Báo động việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi
- Sức khỏe
- 22:03 - 14/06/2016
Bị cấm nhưng vẫn sử dụng tràn lan
Theo GS Đậu Ngọc Hào, Hội Thú y Việt Nam, trên thế giới không nước nào bán kháng sinh tự do như ở Việt Nam. Điều này cần thiết phải có lộ trình đưa kháng sinh vào dạng quản lý đặc biệt. “Nhiều ngành đã cấm đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên việc thực hiện lệnh cấm này không được giám sát, kiểm tra” - GS Hào nhận xét.
Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho hay: Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT (Cục Thú y) cũng đã triển khai dự án điều tra tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại năm tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình và Nam Định; kết quả triển khai cho thấy 100% số cơ sở chăn nuôi có sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho heo. 68% số cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng; 24,04% số cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, trong đó 1,23% số hộ trộn bằng kháng sinh dạng nguyên liệu.
Thịt lợn được nuôi bằng kháng sinh và thuốc tăng trọng rất có hại có sức khỏe.
Tình hình này cũng tương tự đối với thủy sản khi nhiều loại kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng được phát hiện lạm dụng tại công đoạn nuôi trồng thủy sản đối với cá nuôi (cá tra, cá rô phi, cá lóc), tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), tập trung chủ yếu tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh; kháng sinh cấm Chloramphenicol (CAP) bị phát hiện lạm dụng tại cả nuôi trồng thủy sản, bảo quản, lưu thông trên thị trường đối với thủy sản nuôi (tôm, cá), hải sản (cua, mực, bạch tuộc, ghẹ) và thủy sản khô các loại trên phạm vi cả nước.
Theo TS Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, hầu hết thuốc BVTV sử dụng ở Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ năm 2006 đến nay Việt Nam đã nhập khẩu trên 70.000 tấn thành phẩm/năm với giá trị từ 210 đến 774 triệu USD. Trên 90% thuốc BVTV được nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chưa kể một lượng lớn thuốc BVTV nhập lậu qua đường biên không kiểm soát được.
Hậu quả lâu dài đến sức khỏe
Tình trạng lạm dụng kháng sinh để phòng và điều trị bệnh, kích thích tăng trưởng cho vật nuôi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người đã được cảnh báo từ rất lâu. Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Mối nguy chính của lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi chính là sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Bất cứ kháng sinh nào dùng để chữa bệnh cho người và động vật, nếu còn tồn dư một lượng dù nhỏ nhất cũng có thể gây kháng thuốc của E.Coli. Khi E.Coli đã kháng thuốc thì nó có thể truyền plasmid kháng thuốc của nó cho các loại vi khuẩn gây bệnh khác sống trong đường ruột.
Sự tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trước tiên đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm. Nó gây ảnh hưởng ngay lập tức sau khi tiêu thụ sản phẩm như xảy ra phản ứng quá mẫn cảm đối với người nhạy cảm kháng sinh, gây dị ứng sau khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh… Bên cạnh đó, nó ảnh hưởng muộn hơn khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh như tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người tiêu thụ.
Người tiêu dùng thực phẩm từ động vật khó nhận biết được những sản phẩm có tồn dư kháng sinh nếu không có chuyên môn. Đặc biệt nguy hiểm đối với những người có sẵn cơ địa dị ứng với một số loại thuốc. Việc lạm dụng kháng sinh trong phòng và trị bệnh sẽ gây tồn dư với lượng quá mức cho phép và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình có Cloramphenicollà loại kháng sinh cấm sử dụng trên thế giới do gây thiếu máu suy tủy, ở những cá thể đặc ứng do di truyền có thể dẫn đến tử vong. Một số thuốc như Nitrofurans Quinoxalinedinoxides và Nitroimidazoles cần có sự kiểm soát nghiêm ngặt vì sự tích lũy thuốc do dùng lâu ngày có thể gây suy gan, suy thận thậm chí gây ung thư, đột biến gen. Theo báo cáo về y tế thì Penicillin là kháng sinh thường gây dị ứng nhất. Đã có nhiều trường hợp người bị nổi mẩn da trầm trọng vì uống sữa có dư lượng Penicillin. Có nhiều trường hợp gây ngứa da tay, da mặt sau khi ăn thịt bì có tồn dư Penicillin hoặc thịt lợn, thịt thú mới điều trị bằng Penicillin cách đó 3 ngày. Chính vì vậy, vấn đề này cần phải được bắt đầu giải quyết từ người nuôi gia súc, gia cầm. Khi đó, mới có hy vọng cải thiện được chất lượng của thực phẩm chế biến từ động vật cũng như tránh được tình trạng kháng kháng sinh cho người.
Một số kháng sinh bị lạm dụng trong chăn nuôi Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamin có thể giúp vật nuôi mau lớn, chuyển hóa làm tiêu mỡ, tăng khối lượng cơ, làm màu thịt đỏ tươi hơn nhưng gây ra tác hại khó lường với sức khỏe con người. Người ăn thịt lợn chứa chất tạo nạcsẽ gây: Tim đập nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, đau cơ, buồn nôn, ói, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp… Ngoài những chất tạo nạc trên, người nuôi còn sử dụng một số các loại kháng sinh tăng trọng có thể gây ung thư, đã bị cấm như Epstadiol, hay những kháng sinh có khả năng giảm mật độ tinh trùng, tăng hiện tượng đồng tính luyến ái, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim và có khả năng gây đột biến như Dexametazon, Tetaciline Thực tế hiện nay, trong chăn nuôi công nghiệp, người nuôi thường sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn, nước uống để phòng ngừa bệnh thường gặp như đường ruột, hô hấp, thậm chí là sử dụng những kháng sinh cấm, kháng sinh hạn chế sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT, điển hình như: Oxytetracyline, Enrofloxacine, Sunphadiazine,… Điều này khá nguy hại vì nếu vật nuôi bị bệnh, khi bị kháng thuốc, những bệnh này sẽ không khỏi mà có nguy cơ trầm trọng hơn. |