Trò chuyện cùng GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ nhân dịp năm mới 2021
- Dược liệu
- 16:02 - 14/02/2021
Nhân dịp năm mới 2021, phóng viên Báo Lao động và Xã hội đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ.
* Xin bà cho biết kết quả công tác dự báo và giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ) trong năm 2020?.
- Giám đốc Trần Thị Xuân Mai: Năm 2020, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 60.893 NLĐ (trong đó, cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 282 người), đạt 121,1% kế hoạch (giảm 20,2% so với năm 2019).Cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 282 người, đạt 100,71% kế hoạch năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới và đào tạo 53.793 người, đạt 107,59% kế hoạch; xây dựng 45 căn nhà và sửa chữa 174 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách từ nguồn vận động xã hội hóa với tổng kinh phí 5,810 tỷ đồng; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Ngành LĐ-TB&XH đã chỉ đạo kịp thời chuyển đổi phương thức phục vụ doanh nghiệp, NLĐ thực hiện chính sách BHTN đúng quy định, đảm bảo an toàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; tiếp nhận 14.070 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, tăng 26,27% so với năm 2019; ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 13.558 người, tăng 22,43% so với năm 2019; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 66.546 lượt người thất nghiệp, tăng 472,34% so với năm 2019 và hỗ trợ học nghề đối với 1.478 người, tăng 62,78% so với năm 2019.Đối với việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ khẩn trương phối hợp với 10 doanh nghiệp, đơn vị tổ chức 3 ngày hội tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thu hút 300 lao động tham gia ở quận, huyện và 384 học sinh, sinh viên các trường đào tạo, giáo dục chuyên nghiệp.
Tổ chức tuần lễ việc làm dành cho lao động đi học tập và làm việc ở nước ngoài với 22 người được tư vấn, tổ chức hội thảo các doanh nghiệp đưa lao động TP. Cần Thơ đi làm ở nước ngoài để khởi động lại công tác tạo nguồn tư vấn và tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài với 12 doanh nghiệp tham dự; đưa ra các chính sách hỗ trợ lao động từ phía doanh nghiệp khi đăng ký tham gia các chương trình việc làm ở nước ngoài.
* Những năm qua, công tác đào tạo nghề cũng gặt hái nhiều thành công, vượt chỉ tiêu đề ra. Vậy năm 2020, lĩnh vực đào tạo nghề của TP. Cần Thơ được triển khai thế nào, thưa bà?
Năm qua, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được tăng cường. Mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố và phát triển. TP. Cần Thơ đã tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GDNN; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực phụ trách đối với Phòng LĐ-TB&XH thuộc UBND cấp huyện và cơ sở GDNN trên địa bàn.
Đồng thời, ngành LĐ-TB&XH luôn đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo nghề trong tình hình mới do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố; tổ chức ngày Hội hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh năm 2020 với hơn 3.000 học sinh - sinh viên (HSSV); phối hợp ngành GD&ĐT TP. Cần Thơ tổ chức phân luồng học sinh vào học nghề; thực hiện gắn kết doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề.TP. Cần Thơ có 14 sinh viên được Tuyên dương có thành tích xuất sắc năm 2020 và có đoàn tham gia Hội thi kỹ năng nghề HSSV toàn quốc đạt 1 giải Khuyến khích; tổ chức lớp bồi dưỡng chính trị hè năm 2020.
Nhờ đó, trong năm 2020, các cơ sở GDNN đã tuyển mới và đào tạo 53.793 người, trong đó nữ có 23.120 người, đạt 107,59% kế hoạch; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế quốc dân đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 59%, đảm bảo chỉ tiêu đề ra.
* Bước sang năm 2021, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều thách thức cho ngành LĐ-TB&XH, đặc biệt là công tác giới thiệu việc làm và đào tạo nghề. Bà có thể chia sẻ một số giải pháp và mục tiêu đối với lĩnh vực này?
Năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH nhận định mục tiêu công tác lao động, người có công và xã hội là bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt, thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phát triển kinh tế xã hội thời kỳ "hậu Covid-19"; nâng cao chất lượng GDNN, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện phải tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Đối với lĩnh vực lao động, năm 2021, dự kiến 50.300 lao động được giải quyết việc làm. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, Ngành LĐ-TB&XH tập trung nâng cao chất lượng dự báo, thông tin thị trường lao động và thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch lao động, phân bố hợp lý lao động thích ứng với trạng thái lao động, việc làm và an sinh xã hội giai đoạn mới "hậu Covid-19"; tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu nhân lực với khu vực và cả nước; tiếp tục đầu tư cho Trung tâm Dịch vụ việc làm, nâng cao chất lượng lao động việc làm công.
Thực hiện các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ việc làm đối với các nhóm lao động yếu thế, nhất là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; chú trọng tăng cường kỹ năng cho NLĐ; hỗ trợ chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp; thực hiện hiệu quả việc cho vay vốn từ Quỹ quốc gia Về việc làm.Tiếp tục quan hệ đối tác để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chú trọng các thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của NLĐ TP. Cần Thơ; làm tốt công tác đào tạo nguồn lao động, gắn với nâng cao năng lực và chất lượng nguồn nhân lực để đưa đi làm việc ở nước ngoài; có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với lĩnh vực đào tạo nghề, phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76% (trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 60%). Củng cố và phát triển hệ thống GDNN, quan tâm nâng cao kết quả và chất lượng đào tạo nghề của các Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn.
Tăng cường hợp tác 3 bên giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp và Trung tâm Dịch vụ việc làm; đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ; kết nối đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kiểm tra, giám sát hoạt động GDNN của các cơ sở GDNN.Tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho lao động, nhất là các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp...
Chú trọng công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh và liên thông đào tạo; trong đó đẩy mạnh phân luồng học sinh THCS và THPT và các cơ sở GDNN.
Trước thềm năm mới, tôi kính chúc Ban Biên tập, Phóng viên cùng Bạn đọc mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng./.
* Trân trọng cảm ơn bà!