THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:04

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,7 triệu ca mắc COVID-19

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 3.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 307,6 triệu ca, trong đó trên 5,5 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (296.097 ca), Mỹ (trên 235.000 ca) và Ấn Độ (180.438 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (763 ca), Mỹ (250 ca) và Mexico (202 ca).

Mỹ và châu Âu là hai khu vực đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt do biến thể Omicron lây lan nhanh. Trong số trên 1,7 triệu ca mắc trong 24 giờ qua thì có tới trên 1 triệu ca tại hai khu vực này. Tuy nhiên, diễn biến trong 2 ngày qua cho thấy dịch bệnh cũng đang có chiều hướng gia tăng tại châu Á, đặc biệt là Ấn Độ.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nicosia, CH Cyprus ngày 2/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nicosia, CH Cyprus ngày 2/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 620.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,49 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Các con số thống kê cũng cho thấy, kể từ khi các nhà khoa học Nam Phi lần đầu tiên thông báo về sự xuất hiện của biến thể Omicron hồi cuối tháng 11/2021, số ca mắc mới trên toàn cầu đã tăng tới 270%. Châu Âu, Mỹ và Canada hiện đang là "tâm dịch" của thế giới. Số ca mắc mới tại châu Âu chiếm 49% tổng số ca mắc mới của thế giới trong khi con số này của Mỹ và Canada là 33%. Tuy nhiên, trong tuần từ ngày 1 - 7/1, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận hơn 6.200 ca tử vong. Đây là mức thấp nhất trong 15 tháng tính từ tháng 10/2020.

Nhiều nước châu Âu đang sử dụng chứng chỉ COVID-19 như một công cụ thúc ép người dân phải đi tiêm mũi vaccine thứ ba. Quy định chung của châu Âu là chứng chỉ COVID-19 chỉ có giá trị nếu đã tiêm đủ 2 liều vaccine trước đó không quá 3 tháng. Riêng tại Đức, chứng chỉ có đầy đủ giá trị khi người dân tiêm đủ 3 liều vaccine. Pháp, Áo, Hà Lan, Italy, Cộng hoà Czech… cũng đều bổ sung các biện pháp khắt khe hơn so với chuẩn chung toàn châu Âu.

Nhiều nước châu Âu đang bắt buộc người dân tiêm mũi vaccine thứ ba. (Ảnh: AP)

Nhiều nước châu Âu đang bắt buộc người dân tiêm mũi vaccine thứ ba. (Ảnh: AP)

 

Bộ trưởng Bộ Gia đình và Dịch vụ Xã hội Phần Lan Krista Kiuru vừa cảnh báo, COVID-19 có thể trở thành một trong những bệnh mãn tính mới lớn nhất tại nước này. Những người được xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng các di chứng vẫn tiếp tục kéo dài sau đó. Bộ Gia đình và Dịch vụ Xã hội Phần Lan đã tham khảo bản tóm tắt của Hội đồng Chuyên gia Phần Lan về hơn 4.000 nghiên cứu quốc tế cho thấy, cứ hai người lớn thì có một người và khoảng 2% trẻ em có thể gặp các triệu chứng kéo dài liên quan đến COVID-19 Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan coi một bệnh là mãn tính khi nó có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế quốc gia.

Không giống như một số nước láng giềng ở EU, trong những tháng gần đây, Pháp chủ trương giữ cho các trường học của nước này mở cửa, không vội vàng đóng các lớp học có ca dương tính với virus SARS-CoV-2, cũng không kéo dài ngày nghỉ lễ để chờ các làn sóng dịch qua đi.

90% những người từ 12 tuổi trở lên ở Pháp đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi cũng đã được triển khai vào cuối tháng 12/2021. Tuy nhiên, việc nới lỏng quá mức các biện pháp phòng dịch đang gây ra nhiều khó khăn cho các trường học tại Pháp và phụ huynh học sinh trong thích ứng với dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach cho rằng, thật "ngây thơ" khi nghĩ rằng biến thể Omicron sẽ là dấu chấm hết cho đại dịch. Ông cảnh báo, các biến thể mới của virus gây đại dịch COVID-19 vẫn có thể xuất hiện. Người đứng đầu ngành y tế Đức khẳng định, tiêm vaccine bắt buộc là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch trong bối cảnh biến thể Omicron đang tiếp tục lan rộng ở Đức và trên toàn thế giới. Theo ông Lauterbach, việc đạt miễn dịch cộng đồng thông qua quá trình lây nhiễm không phải là giải pháp.

Số liệu thống kê của Viện Robert Koch (KRI) cho biết, Đức đã ghi nhận 30.812 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua và 60 người tử vong, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng do COVID-19 tại Đức lên 114.712 bệnh nhân. Tỷ lệ tiêm chủng của Đức hiện vẫn thấp hơn so với một số nước châu Âu khác với 71% dân số đã tiêm 2 mũi.

Bộ Y tế Cộng hòa Cyprus thông báo, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở nước này, được đặt tên là Deltacron. Biến thể mới có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron. Biến thể này được phát hiện ở 25 mẫu bệnh phẩm được lấy ở Cyprus sau khi giải trình tự gene của hơn 1.300 mẫu bệnh phẩm. Các nhà nghiên cứu cho biết, tần suất phát hiện biến thể cao hơn ở những người nằm viện, điều đó có nghĩa là có mối tương quan giữa Deltacron và nguy cơ nhập viện. Hiện biến thể này chưa bị đưa vào danh sách các biến thể đáng quan ngại.

Ngày 9/1, Israel công bố số ca mắc COVID-19 mới tại nước này trong ngày qua tiếp tục tăng cao kỷ lục lên 18.780 trường hợp. Mặc dù vậy, việc nới lỏng một loạt quy định phòng chống dịch vẫn được thực hiện như dự kiến.

Israel đã bãi bỏ lệnh cấm đi lại tới các nước có nguy cơ COVID-19 cao, được áp dụng từ cuối tháng 11/2021 sau khi phát hiện biến thể Omicron. Đồng thời, kể từ ngày 9/1, Israel bãi bỏ quy chế “đèn giao thông COVID-19” trong trường học, cho phép học sinh tiếp tục đến trường bất kể tỷ lệ lây nhiễm ở địa phương cao hay thấp. Trong trường hợp phát hiện một học sinh hoặc giáo viên bị nhiễm, học sinh chỉ cần làm xét nghiệm nhanh và sẽ không phải nghỉ học nếu kết quả âm tính.

Từ ngày 14/1 tới, Campuchia sẽ triển khai chương trình tiêm chủng mũi thứ 4 ngừa COVID-19 tại Phnom Penh. Đây là thông báo vừa được Bộ Y tế Campuchia đưa ra trong bối cảnh nước này vừa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng. Các đối tượng được tiêm mũi thứ 4 đợt đầu bao gồm cán bộ, nhân viên các cơ quan, ban ngành trung ương tại thủ đô; cán bộ, nhân viên ngoại giao, các tổ chức quốc tế, nhà báo hoạt động tại Phnom Penh.

Đối với 24 tỉnh còn lại, Bộ Y tế Campuchia đề nghị người dân chờ đến tháng 2 do hiện nay thiếu tủ lạnh bảo quản vaccine phân chia đi các tỉnh.

Ngày 9/1, số ca mắc mới COVID-19 ở Lào đã trở lại mức 3 con số. (Ảnh: AP)

Ngày 9/1, số ca mắc mới COVID-19 ở Lào đã trở lại mức 3 con số. (Ảnh: AP)

 

Bộ Y tế Lào ngày 9/1 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 924 ca mắc mới COVID-19 và 7 trường hợp tử vong, trong đó chỉ có 1 ca là người nhập cảnh. Sau vài ngày trở lại mức tăng 4 con số, số ca mắc mới tại Lào đã trở lại mức tăng 3 con số và giảm 142 ca so với ngày 8/1. Thủ đô Viientiane tiếp tục là tâm dịch với 354 ca mắc mới. Như vậy, đến nay tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 118.880 ca, trong đó có 487 người thiệt mạng.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ thị, tất cả các tỉnh trưởng phải chuẩn bị sẵn sàng trước nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 mới. Chỉ thị được đưa ra sau khi Bộ Y tế nước này nâng cảnh báo COVID-19 từ mức 3 lên mức 4 do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng. Tất cả các cơ sở y tế nhà nước phải chuẩn bị đội ngũ nhân viên y tế, sẵn sàng tình huống gia tăng số lượng bệnh nhân cần phải điều trị nội trú.

Ngày 9/1, thủ đô Bangkok mở 41 trung tâm cách ly cộng đồng với sức chứa lên tới hơn 5.000 người. Trong khi đó, các lực lượng quân đội, cảnh sát được giao nhiệm vụ ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, đồng thời giúp thiết lập các trung tâm hoạt động khẩn cấp COVID-19 ở thủ đô  Bangkok và các tỉnh khác trong trường hợp bùng phát dịch trên diện rộng.

Ngày 9/1, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch xét nghiệm 14 triệu dân thành phố Thiên Tân, gần thủ đô Bắc Kinh sau khi phát hiện 20 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 2 ca cộng đồng đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Dự kiến, thành phố Thiên Tân sẽ hoàn tất việc xét nghiệm cho người dân trong 2 ngày. Những người có kết quả âm tính sẽ được cấp mã y tế để được đi lại. Thành phố cũng khuyến cáo người dân không rời khỏi Thiên Tân nếu không có lý do chính đáng.

Ngày 9/1, Trung Quốc thông báo ghi nhận 165 ca nhiễm COVID-19 mới. Đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 103.619 ca mắc COVID-19, trong đó số người thiệt mạng là 4.636 trường hợp.

Ngày 9/1, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức cao mới với 28.707 người sau con số kỷ lục 26.458 ca mắc mới một ngày trước đó. Theo Bộ Y tế Philippines (DOH), tỷ lệ số ca dương tính với COVID-19 trên tổng số người tiến hành xét nghiệm cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục 44%. Kể từ đầu dịch đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã có tổng cộng trên 2,96 triệu ca nhiễm, bao gồm 52.150 bệnh nhân không qua khỏi.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh