CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:00

Trung Quốc lập hàng rào tàu ngầm để chống tàu sân bay Mỹ

 

Theo Diplomat, cuộc tranh luận về chiến lược chống tiếp cận/từ chối khu vực (A2/AD) của Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm trong giới quân sự Mỹ. Một số quan điểm cho rằng, hạm đội tàu sân bay Mỹ rất dễ tổn thương trong trường hợp xảy ra xung đột ở tây Thái Bình Dương.

Đặc biệt, mối lo ngại trở nên sâu sắc hơn khi các phương tiện chiến tranh dưới mặt nước của Hải quân Trung Quốc (PLAN) ngày càng phát triển mạnh. Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), hạm đội tàu ngầm của PLAN gồm 57 tàu ngầm tấn công phi hạt nhân (SSK) và 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN).

a
Tàu ngầm phi hạt nhân lớp Song của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: IB Times

Trong đó, 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Shang, 12 tàu phi hạt nhân lớp Kilo và 12 lớp Yuan là những loại hiện đại nhất. Một số chuyên gia quân sự thường đề cập đến mối đe dọa từ các tàu ngầm SSK với tàu sân bay Mỹ. Lý do là các tàu ngầm điện – diesel có khả năng hoạt động êm hơn so với tàu ngầm hạt nhân. Điều đó làm cho việc phát hiện ra các tàu ngầm khó khăn hơn cho đội tàu hộ tống.

Tàu ngầm Trung Quốc đã từng bất ngờ xuất hiện gần tàu chiến Mỹ. Một tàu ngầm điện-diesel lớp Song nổi lên gần nhóm tác chiến tàu sân bay USS Kitty Hawk vào năm 2006. Lúc đó, một số nhà phê bình cho rằng, với loại tàu ngầm có năng lực hạn chế như lớp Song có thể tiếp cận gần tàu sân bay Mỹ thì loại hiện đại như Kilo sẽ làm điều đó dễ dàng hơn.

Trong tháng 10, một tàu ngầm phi hạt nhân lớp Yuan đã theo dõi tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ trên biển Nhật Bản dẫn đến những cảnh báo giữa các quan chức quốc phòng Mỹ. Ben Ho Wan Beng, nhà phân tích cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Singapore đặt câu hỏi về mối đe dọa của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc trong một cuộc xung đột, cũng như năng lực thực sự của hạm đội này trong việc tìm kiếm và tấn công một tàu sân bay Mỹ.

Tìm kiếm và theo dõi tàu sân bay Mỹ

a
Tàu sân bay USS Kitty Hawk từng bị một tàu ngầm Trung Quốc theo dõi trong năm 2006. Ảnh: Military Factory

Ông Beng cho rằng, Trung Quốc có thể triển khai hàng rào tàu ngầm để đánh chặn Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của Mỹ khi nó đi qua khu vực tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các tàu ngầm phi hạt nhân thường bị giới hạn về tốc độ và thời gian hoạt động liên tục.

Về khả năng tìm kiếm mục tiêu của tàu ngầm Trung Quốc, Peter Howarth, tác giả cuốn sách “Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển: Những thách thức của Hải quân PLA”, viết rằng, PLAN sẽ triển khai các tàu ngầm SSK phục sẵn ở những tuyến đường biển huyết mạch nằm giữa các chuỗi đảo dọc theo thềm phía đông lục địa châu Á.

Trong những năm qua, khả năng chống tiếp cận và từ chối khu vực của Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể. Điều đó có nghĩa là Nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ sẽ phải miễn cưỡng để hoạt động trong vùng biển gần Trung Quốc. Đó là khu vực xung quanh chuỗi đảo thứ nhất từ biển Philippines và xa hơn nữa.

Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc có số lượng lớn nhưng sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm tàu sân bay Mỹ trên vùng biển rộng lớn khoảng 5 triệu km2 ở biển Philippines. PLAN sẽ có cơ hội lớn để tìm thấy mục tiêu nếu khả năng giám sát đại dương của Bắc Kinh có bước phát triển.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã phóng một số vệ tinh giám sát đại dương được cho là đã đi vào khai thác đầy đủ. Nếu tàu ngầm phát hiện mục tiêu mà không có sự trợ giúp từ các phương tiện khác thì rất khó để theo dõi một cách liên tục. Các tàu ngầm như Kilo và Yuan có tốc độ tối đa 20 hải lý/giờ, trong khi đó tàu sân bay có khả năng di chuyển với tốc độ 30 hải lý/giờ nên rất khó để bám theo trong thời gian dài.

Chỉ có tàu ngầm hạt nhân lớp Shang có khả năng đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ. Tuy nhiên, việc di chuyển nhanh để bám theo mục tiêu sẽ dễ bị phát hiện. Mặt khác, PLAN thiếu các hệ thống định vị thủy âm kéo theo nên khó phát hiện mục tiêu từ xa. Ngoài ra, thủy thủ tàu ngầm Trung Quốc thiếu kinh nghiệm hoạt động mặc dù PLAN đã tăng tần suất các chuyến tuần tra để khắc phục vấn đề này.

Khả năng tấn công

Ông Beng đặt giả thuyết tàu ngầm Trung Quốc có thể theo dõi thành công một tàu sân bay Mỹ. Khi đó, những vũ khí nào trên tàu ngầm có thể gây nguy hiểm cho hàng không mẫu hạm? Đối với tàu ngầm, vũ khí nguy hiểm nhất là ngư lôi. Một vụ nổ từ dưới nước sẽ gây thiệt hại gấp nhiều lần so với trên boong tàu.

Vụ tấn công dưới nước có thể gây hỏng chân vịt, hoặc thủng đáy khiến tàu sân bay mất tốc độ hoặc mất khả năng phóng máy bay. Khi đó, cỗ máy chiến tranh trên biển của Mỹ có thể suy giảm giá trị sử dụng, gây khó khăn cho việc bảo vệ từ các tàu hộ tống.

a
Tàu ngầm lớp Yuan của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Pinterest

Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, PLAN đang có trong biên chế loại ngư lôi Type-53 với đầu đạn nặng 300 kg, Type-65 đầu đạn nặng 400 kg. Ngoài ra, tàu ngầm Trung Quốc có thể nhắm mục tiêu tàu sân bay bằng tên lửa hành trình chống hạm. Các tàu ngầm Kilo và Shang có 6 ống phóng ngư lôi có thể mang theo tối đa 5 tên lửa chống hạm trong ống phóng. Vì tàu ngầm phải có một quả ngư lôi sẵn sàng bắn để đối phó với các mối đe dọa bất ngờ từ mặt nước.

Tàu ngầm Trung Quốc có thể phóng loạt 5 đạn tên lửa về phía hàng không mẫu hạm Mỹ. Chúng tạo ra mối nguy hiểm lớn nhưng hệ thống phòng thủ Aegis trên các chiến hạm Mỹ có thể đối phó, Bắc Kinh đã cải tiến 3 tàu ngầm lớp Shang trang bị hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) để phóng các tên lửa.

Mỗi tàu ngầm cải tiến có thể trang bị ít nhất 8 VLS, như vậy các tàu có thể phóng ra hơn một chục tên lửa vào một mục tiêu. Đợt tấn công loạt bằng tên lửa chống hạm sẽ đặt ra thách thức lớn cho hệ thống đánh chặn Aegis.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ cho biết, Bắc Kinh luôn xem hạm đội tàu ngầm là công cụ quan trọng trong chiến lược A2/AD. PLA đã đầu tư mạnh cho lực lượng tác chiến dưới mặt nước. Trung Quốc có nhiều tàu ngầm hơn Mỹ nhưng chất lượng kém hơn.

“Chúng tôi biết họ đang ra biển để thử nghiệm và cơ chế điều hành cho thấy họ muốn khẳng định vị trí trong thế giới với các tàu ngầm hiện đại. Vấn đề quan trọng là khi nào Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực chiến tranh dưới nước”, vị quan chức nói.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng bắt đầu nhận thức được các mối đe dọa và hành động để giảm thiểu nó. Mỹ đã giới thiệu hệ thống tác chiến chống ngầm tiên tiến AN/SQQ-89 kết hợp với hệ thống định vị thủy âm kéo theo đa chức năng, phát triển và đưa vào sử dụng phi cơ chống ngầm P-8 Poseidon.

Những biện pháp mới cho phép Mỹ tiếp tục duy trì lợi thế về năng lực tác chiến chống ngầm so với Trung Quốc.

Theo zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh