CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:31

Trung Quốc ‘điều khiển’ thị trường thủy sản Việt

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10/2015, các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VN) đều giảm mạnh 15%-60% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng thị trường Trung Quốc (TQ) lại tăng gần 19%, trong đó có mặt hàng như cá tra tăng hơn 50%.

Xuất khẩu sang TQ tăng mạnh đáng lẽ phải mừng nhưng nhiều ý kiến lại quan ngại thị trường này quá nhiều rủi ro, bất trắc.

Không quan tâm chất lượng

Tình trạng thu gom tôm nguyên liệu, kể cả tôm chất lượng thấp, tôm bị bơm tạp chất của thương lái TQ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang diễn ra dù hiện nay các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, xử phạt những hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết thương lái TQ thu mua dễ dãi, không chú trọng chất lượng nên nhiều người thích bán cho họ. Tình trạng này khiến doanh nghiệp (DN) trong nước thiếu hụt nguồn nguyên liệu xuất khẩu trầm trọng, nhất là nguyên liệu sạch.

Nguy hiểm hơn là các thương lái TQ “điều khiển” việc thu mua thủy sản VN một cách bài bản. Họ thiết lập mạng lưới thương lái tại các vùng nuôi, nắm thông tin thị trường để cung cấp cho DN nước này.

Thông qua mạng lưới thương lái, DN TQ có thể điều phối, tùy ý tăng hay giảm sản lượng thu gom thủy sản VN và đặc biệt họ có thể “làm giá”, tạo ra một mặt bằng giá chung cho thị trường thủy sản VN.

“Điều này khiến người nuôi ở các địa phương của chúng ta đều phải bán theo một mức giá mà thương lái DN TQ đưa ra” - ông Nhiệm bình luận.

Người nuôi phân loại tôm để bán cho thương lái. Ảnh: QH

Thủy sản Việt mang thương hiệu… TQ

Chưa hết, việc TQ dễ dãi về mặt chất lượng không chỉ lôi kéo nông dân bán hàng cho thị trường này mà còn thu hút các DN nước ta tập trung xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, phân tích: “Do các thị trường như Nhật, Mỹ, EU… cảnh báo chất cấm, trả hàng VN về nhiều vì chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng, đã làm nhiều DN thủy sản VN nản. Trong khi đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh của TQ lại không rõ ràng, dễ dãi. Chính vì vậy nhiều DN nước ta quay sang xuất khẩu cho TQ”.

Cách làm trên của DN có nguy cơ mang lại rủi ro cao. Ông Lĩnh cảnh báo: “Bài học cay đắng “bỏ hết trứng vào một giỏ” như gạo, trà ô long, trái cây… vẫn còn đó. Nếu chỉ chăm chăm chạy theo sản lượng, xuất được nhiều mà không chú trọng chất lượng và phụ thuộc vào một thị trường thì khi TQ ngưng nhập khẩu, DN Việt sẽ lãnh đủ”.

Lý giải về việc TQ tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ VN, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng do nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này của họ tăng cao. Đặc biệt có thể không đủ sản lượng xuất khẩu nên TQ cần nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để chế biến xuất khẩu và sản phẩm này mang thương hiệu TQ.

Thậm chí có ý kiến còn nhận định rằng TQ nhập cả nguyên liệu không đạt chuẩn về chế biến rồi xuất sang những thị trường dễ tính.

“DN chế biến xuất khẩu TQ hiện tại đang được chính phủ ưu đãi không phải đóng nhiều loại thuế nhằm kích thích xuất khẩu. Với lợi thế trên, DN nước này có thể mua thủy sản VN phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường khác” - ông Lĩnh nhận định.

Đừng chạy theo số lượng

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, thông tin phần lớn tôm, cá tra VN xuất khẩu sang TQ chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không thông qua các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch nên yêu cầu về chất lượng không nghiêm ngặt.

Thêm nữa, nếu họ bất ngờ đóng cửa biên mậu như đã từng xảy ra với một số loại nông sản khác sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN Việt. Đây là rủi ro lớn đối với xuất khẩu thủy sản VN.

“Tuy vậy, TQ vẫn là thị trường lớn và tiềm năng của thủy sản VN. Vì vậy để giảm rủi ro và khai thác tốt thị trường này, DN cần có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường một cách bền vững, không nên làm ăn kiểu chụp giật, không quan tâm đến chất lượng” - ông Hòe khuyến cáo.

Với góc nhìn khác, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, gợi ý DN không nên tập trung quá nhiều vào một thị trường. Mặt khác, nếu chạy đua về số lượng xuất khẩu sang TQ có khi sẽ mất nhiều hơn được.

“Đặc biệt nên chú trọng từ quy trình sản xuất giống đến sản xuất nuôi trồng, chế biến, bảo quản xuất khẩu để kiểm soát hóa chất, kháng sinh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính. Đồng thời mở rộng các thị trường mới chứ không chỉ chăm chăm bán sang TQ” - ông Lực khuyến cáo.

Bố trí tai mắt tại các thị trường

TQ bán được nhiều hàng một phần là nhờ họ xây dựng được mạng lưới chân rết, “tai mắt” ở các thị trường để cung cấp thông tin cũng như hướng dẫn, tiếp sức cho các DN của họ. Tai mắt ở đây chính là các thương lái, DN TQ tại thị trường mà họ đang làm ăn, buôn bán.

Trong khi đó các DN VN thì “sống chết mặc bây, mạnh ai nấy làm” nên xuất khẩu toàn phải qua DN nước ngoài, dẫn đến bị “ăn” hết lợi nhuận.

Không chỉ vậy, DN TQ còn đầu tư chế biến sâu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm được chế biến theo khẩu vị của từng thị trường nên có lợi thế hơn đối thủ khác.

Ông TRẦN VĂN LĨNH, Tổng Giám đốc Công ty
Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước

Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN sang TQ đạt hơn 500 triệu USD. Khoảng 10% sản phẩm thủy sản TQ nhập về được đưa vào nhà hàng, còn lại phần lớn tiêu thụ nội địa và dùng vào mục đích khác.

Theo QUANG HUY/Pháp Luật TP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh