Nhà thầu Trung Quốc làm khó lao động Việt
- Bài thuốc hay
- 17:53 - 25/06/2015
Nhà thầu GEDI (Trung Quốc) rao tuyển cần 1.844 người thực hiện công việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 (thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Việc rao tuyển tiến hành từ cuối năm ngoái nhưng đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có vài hồ sơ ứng tuyển.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 24/6, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Thuận cho biết: "Nhà thầu Trung Quốc đang xây dựng tiêu chí tuyển dụng việc làm xin ý kiến của UBND tỉnh, còn nếu như lao động trên địa bàn không đáp ứng được thì mới cho tuyển dụng lao động nước ngoài".
Thế nhưng, đối với dự án mới, chỉ mới bắt đầu xây dựng tiêu chí cho từng việc làm, nên bây giờ chưa có cụ thể tiêu chí của đợt tuyển dụng này.
"Trước đây, tùy theo tiêu chí từng việc làm của nhà thầu, cung cấp theo vị trí việc làm cụ thể, nhưng lao động của chúng ta không đáp ứng được, nên không cho tuyển. Chính vì vậy, đối với nhiều nhiều trường hợp, muốn tuyển lao động nước ngoài, theo tôi phải tuyển đúng với vị trí việc làm đã đăng ký, chứ không được tuyển bất kỳ. Tránh trường hợp nhà thầu đưa tiêu chí việc làm lên cao, để lao động của chúng ta không đáp ứng được", ông Hồng khẳng định.
Trước đây hợp đồng nhà thầu muốn tuyển 2.397 lao động cho dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nhưng cũng chẳng tuyển được ai vì đưa ra yêu cầu quá ngặt, sau đó đã tuyển 25 kỹ sư Trung Quốc. Nhưng khi xác định cho tuyển dụng thì phải đi kèm với kiểm tra, giám sát cụ thể.
Theo thông báo công khai tại Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) Bình Thuận, nhà thầu Trung Quốc tuyển nhiều vị trí, từ giám đốc, phó giám đốc dự án đến cán bộ kỹ thuật điện, xây dựng…
“Tuy nhiên, yêu cầu của phía tuyển dụng quá khắt khe. Họ đòi hỏi vừa có kinh nghiệm về chuyên môn từ 5 năm trở lên, biết tiếng Anh và cả tiếng Trung. Cái này thì khó quá. Thời gian hợp đồng lao động dài nhất chỉ 5 năm. Với lại trình độ tay nghề như thế nhưng mức lương hơn 10 triệu đồng thì sẽ khó có ai vào làm”, ông Lê Quang Dũng- Phó giám đốc TTDVVL Bình Thuận nói.
Cũng theo ông Dũng, sau hai tháng đăng tin tuyển dụng trên website và báo đài, Trung tâm chỉ nhận được 37 hồ sơ. Trong số 37 người này có 30 người là dân Bình Thuận, 4 người ở TP.Hồ Chí Minh.
Chỉ có duy nhất một người (ở Hà Nội) là cử nhân kế toán được nhà tuyển dụng trả lời (bằng e-mail) là sẽ tuyển dụng. Tất cả đều không đạt các tiêu chí của nhà tuyển dụng cho dù có người là kỹ sư điện với 12 năm kinh nghiệm.
Cụ thể, theo ông Dũng, ở lần tuyển dụng trước, nhà tuyển dụng tuyển cả những người có kinh nghiệm 20 năm, thậm chí 30 năm và phải biết cả tiếng Anh và tiếng Trung. Có duy nhất một lao động từng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, đã có 25 năm làm việc trong ngành điện ở TP.Hồ Chí Minh được phỏng vấn. Nhưng đến khi nộp hồ sơ thì nhà tuyển dụng chê lớn tuổi nên không tuyển.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, ngoài một số trường hợp đặc biệt được quy định rõ trong các quy định của pháp luật về việc đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam thì trong mọi trường hợp khác, khi tuyển dụng lao động, các nhà thầu phải ưu tiên lao động là người Việt Nam trước, sau đó mới tuyển lao động nước ngoài với quan điểm chỉ tuyển những vị trí mà lao động trong nước không đáp ứng được.
Tuy nhiên, ông Quang cũng nhận định cần phải xem xét kỹ lưỡng ở nhiều góc độ mới có thể đánh giá đúng - sai trong việc cấp phép cho tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh.