THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:53

Xuất hiện ổ dịch bệnh dại trên chó ở Cà Mau

 

Việc phát bệnh dại nhanh hay chậm tùy thuộc vào vị trí vết cắn trên cơ thể.

 

Theo Chi cục CN&TY tỉnh Cà Mau, ngày 15/6, Trạm CN&TY huyện U Minh nhận được tin báo phát hiện 1 con chó (tại hộ gia đình bà T.T.N, ngụ khóm 2, thị trấn U Minh) có biểu hiện nghi bệnh dại như: Chảy nước dãi, hung hăng, cắn người, chưa được tiêm phòng dại…

Ngay sau đó, nghi ngờ con chó mắc bệnh dại nên Trạm CN&TY huyện U Minh đã lấy mẫu bệnh gửi xét nghiệm. Kết quả từ Chi cục Thú y vùng II cho thấy, mẫu bệnh phẩm trên chó dương tính với virus dại.

Theo Chi cục CN&TY tỉnh Cà Mau, con chó của hộ bà T.T.N đã cắn 2 người (2 người này đã được tiến hành tiêm kháng huyết thanh). Con chó dại này cũng đã cắn 1 con chó ở chung nhà và 8 con chó khác của các hộ dân ở khu vực xung quanh. Hiện toàn bộ số chó này đã được các gia đình xích lại để theo dõi, nhằm tránh tình huống xấu xảy ra, cũng như chờ xử lý của các cơ quan chuyên môn.

Chi cục CN&TY tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Trạm CN&TY huyện U Minh phối hợp với UBND thị trấn U Minh rà soát nắm tổng đàn chó, mèo xung quanh ổ dịch để tiến hành tiêm phòng bao vây; đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch để khống chế không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Bên cạnh đó, Phòng Quản lý dịch bệnh phối hợp với phòng chuyên môn của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bệnh dại trên người ở khu vực nói trên.

Trước tình hình trên, Chủ tịch tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, địa phương và các cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp thích hợp để khống chế, dập tắt ổ dịch bệnh dại trên chó và phòng ngừa lây truyền sang người tại thị trấn U Minh.

Vào tháng 7/2017, xảy ra trường hợp ông N.V.Đ. (ngụ phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) bị chó cắn. Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau sau đó chẩn đoán ông Đ. tử vong do bệnh dại.

Hồi cuối tháng 5/2018, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 bệnh nhi trong tình trạng kích thích, sợ gió, sợ nước… sau khi bị chó cắn. Cả 2 bệnh nhân đã tử vong thương tâm khi lên cơn dại.

Xác nhận thông tin trên, PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết 2 trường hợp bệnh nhi tử vong thương tâm do bị chó dại cắn. Trong đó, 1 cháu bé 12 tuổi (dân tộc Mường, sống tại tỉnh Hoà Bình) tử vong sau 1 tuần vào viện và cháu bé 9 tuổi (dân tộc Mông, Lạng Sơn) tử vong chỉ nửa ngày sau khi nhập viện. 

Theo giới chuyên môn, người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%, nhưng bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Nếu không may bị chó cắn, nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Trong thời gian này, nếu con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Tuy nhiên, cũng không nên mạo hiểm chờ đợi vì nhiều con chó 2 - 3 tuần sau khi cắn người mới phát bệnh dại, khi đó người bị chó cắn mới tiêm thì quá muộn bởi khi virus dại phát tác, vắc xin không còn có tác dụng.

THANH AN (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh