CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:01

Trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc

Chiều 2/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc với nhận định ông này không trung thực báo cáo việc có quốc tịch đảo Síp, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Sau khi nghe tờ trình, các đại biểu thảo luận ở Đoàn việc bãi nhiệm đối với ông Quốc.

Được biết, ông Phạm Phú Quốc vắng mặt khi Quốc hội tiến hành quy trình bãi nhiệm. Ông Quốc cũng không tham gia họp trong đợt 2 này và cả đợt 1 họp trực tuyến (từ ngày 20 đến 27/10).

Cụ thể, đầu giờ phiên họp buổi chiều 2/11, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý thay mặt Ủy bạn Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tờ trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Sau đó, các đại biểu thảo luận tại đoàn về việc bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc.

Theo Ủy bạn Thường vụ Quốc hội, sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hòa Síp và đã có quốc tịch Cộng hoà Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội.

Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc, theo nhận định của UB Thường vụ Quốc hội, là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và nhân dân, khiến uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút. Cử tri, nhân dân, thông qua UB Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc.

Chiều nay (3/11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Quốc hội sẽ bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tiếp đó, sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Cuối tháng 8 vừa qua, Hãng tin Al Jazeera (Qatar) đăng một loạt bài viết dẫn từ tài liệu mật thu thập được, gọi là “The Cyprus Paper” (Hồ sơ Cyprus) cho biết chương trình hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp) cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này.

Đại biểu Phạm Phú Quốc được cho là đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ năm 2018.

Sau khi báo chí phản ánh, cuối tháng 8, ông Quốc có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và có đơn giải trình báo cáo các cơ quan chức năng.

Tới đầu tháng 9, ông Quốc cũng có đơn xin thôi việc và các nhiệm vụ do Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh phân công tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Bến Thành TNHH MTV.

Năm 2019, ông Phạm Phú Quốc được bổ nhiệm làm là Tổng Giám đốc Công ty IPC.




Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh