THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:51

Trung Quốc phát triển công nghệ phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 qua kiểm tra mắt, ứng cử viên tiềm năng nào cho Nobel Y học 2021

Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam VOV đưa tin, công nghệ phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 có tên COVID-19 EYE TEST này sử dụng các phần cứng thông minh như điện thoại di động để chụp ảnh mắt và xác định xem người được chụp có mắc Covid-19 hay không trong khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn 3 giây.

Trong quá trình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong số những người có nguy cơ cao được phát hiện bởi công nghệ này, có tới trên 99% cho kết quả xét nghiệm axit nucleic là dương tính, theo kết quả thử nghiệm tại Nhật Bản.

Trung Quốc phát triển công nghệ phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 qua kiểm tra mắt (Ảnh: The Paper).

Trung Quốc phát triển công nghệ phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 qua kiểm tra mắt (Ảnh: The Paper).

Hiện tại, chỉ số trung bình về độ nhạy và độ đặc hiệu của COVID-19 EYE TEST trong các thử nghiệm lâm sàng ở nhiều khu vực trên thế giới đạt trên 85%, đối với người Đông Á cao tới 97%.

Người kiểm tra có thể sử dụng công nghệ này mọi nơi mọi lúc, thao tác thuận tiện và hầu như không tốn kém. Công nghệ này đã được cho phép sử dụng miễn phí vĩnh viễn đối với người dân ở Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ này đã được truyền cảm hứng từ các lý luận liên quan đến “mục chẩn”, tức chẩn đoán qua mắt của y học cổ truyền Trung Quốc, lý thuyết vi tuần hoàn bề mặt mắt của phương Tây, công nghệ phát hiện bề mặt mắt. Họ đã tập hợp một nhóm các chuyên gia và triển khai các thử nghiệm lâm sàng về kiểm tra mắt nhằm phát hiện nguy cơ mắc Covid-19 xuyên khu vực và đa sắc tộc trên toàn cầu.

Tuy vậy, để cho kết quả chuẩn xác, việc chụp ảnh phải được thực hiện trong môi trường có đủ ánh sáng, tránh chụp trước phông nền đỏ và mắt người thử không được trang điểm, đeo kính áp tròng, không bị tóc che khuất.

Ngoài ra, độ phân giải của máy ảnh không được dưới 3 triệu pixel, độ phân giải hình ảnh của mắt phải cao hơn 1900x500 và không được qua bộ lọc.

Theo khuyến cáo, công nghệ này chỉ được dùng để sàng lọc bổ sung mà không được phép thay thế các xét nghiệm axit nucleic.

Thông tin trên báo Người lao động cho hay, các nhà khoa học điều chế vaccine Covid-19 có thể đang chạy đua để giành giải Nobel Y học mặc dù đại dịch còn lâu mới kết thúc.  Một số nhà khoa học cho biết đây chỉ là vấn đề thời gian: Nếu công trình nghiên cứu phát triển vaccine không được công nhận khi giải thưởng năm nay được công bố vào ngày 4-10 thì nó vẫn có thể chiến thắng trong những năm tới.

Những nhà khoa học được coi là ứng cử viên tiềm năng cho giải Nobel Y học năm nay là bà Katalin Kariko và ông Drew Weissman nhờ nghiên cứu của họ về vaccine mRNA. Các loại vaccine mRNA do Moderna và Pfizer-BioNTech phát triển đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc chiến chống Covid-19. Chúng nhanh chóng được sản xuất và có hiệu quả cao.

"Tôi chắc chắn công nghệ này sẽ đoạt giải, không sớm thì muộn. Câu hỏi đặt ra là khi nào" - tiến sĩ Ali Mirazami, giáo sư Khoa Y học Phòng thí nghiệm tại Viện Karolinska (Thuỵ Điển), khẳng định.

Các loại vaccine truyền thống, loại đưa vào cơ thể một loại virus bị suy yếu hoặc đã chết để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể mất 1 thập kỷ hoặc hơn để phát triển. Quá trình vaccine mRNA của Moderna đi từ việc giải trình tự gien đến mũi tiêm đầu tiên cho người chỉ mất 63 ngày.

mRNA mang thông điệp từ ADN của cơ thể đến các tế bào, bắt chúng tạo ra các protein cần thiết cho những chức năng quan trọng, ví dụ như điều phối các quá trình sinh học bao gồm tiêu hóa hoặc chống lại bệnh tật.

Vaccine mới sử dụng mRNA do phòng thí nghiệm tạo ra để hướng dẫn các tế bào tạo ra các protein đột biến của SARS-CoV-2, thúc đẩy hệ thống miễn dịch hoạt động mà không cần tái tạo giống như virus thực tế.

mRNA được phát hiện vào năm 1961 nhưng các nhà khoa học phải mất hàng thập kỷ để phát triển kỹ thuật mRNA không mắc phải các vấn đề như không ổn định và gây ra tình trạng viêm. Ngày nay, các nhà khoa học hy vọng mRNA có thể được sử dụng để chữa trị cả ung thư và HIV trong tương lai.

Tiến sĩ Kariko (66 tuổi) là người đặt nền móng cho vaccine mRNA và tiến sĩ Weissman (62 tuổi), là cộng sự lâu năm của bà. Tiến sĩ Mirazami cho biết: "Họ là bộ não đằng sau khám phá mRNA. Có thể họ còn quá trẻ, Nobel thường đợi cho đến khi người nhận ở độ tuổi 80".

Theo hãng tin Reuters, tiến sĩ Kariko cùng các đồng nghiệp tại trường ĐH Pennsylvania đã tạo ra một bước đột phá bằng cách tìm ra cách cung cấp mRNA mà không khiến hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Hơn 4,7 triệu người đã tử vong vì Covid-19 kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào năm 2019 và nhiều nước vẫn đang sống trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây nhiễm.

Tuy nhiên, vaccine Covid-19 đã giúp các nước giàu có trở về cuộc sống gần như bình thường trong khi nhiều nước khác vẫn chưa nhận được vaccine với số lượng lớn.

MỘC MIÊN (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh