CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:23

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 129.732 tỷ

 

Thông qua kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm tại các dự án BOT

 

Đó là thông tin được Tổng Kiểm Toán Nhà, Tiến sĩ Hồ Đức Phớc chia sẻ với báo chí  trước thềm Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI lần thứ 14) diễn ra vào ngày 19- 22/9/2018 do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai.

 Tiến sĩ Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm Toán Nhà cho biết, từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.240 tỷ đồng, trong đó, 2 năm 2016-2017, đã kiến nghị xử lý tài chính 129.732 tỷ đồng, chiếm 36,7% so với tổng số kiến nghị từ khi thành lập; 8 tháng đầu năm 2018 đã kiến nghị xử lý tài chính 32.595 tỷ đồng. Đặc biệt, kiến nghị xử lý tài chính trong những năm qua đã được phần lớn các đơn vị chấp hành nghiêm túc, số liệu thực hiện kiến nghị kiểm toán năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2015 tỷ lệ thực hiện là 64,3%, năm 2016 là 75,6% và năm 2017 là 78,2%).

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công, qua đó đã kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh kịp thời, bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Một số kết quả nổi bật trong thời gian qua được các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội quan tâm, như: Cơ chế về đối tác công tư; việc quản lý, sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng tài nguyên, khoáng sản; kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp; kiểm toán đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; các tổ chức tài chính - ngân hàng; kiểm toán công nghệ thông tin đã được chú trọng.

Kiểm toán, đánh giá về cơ chế đối tác công tư: Ngoài việc kiến nghị xử lý tài chính, truy thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ rõ một số tồn tại, lỗ hổng của cơ chế, chính sách liên quan tới loại hình đầu tư công, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Kiểm toán đánh giá công tác quản lý, sử dụng đất đai: Chỉ rõ việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch chung; không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phù hợp với quy định; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo; xác định giá đất còn nhiều bất cập, sai sót, hạn chế đã gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng... Đồng thời, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực đất đai.

Trong kiểm toán công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những bất cập làm giảm thu, thất thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời chỉ rõ các sai phạm thường xảy ra, như: Cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép thăm dò khoáng sản sai quy định; khai thác trái phép, vượt công suất, khai thác khi giấy phép đã hết hạn, vượt ranh giới, vượt trữ lượng cấp phép; việc xác định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản còn chưa kịp thời, chưa đúng quy định, trong khi công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, triệt để.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh