THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 11:42

Trung tâm bảo trợ xã hội TP. Cần Thơ: Đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp cho đối tượng

Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ (Trung tâm) - là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên. Trung tâm tọa lạc tại khu vực Bình Hòa A, phường Phước Thới, quận  Ô Môn với tổng diện tích hơn 2ha, được xây dựng khang trang, chia thành 4 khu chức năng chuyên biệt như khu hành chính, khu nhà ở, khu y tế, công viên giải trí.

Trung tâm Bảo trợ xã hội Cần Thơ không chỉ là “ngôi nhà chung” bảo trợ xã hội (BTXH), mà còn được biết đến là điểm tựa cho người già cô đơn, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố Cần Thơ và khu vực ĐBSCL. Do nuôi dưỡng nhiều đối tượng khác nhau, lại chênh lệch về độ tuổi, mắc nhiều bệnh tật, số đối tượng phải chăm sóc, phục vụ tại chỗ ngày càng nhiều nên công việc ở trung tâm vô cùng vất vả.

Trồng rau xanh cải thiện bữa ăn cho các đối tượng tại Trung tâm.

Trồng rau xanh cải thiện bữa ăn cho các đối tượng tại Trung tâm.

Ông Huỳnh Văn Sánh - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Cần Thơ cho biết,  hiện tại  “ngôi nhà chung” bảo trợ xã hội đang chăm sóc, nuôi dưỡng 565 người lang thang, tâm thần, trong đó 505 người mắc các bệnh về tâm thần kinh, không nơi nương tựa.

Ngoài việc được chăm sóc chu đáo về y tế, những người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm còn được hỗ trợ phục hồi chức năng, chống nhiễu loạn tâm lý bằng nhiều hình thức như: lao động nhẹ, chăm sóc cây kiểng, hướng dẫn tập vật lý trí liệu, chơi cờ tướng, xem biểu diễn văn nghệ...

Theo ghi nhận của phóng viên, các cán bộ nhân viên của Trung tâm, để chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các đối tượng Trung tâm thường xuyên cải thiện món ăn, ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng, không để xảy ra ngộ độc thức ăn. Hàng tuần, cán bộ y tế đều đến kiểm tra, theo dõi, chăm sóc sức khỏe để kịp thời phát hiện các chứng bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Bên cạnh công tác chuyên môn về chăm sóc, điều trị cho những người mắc các bệnh về tâm thần kinh thì việc đảm bảo việc cung cấp nước sạch phục vụ ăn, uống hàng ngày cho đối tượng, bình quân 35.000 lít/tháng. Và chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, cụ thể, thứ năm hàng tuần, hàng ngày chăm sóc trực các khu có kế hoạch thu gom rác, đồ dùng đối tượng phía ngoài phòng, tăng cường vệ sinh nhiều lần cho đối tượng và khu ở đối tượng. Cấp phát trực tiếp cho chăm sóc các khu đồ dùng cho đối tượng như: xà bông, quần áo, mền, nước lau sàn... xử lý nguồn nước sinh hoạt, hệ thống nước lọc cho đối tượng. Sắp xếp, phân công nhiệm vụ các bộ phận phù hợp với điều kiện thực tế của phòng. Duy trì phối hợp các phòng, bộ phận cho đối tượng tập thể dục, vui chơi, giải trí phơi nắng vào buổi sáng và hóng mát buổi chiều và các hoạt động sinh hoạt vui chơi trong những dịp Lễ, Tết luôn được duy trì.

 
Trung tâm luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.

Trung tâm luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.

Hàng ngày đội ngũ viên chức, người lao động Trung tâm thực hiện lau, chùi, quét dọn vệ sinh khuôn viên toàn Trung tâm và các khu, phòng ở của các đối tượng và vệ sinh cá nhân cho từng đối tượng như tắm, giặt quần, áo, chăn mềm hớt tóc, cạo râu… đảm bảo các khu, phòng ở các đối tượng sạch sẽ thoáng mát, đặc biệt quan tâm việc vệ sinh cá nhân cho từng đối tượng được sạch sẽ tránh các bệnh về da như ghẻ, lác và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

“Các hoạt động vệ sinh môi trường được duy trì và đảm bảo thường xuyên tại Trung tâm như: định kỳ 2 lần/tuần thực hiện tổng vệ sinh môi trường toàn Trung tâm. Kết hợp tổ chức phục hồi chức năng thông qua hình thức lao động trị liệu cho đối tượng bằng các hình thức lao động nhẹ như: quét rác, vệ sinh, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh khuôn viên cơ quan”, ông Huỳnh Văn Sánh cho hay.

Thời gian qua, công tác vệ sinh môi trường luôn được lãnh đạo Trung tâm đặt lên hàng đầu. Thường xuyên tổ chức phun thuốc diệt muỗi; tổng vệ sinh môi trường, khơi thông hệ thống cống rãnh thoát nước; mua cấp phát thuốc cho các khoa điều trị theo nhu cầu thực tế; đảm bảo đầy đủ về trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh nhân kịp thời. Hàng tháng tổ chức kiểm tra vệ sinh tại các phòng, khoa trong đơn vị không có dịch bệnh xảy ra.

Đặc biệt, mỗi năm, đều có nhiều người lang thang, cơ nhỡ sau khi tái hòa nhập cộng đồng, làm ăn khấm khá đã quay về cảm ơn Trung tâm và gửi quà trợ giúp lại cho những người một thời họ đồng cảnh ngộ. “Chúng tôi rất mừng khi thấy họ tái hòa nhập đời sống xã hội thành công. Sắp tới, Trung tâm sẽ được mở rộng thêm 1,2ha, nâng tổng diện tích Trung tâm lên đến hơn 3,6ha. Đây là công trình được thành phố bổ sung đầu tư cho Trung tâm trị giá trên 45 tỉ đồng.

Sau khi đưa vào hoạt động, nơi đây sẽ trở thành một trong những Trung tâm Bảo trợ xã hội hàng đầu khu vực. Điều này chứng tỏ công tác bảo trợ, an sinh xã hội trong tiến trình phát triển hài hòa của đô thị trung tâm ĐBSCL được lãnh đạo địa phương quan tâm đúng mức"  - Giám đốc Trung tâm Huỳnh Văn Sánh chia sẻ.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh