THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:41

CCB Nguyễn Văn Mức- người biến đất hoang thành đất vàng

Khi người lính trở về

Ông Nguyễn Văn Máy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) kể rằng, ông Nguyễn Văn Mức (xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc) là người giàu tình cảm, giàu tình yêu thương. Có lần ngồi trông ra đường thấy bà cụ lạ mặt có vẻ rách bươn, nghèo đói, lê la bước chân, ông Mức liền đưa vào nhà cơm bưng nước rót tử tế như người thân ruột thịt. Rồi lại chuyện ông Mức thu nhận người già cả, người bệnh, tật đang thất nghiệp về cưu mang, làm việc cho mình.

Đem chuyện nghe được ra, ông Mức cười bảo, có gì đâu, ai cũng phải sống, mình có miếng cơm ăn rồi thì mình chia sẻ cho người chưa có. Ấy cũng là lẽ thường, “lá rách đùm lá rách nát” thôi mà. "Thường thì tôi trả cho người khỏe mạnh mười lăm đồng, nhưng với anh chị không có sức khỏe như người ta thôi thì tôi trả cho anh chị mười đồng, nếu không chê thì ở lại làm việc với tôi, có rau thì cùng ăn rau, có cháo thì cùng ăn cháo”, ông Mức chia sẻ.

CCB Nguyễn Văn Mức bên chiếc máy làm nên cơ nghiệp

Tấm lòng người lính cụ Hồ là vậy. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, 18 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Văn Mức vác súng tòng quân. Được ví như quả đấm thép của Quân khu II, đơn vị ông đóng quân tại Hoàng Liên Sơn (phía Tây Bắc) rồi chuyển qua khu vực Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). Ngày ấy, đạn từ phía biên giới bắn vào y như mưa rào, xung quanh chỉ toàn là đạn, là sự hủy diệt và chết chóc. Ấy là chưa kể đến giây phút sinh tử cận kề, rồi những khi, một miếng lương khô chặt ra làm ba, một bát nước chia nhau uống, rồi ngọn rau đắng ngắt cũng chia nhau, nhưng… đượm tình.

Nhớ về những năm tháng chiến đấu ác liệt, gian khổ, kiên trung ấy, ông nghẹn ngào: Giữa chiến tuyến ác liệt, sát bên hông là đồng đội, trong tay là khẩu súng, trong đầu là ý chí xông lên. Vì lòng căm thù giặc ngoại xâm mà xông lên thôi chứ sức người cũng có giới hạn. Con người bằng da bằng thịt sao đỡ được đạn. Tôi cũng đã chứng kiến, một vài lượt đạn, lượt pháo nhìn lại thấy đồng đội đã nằm xuống cả rồi.

“Cuộc chiến tranh nào chả có mất mát, chả có hy sinh, nhưng tôi không nghĩ rằng đồng đội của mình hy sinh nhiều đến thế, nhiều đồng đội cùng chiến hào còn mãi mãi chôn vùi với mảnh đạn, nằm lại đất mẹ thiêng liêng. Những người còn lại như tôi hôm nay đã phải chứng kiến và có lẽ nó ám ảnh suốt cuộc đời”, ông Mức nghẹn ngào.

Thế rồi, tiếng súng nơi biên viễn chấm dứt. Năm 1985 người cựu chiến binh ấy trở lại quê hương. Là người năng động, nhiệt huyết, ông đã tham gia làm kinh tế và làm công tác xã hội tại địa phương. Rồi, chẳng hiểu có phải do chiến tranh, do yêu quý mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc hay do đồng đội vẫy gọi, ông quyết định chuyển cả gia đình lên Hà Giang, nơi mặt trận năm xưa để lập nghiệp.

CCB Nguyễn Văn Mức bên ảnh Bác Hồ do Phó Chủ tịch nước trao tặng

Ở vùng đất mới, ông chăn nuôi, phát rừng, trỉa hạt làm nương. Ông bảo, “ngày ngày ra ngắm núi sông mà nhớ đồng đội. Có khi chiều tà, lúc nửa đêm tỉnh giấc giật mình vọng tưởng tiếng súng đâu đây, tiếng đồng đội vỗ vai lay gọi”. Và một ngày kia, ông nhận ra, với mình, chiến tranh như vậy là quá đủ, tài sản trên vùng đất mới có gì ông cho hết. Năm 2005 ông lại trở về với nơi chôn nhau cắt rốn.

Đi lên từ đất hoang

Giữa lúc thiên hạ đã có của ăn của để thì ông Mức trở về, nhưng về với hai bàn tay trắng. Ông mạnh dạn vay vốn để khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh máy công trình, máy nông nghiệp. Nhưng hướng ông kinh doanh đã lỗi thời, và một lần nữa ông lại rơi vào thất bại, nợ nần đầm đìa, chồng chất. Ngồi nhìn “lãi mẹ đẻ lãi con”, người cựu binh ấy không đành lòng, vẫn nung náu ý chí vươn lên làm giàu.

Người dân ở đây lúc này đang chuyển sang làm công ty, mở xưởng lắp ráp, sửa chữa máy móc, ô tô và từ chối ruộng đồng. Mặt khác, có nhiều lao động là người già, họ không thể xin vào công ty được nữa. Nhận ra đây là cơ hội, “tấc đất tấc vàng” chính là đây, một là có lực lượng lao động có kinh nghiệm tại chỗ, lại nhiều đất, thế là cứ người nào bỏ đất ra ông lại đi mua, thuê, thu gom về. Thời điểm cao nhất ông thu được hàng trăm nghìn mét vuông. Những máy móc, nông cụ mua về kinh doanh không được, ông lần lượt lấy ra sử dụng.

CCB Nguyễn Văn Mức trong buổi vinh danh các doanh nhân CCB tiêu biểu

Nhưng để thoát nghèo từ nông nghiệp đâu phải dễ dàng, đâu phải ngày một ngày hai là xong. Ông kể: Tôi đã lặn lội vào Đà Lạt, vào Sài Gòn, rồi vùng Hải Dương, Hưng Yên học hỏi làm nông nghiệp. Tôi cũng tự rút kinh nghiệm cho mình nên trồng cây gì, gieo hạt gì, ngoài cây lúa, cây khoai mình nên làm gì,… Cuối cùng thì cánh đồng lúa của tôi hiện tại cũng cho năng suất cao. Nếu như trước đây đất bị bỏ hoang, lãng phí, hoặc năng suất thấp chỉ hơn 1 tạ/sao thì nay năng suất điều đạt trên 3 tạ/sào, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch gần trăm tấn lúa cung ứng cho thị trường. Trong những năm trở lại đây, nắm bắt xu thế thay đổi của thị trường, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng nông sản sạch, đảm bảo, tôi đã tự mình vào tận trong Đà Lạt để mang giống khoai tây có năng suất cao về trồng trên cách đồng màu mỡ của mình, bước đầu cho năng suất cao, đáp ứng thì trường tại địa phương và đang mở rộng ra các tỉnh lân cận.

Với những gì đã và đang thực hiện, ông Mức được UBND xã Đồng Văn tin tưởng giao cho chức vụ Tổ trưởng tổ dịch vụ, quản lý, phát triển nông nghiệp tại địa phương. Ngoài ra, ông hiện đang còn quản lí điểm xử lí môi trường trên địa bàn xã. Nhưng, chưa dừng lại ở lúa và hoa màu, nhận thấy sự phát triển mạnh từ các dịch vụ tại địa phương cùng với vị trí thuận lợi của gia đình, ông lại “lấn sân” sang kinh doanh dịch vụ ăn uống, bằng chứng là gia đình ông đang sở hữu một nhà hàng rất khang trang.

Các mô hình đều đem lại thu nhập cho người cựu binh ấy ngót nghét tỉ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục, thậm chí đúng vụ có hàng vài trăm lao động tại địa phương, giúp địa phương giảm bớt gánh nặng, khó khăn và cùng bà con làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Bản thân ông luôn tâm niệm “mình giúp người khác cũng như đang giúp mình, dân bớt khổ mình cũng thấy nhẹ nhõm và sung sướng”.

Đúng như ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đã nói, cựu chiến binh Nguyễn Văn Mức không chỉ là một người làm kinh tế giỏi, sống có tình nghĩa với anh em, bạn bè, người dân địa phương mà ông còn đảm nhận những vị trí chủ tốt trong hợp tác xã dịch vụ, là tấm gương điển hình của tư duy vượt khó, dám nghĩ dám làm. Với những gì đã làm, ông được Hội Cựu chiến binh huyện Yên Lạc trao tặng danh hiệu: “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Đặc biệt, ngày 9/1/2017 vừa qua, ông là một trong số ít các đại biểu tiêu biểu tham dự Hội nghị doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu và nhận ảnh lưu niệm về Bác Hồ do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng. Và, ngày 28/2 này ông cũng là đại biểu đi Singapore tham dự Chương trình Giao lưu hữu nghị, hợp tác kết nối đầu tư Việt Nam – Singapore.

LÊ HUỆ - HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh