CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:05

Trung Quốc khẩn cấp ứng phó dịch bệnh sốt heo châu Phi

 

Các nhân viên và công nhân của nhà máy giết mổ của Henan Shuanghui Investment & Development thuộc tập đoàn WH Group ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được khử trùng trước khi vào nhà máy. Ảnh: China News

 

Hai vụ bùng phát ASF trong hai tuần

Theo hãng tin Reuters, mệnh lệnh được đưa ra sau khi nhà chức trách phát hiện vụ bùng phát dịch bệnh ASF thứ hai tại Trung Quốc chỉ trong vòng hai tuần.

Vụ bùng phát dịch bệnh mới nhất được phát hiện ở đàn heo ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, cách 1.000 km với nơi vụ bùng phát dịch bệnh ASF đầu tiên xuất hiện, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. ASF thường gây tử vong cho heo và chưa có vắc-xin để tiêm phòng cũng như thuốc để điều trị nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, theo Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO).

ASF được phát hiện ở châu Phi, Nga và Đông Âu nhưng chưa bao giờ xuất hiện trước đây ở Đông Á. ASF là một trong những dịch bệnh gây tàn phá lớn nhất đối với các đàn heo. Dịch bệnh này xuất hiện ở heo nuôi ở các trang trại lẫn heo hoang. Nó được truyền thông qua ve bét hoặc do tiếp xúc trực tiếp giữa các động vật. Nó cũng có thể lây lan qua nguồn thực phẩm bị nhiễm bẩn, thức ăn chăn nuôi và cả các du khách quốc tế.

Tập đoàn WH Group ra tuyên bố cho biết nhà chức trách ở thành phố Trịnh Châu đã ra lệnh đóng cửa nhà máy giết mổ của tập đoàn này tại đây trong 6 tuần, sau khi 30 con heo chết ở nhà máy này vì ASF. Nhà máy giết mổ này là một trong 15 nhà máy của công ty chế biến thịt heo lớn nhất Trung Quốc, Henan Shuanghui Investment & Development, một đơn vị thành viên của WH Group.

Nhà chức trách ở thành phố Trịnh Châu cũng áp đặt lệnh cấm di chuyển heo và các sản phẩm thịt heo ra vào khu vực bị nhiễm ASF trong vòng sáu tuần.

Cùng ngày, công ty Henan Shuanghui Investment & Development cho biết đã tiêu hủy 1.362 con heo tại nhà máy giết mổ ở thành phố Trịnh Châu. Công ty này cho biết những con heo bị nhiễm bệnh đã được vận chuyển qua quãng đường 2.300km bằng đường bộ từ một thị trường gia súc sống ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đi qua các khu vực có mật độ nuôi heo cao đến tỉnh Hà Nam. Nhà chức trách ở tỉnh Hắc Long Giang nằm sát biên giới Nga, cũng đang điều tra xem liệu đàn heo bị ảnh hưởng trong đợt bùng phát ASF thứ hai nhiễm bệnh từ đâu.

Chính quyền tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc Trung Quốc cũng đã tiêu hủy hơn 8.116 con heo sau khi vụ bùng phát dịch bệnh ASF đầu tiên được phát hiện tại một trang trại ở thành phố Thẩm Dương cách đây hai tuần. Chính quyền Liêu Ninh đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa khác bao gồm cấm vận chuyển heo từ Thẩm Dương đến các nơi khác ở Trung Quốc, ngưng cho heo ăn thực phẩm thừa của con người.

Trong những năm gần đây, cuộc chạy đua xây dựng các trang trại nuôi heo khổng lồ ở vành đai trồng ngô ở đông bắc Trung Quốc đã làm gia tăng lượng heo được vận chuyển khắp đất nước từ các trang trại đến thị trường để giết mổ và chế biến ở phía nam Trung Quốc.

Điều này tạo ra một thách thức lớn đối với Chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực khống chế nguy cơ lây lan của các dịch bệnh liên quan đến heo.

Các nhà phân tích nhận định các nông dân chăn nuôi heo ở Trung Quốc có thể phải bán tháo đàn heo của họ vì lo sợ dịch bệnh ASF sẽ lây lan. Alice Xuan, nhà phân tích ở công ty Shanghai JC Intelligence nói: “Trong ngắn hạn, sẽ xuất hiện cơn bán tháo heo”.

Giá thịt heo tại thị trường Trung Quốc đang giảm do các lo ngại về dịch bệnh ASF sẽ khiến nhu cầu thịt heo suy giảm. Hôm 18/8, giá thịt heo trung bình tại Trung Quốc là 13,97 nhân dân tệ (2,03 đô la Mỹ)/kg, giảm 0,7% so với ngày trước đó. Tại các tỉnh Hà Nam, Hồ Nam và Hồ Bắc, giá thịt heo giảm 1,4%.

WH Group nói rằng việc đóng cửa nhà máy giết mổ ở Trịnh Châu sẽ không có tác động tiêu cực lớn đến tình hình kinh doanh của WH Group vì nhà máy này chỉ đóng góp một phần nhỏ trong các hoạt động kinh doanh của WH Group.

 

Một trang trại heo ở Trung Quốc. Ảnh: VCG

 

Hàn Quốc, Nhật Bản tăng cường kiểm dịch du khách Trung Quốc

Chặng đường vận chuyển heo bị nhiễm bệnh dài cùng với khoảng cách xa giữa hai vụ bùng phát ASF ở Trung Quốc làm dấy lên các lo ngại về nguy cơ ASF sẽ lây lan rộng ra khắp đàn heo trên khắp đất nước Trung Quốc, cũng như có nguy cơ xâm nhập vào Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và các khu vực khác ở châu Á.

Hàn Quốc không nhập khẩu heo hay thịt heo từ Trung Quốc nhưng Chính phủ nước này đang gia tăng tiến hành công tác kiểm dịch y tế tại sân bay đối với các du khách đến từ Trung Quốc đồng thời khuyến cáo các du khách Hàn Quốc đang thăm viếng Trung Quốc phải tránh xa các nông trại và các thị trường gia súc sống.

Ngày 18/8, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản thông báo siết chặt công tác kiểm dịch y tế đối với các du khách đến từ các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ASF ở Trung Quốc bao gồm tỉnh Hà Nam và tỉnh Hắc Long Giang. Hồi đầu tháng này, Nhật Bản đã tăng cường kiểm dịch tại các sân bay và cảng biển đối với du khách đến từ tỉnh Liêu Ninh, nơi vụ bùng phát ASF đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc. Trước đó, Nhật Bản đã cấm nhập khẩu thịt heo chưa chế biến từ Trung Quốc để ngăn ngừa dịch bệnh lở mồm long móng.

“Khi heo di chuyển một chặng đường dài, đặc biệt là trong thời tiết nóng nực như hiện nay, chúng sẽ thải nhiều phân trên đường đi. Và người tài xế vận chuyển chúng có thể dừng lại nhiều lần để vệ sinh xe cộ và tắm cho đàn heo, khiến phân thải sẽ rơi vãi suốt dọc chặng đường”, Feng Yonghui, giám đốc nghiên cứu ở tổ chức nghiên cứu và tư vấn ngành công nghiệp chăn nuôi heo Soozhu.com, nói.

“Nếu virus ASF có trong phân thải của heo trên một xe tải chở heo, các đàn heo trên các xe tải khác đi ngang qua rất dễ bị lây”, Yonghui nhận định.

Trung tâm thông tin sức khỏe heo (Swine Health Information Center), một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, nhận định: “Các khu vực bị ảnh hưởng giờ đây bao gồm nhiều tỉnh của Trung Quốc và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ bùng phát ASF mới”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh