THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:06

Một năm "vượt bão", xuất nhập khẩu về đích với kỷ lục mới, đạt gần 670 tỷ USD

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương sáng nay (9/1). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự và chủ trì Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo

Vượt nhiều chỉ tiêu, xuất nhập khẩu là điểm sáng

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương sáng 9/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Đặc biệt là tác động nghiêm trọng, chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra. Cùng với cả nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.  

“Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch đề ra), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Số lượng các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, với 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng 2 mặt hàng so với năm 2020). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện tích cực, khi tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 85,2% năm 2020 lên 86,2% năm 2021.

Hàng hóa của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu trên 80 tỷ USD); EU (xuất siêu trên 28 tỷ USD). 

Cùng với đó, năm 2021, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng của toàn ngành, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành động lực tăng trưởng mới, góp phần quan trọng trong việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu. Công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý thị trường và phòng vệ thương mại được quan tâm, triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ, hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh và bảo vệ quyền, lợi ích của quốc gia, dân tộc trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong năm 2021, lực lượng quản lý Thị trường (QLTT) phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng; tăng cường kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chất lượng và giá sản phẩm, an toàn thực phẩm…

Xuất nhập khẩu vượt bão đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Xuất nhập khẩu "vượt bão" đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Nhận diện rõ ràng thách thức

Cùng với những điểm sáng, trong bài phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại hạn chế của ngành Công Thương.

Đơn cử, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của sản xuất công nghiệp. Năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn. Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm, chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc kéo dài tại cửa khẩu. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa cao.

“Dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động dịch vụ và làm giảm cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước khiến doanh thu bán lẻ trong nước đạt thấp. Trật tự thị trường mặc dù được tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại (kể cả trên môi trường internet) vẫn còn diễn biến phức tạp”, Thứ trưởng Khánh nêu rõ.

Ngoài ra, công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập bước đầu đã có những đổi mới song vẫn còn những hạn chế. Sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là DNVVN chưa cao.

Công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính còn chậm đổi mới; Công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.

2

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhìn nhận, những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến phát triển của ngành.

"Bên cạnh đó, có sự bất cập từ chính nội tại của ngành trong nhiều năm qua, nay bộc lộ rõ nét hơn dưới tác động của dịch COVID-19. Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", ông Khánh nói.

Quyết tâm, nỗ lực hoàn thành mục tiêu năm 2022

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội thuận lợi và thách thức đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Dịch bệnh Covid-19 có thể diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dự báo lạm phát ở nhiều nước tăng cao.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương. Thứ nhất, tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản…

Trong đó, ngành điện lực và các đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; dứt khoát không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công điện 1813/CĐ-TTg ngày 24/12/2021).

Đặc biệt, quyết tâm đưa các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Duyên Hải 2… vào vận hành trong năm 2022 theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ. Sớm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan đánh giá sự an toàn và hiệu quả kinh tế dự án Mở rộng Thủy điện Hòa Bình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại văn bản số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021)…

Ngành dầu khí quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, chỉ đạo các nhà thầu, các doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm; tối ưu hóa quy trình công nghệ, tiết giảm chi phí, hạ giá thành; tăng thu ngân sách nhà nước, phấn đấu thu Ngân sách năm 2022 cao hơn năm 2021.

Thứ ba, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài.

Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các Bộ ngành đại phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Phó Thủ tướng lưu ý: “Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối… nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số”.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, ngành Công Thương cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật (các luật, nghị định, thông tư, các quy định của ngành) điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

8 giải pháp cho mục tiêu năm 2022

 

Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, được xác định là năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 ở mức 6 - 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau:

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7 - 8%;

kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6 - 8%;

cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư;

tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7 - 8%;

tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1 - 9,1%.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh