Trở thành "doanh nhân vi mô" từ nửa chỉ vàng
- Dược liệu
- 13:21 - 09/12/2016
Chị Phùng Thị Thủy, sinh năm 1987, ở thôn Trùng, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa từng thuộc diện “nghèo được cấp sổ”. Sống trong căn nhà chừng 18 m2, thu nhập chính của vợ chồng chị là từ tiền đi làm công chặt cọc luồng của người chồng.
“Năm 2013, con còn nhỏ, tôi chẳng biết làm gì để có thêm thu nhập đỡ đần chồng, mua sữa cho con và trang trải chi phí gia đình. Đúng lúc một chị cùng thôn giới thiệu kênh vay vốn của chương trình Tài chính vi mô của tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam, một trong nhưng kênh dễ vay, dễ trả nhất trên địa bàn huyện lúc đó”, chị Thủy kể.
Trước khi vay vốn, gia đình chị Thủy trông vào thu nhập từ làm thuê, chặt luồng của chồng chị
Vì chương trình bắt buộc trả dần cả gốc lãi đều hàng tháng nên vợ chồng chị chỉ dám vay ban đầu 3 triệu đồng để nuôi lợn. Mua 3 con lợn thịt và 1 con lợn nái để gây giống, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nuôi, sau 6 tháng anh chị mới bán được lứa lợn thịt đầu tiên.
Tiếp tục nuôi thêm một lứa nữa, sau 5 tháng bán lứa thứ hai cũng là lúc chị Thủy trả hết vốn lãi cho chương trình và mạnh dạn vay tiếp vòng hai để mở rộng quy mô.
“Lần này tôi đã rút được kinh nghiệm, tham gia tổ nhóm tiết kiệm, lại được tập huấn kiến thức nên thời gian nuôi lợn của gia đình tôi ngày một rút ngắn. Chăm sóc đúng kỹ thuật nên lợn lớn rất nhanh. Đến cuối năm 2014 gia đình tôi đã thoát nghèo”, chị Phùng Thị Thủy cho biết.
Chị Thủy hiện đang nuôi trung bình mỗi năm 6 - 7 lứa lợn, nuôi 7 con lợn nái cung cấp cho người dân trong thôn khoảng 70 con lợn giống. Chị định cuối năm nay mua thêm 5 con lợn nái nữa.
“Tôi mua ngô, chuối, rau của bà con trong vùng để chế biến thức ăn cho lợn, không dùng bột thức ăn gia súc bán sẵn, vì thế thịt lợn của tôi luôn đảm bảo sạch, không có chất gây hại đến sức khỏe”, chị Thủy khẳng định.
“Tôi cũng thay đổi cách thức nuôi. Trước nuôi hết lứa này bán xong mới nuôi lứa khác thì không có đủ nguồn lợn và giống để cung cấp cho thị trường. Giờ tôi đổi sang nuôi gối (nuôi kế), cứ sau 2 tháng lại đầu tư lứa khác để thường xuyên có sản phẩm bán”.
Bên cạnh nuôi lợn, anh chị còn mở thêm một cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc để phục vụ bà con trong thôn, giúp bà con tiết kiệm chi phí đi lại, tránh bị lái buôn ép giá.
Giờ đây chị Thủy là một doanh nhân, cung cấp con giống cho bà con trong xã
Như vậy, sau 4 lần vay của chương trình Tài chính vi mô với tổng vốn 36 triệu đồng, đến nay gia đình chị đã có thu nhập trung bình 250 triệu đồng/năm, tổng tài sản là 540 triệu đồng.
Chị Phùng Thị Thủy nhớ lại những ngày đầu khó khăn: “Khi thử nghiệm nuôi lợn nái theo phương thức mới, nhiều anh em trong nhà lo lắng khuyên không nên ‘liều lĩnh’, nếu không thành công thì đã nghèo lại càng nghèo hơn”.
Nhà chị Thủy ở vùng trũng hay ngập lụt nên xây chuồng trại, mở rộng chăn nuôi cũng không dễ, đến mùa mưa lũ là phải tính phương án di chuyển lợn. Mấy năm nay, thời tiết thay đổi, mùa nắng nóng hơn còn mùa lạnh lạnh hơn, chị phải che chuồng trại cho lợn vào mùa đông.
Nhưng nhìn vào thành quả hôm nay, chị hào hứng: “Dù hoạt động sản xuất kinh doanh của mình chưa lớn như nhiều người khác, nhưng tôi chính là một doanh nhân. Tôi cảm thấy tự hào khi được gọi là doanh nhân vi mô”.