Trồng hoa lan giữa thành phố “mười mùa hoa”
- Văn hóa - Giải trí
- 10:02 - 07/01/2022
Hoa lan rừng ngày càng chiếm được sự quan tâm của những người yêu hoa bởi nét đẹp tinh khôi, đằm thắm, mùi thơm quyến rũ, tinh tế cả về kiểu dáng và màu sắc. Trên thị trường, rất nhiều người trồng hoa lan với nhiều chủng loại khác nhau. Nhưng vì rất hiếm người trồng hoa lan rừng thuần túy để kinh doanh vì năng suất không cao và chỉ ra hoa 1 lần vào cuối năm. Lan rừng lâu năm càng to, càng giá trị, màu đẹp tự nhiên, có mùi thơm quyến rũ nồng nàn, những người sành điệu thường săn lùng về trồng hay làm quà tặng rất sang trọng.
Tuy chỉ mới bắt đầu biết đến nghề trồng hoa lan rừng gần đây nhưng vườn lan của anh Phạm Văn Vương tại 62/6K, đường số 2, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) có nhiều đột phá, khác lạ và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Là một nông dân trẻ tuổi và nhạy bén, sau khi nắm bắt được kiến thức cơ bản, anh Vương đã dành riêng một phần đất của gia đình để trồng nhân giống thí điểm hoa lan rừng đột biến giá trị cao. Đến nay, với những kinh nghiệm tích lũy được, anh đã đầu tư hệ thống tự động tưới nước, thuốc và phân bón; xây dựng nhà lưới để giữ ẩm và nhiệt độ cho hoa.
Với diện tích 5.000 m2, vườn lan của anh Vương hiện có hơn 50.000 gốc lan rừng thuộc hơn 20 loại, trong đó có cả những loại lan quý hiếm như: Lan đột biến, kiều, ngọc điểm, phi điệp… được khách hàng rất ưa chuộng và tiêu thụ ổn định tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một phần thị trường Campuchia. Để thích ứng với khí hậu Sài Gòn, việc trồng lan cần có kiến thức nhất định. Mỗi loại lan rừng có quá trình sinh trưởng và phát triển khác nhau nên chế độ chăm sóc cũng khác nhau, có loại “cho ăn 1 tuần 3 bữa, 2 bữa dinh dưỡng và 1 bữa thuốc kháng bệnh”, có loại đơn giản hơn chỉ cần 1 ngày tưới 2 lần nhưng lượng nước vừa phải và đầu tư bể lọc nước trước khi tưới.
Những ngày đầu trồng và chăm sóc, anh thuê một kỹ sư cùng nhóm thợ kiên trì, chịu khó vừa làm, vừa học hỏi, nắm bắt kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào mô hình nuôi trồng. Lan rừng tự nhiên không giống các loại lan công nghiệp mà phải chăm sóc đến năm thứ ba mới bắt đầu cho thu hoạch. Với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 5 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí cho thu nhập khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng/năm.
“Lan rừng chỉ ra hoa dịp cuối năm, không đủ cung cấp cho thị trường nên phải nuôi dưỡng cho cây thật khỏe, bằng cách phân bón đầy đủ và hợp lý; đồng thời quan sát để phòng trừ nấm bệnh gây hại cho hoa. Vào mùa hoa nở, rất nhiều người đến tìm hiểu và mua loại hoa này. Vườn lan cũng là địa điểm mà giới văn nghệ sĩ thường lui tới giao lưu, tổ chức livestream, chia sẻ cùng bạn bè vào dịp cuối tuần”, anh Vương tâm sự.
Thời gian tới, anh Phạm Văn Vương dự định mở rộng quy mô nuôi trồng hoa lan để có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Anh còn ươm, bán lan giống, hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật cho nhiều người trồng lan phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống. Từ mô hình trồng lan rừng thành công, anh đã được chính quyền địa phương tuyên dương lao động tiên tiến giai đoạn 2016 - 2021.