Trộn hóa chất sơn tường, dệt nhuộm để chăn nuôi
- Y học 360
- 03:51 - 03/09/2016
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ này cho biết, trong tháng 7/2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y tại phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai...
Qua đó, đã phát hiện 10 DN vi phạm việc sử dụng các hóa chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các hóa chất được phát hiện chủ yếu là NaHCO3, MgSO4, MnSO4, ZnSO4, CuSO4, FeSO4, CaCO3 dùng trong sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghệ giấy
Rất nhiều các hoá chất công nghiệp độc hại trộn vào thức ăn chăn nuôi.
Thanh tra Bộ đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 DN vi phạm, tổng số tiền xử phạt là 456 triệu đồng; đình chỉ việc bán các hóa chất công nghiệp cho các DN sản xuất TĂCN đối với hai DN hóa chất; buộc thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm vi phạm có chứa các hóa chất công nghiệp.
"Các hành vi này được nhận định là đang khá phổ biến, điều này thực sự đang trở thành vấn đề nổi cộm, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và gây hoang mang dư luận xã hội", ông Việt nhận định.
Theo ông Việt, hóa chất công nghiệp (đã được phát hiện) là các loại hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp như nhuộm màu sợi vải, nhuộm giấy; các loại hóa chất làm sơn, vôi ve quét tường; các loại hóa chất sử dụng trong sản xuất phân bón vô cơ…. Các loại hóa chất này rất phổ biến, được nhập chủ yếu từ Trung Quốc và được bày bán công khai tại các chợ đầu mối hóa chất.
Việc nhập khẩu, kinh doanh và bày bán các loại hóa chất công nghiệp hoàn toàn không vi phạm do hóa chất này được phép lưu hành, dùng trong công nghiệp. Tuy nhiên, sai phạm ở đây là người mua dùng sai mục đích. Trên thùng sản phẩm đều có khuyến cáo là chỉ sử dụng trong công nghiệp, không sử dụng cho TĂCN và thực phẩm nhưng các DN một phần do thiếu sự hiểu biết, hoặc do cố tình kiếm lợi.
Hiện tại, trên thị trường thì giá của 1kg hóa chất công nghiệp chỉ bằng 1/2 giá của hóa chất cùng loại dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, thậm chí giá chỉ rẻ bằng 1/3.
Ông Việt lưu ý, sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào chăn nuôi và thủy sản sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm động vật. Người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm động vật này sẽ bị tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; gây các triệu chứng dị ứng, ngộ độc; có thể gây ung thư khi trong cơ thể tích tụ hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép.