thiệu đến doanh nghiệp phỏng vấn 554 lượt người.

Ông Dũng cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, trung tâm thực hiện tư vấn các chính sách về việc làm, học nghề, trợ cấp thất nghiệp tại các điểm tiếp nhận. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiệp vụ theo quy định. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Khánh An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh