THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:53

Hai bộ trưởng nói về nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung

Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận tại tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021….

Hai bộ trưởng nói về nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà

Hoạt động nhân sinh làm trầm trọng thêm hậu quả thiên tai

Tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng nguyên nhân gây sạt lở là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục ở khu vực miền Trung. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.

"Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài", ông Hà cho hay.

Khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình như đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, nhiều loại đất đá cổ bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều.

Ngoài ra, các hoạt động nhân sinh (xây dựng đường xá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác...), cả quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc... cũng đóng vai trò ngày càng lớn làm trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.

“Với những dạng tai biến thiên tai cực đoan, cần các nhà khoa học đánh giá kỹ hơn đối với địa chất mỗi khu vực khi phát triển các công trình hạ tầng để có thể đối phó và đưa ra những giải pháp phòng ngừa”, ông Trần Hồng Hà nhận định.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn đề nghị xem xét lại cơ cấu rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, tăng độ che phủ và chú ý chất lượng rừng.

“Rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng và phòng hộ có ý nghĩa lớn của chúng ta. Vấn đề thống kê, kiểm kê đất đai cần đầu tư hơn để đánh giá chính xác chất lượng rừng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hai bộ trưởng nói về nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung - Ảnh 2.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Thuỷ điện đã cắt lũ đến tới 55%

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, tính dị thường và cực đoan của thời tiết, mưa đạt đỉnh 2.000 - 3.000m liên tục nhiều ngày ở miền Trung - khu vực địa chất yếu là nguyên nhân rất lớn gây nên sạt lở đất.

Theo ông Trần Tuấn Anh, một số thông tin hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt "là cách viết thông tin trên truyền thông". 

“Thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn, như hồ thủy điện Đắc Mi 4 có thời điểm nước về hồ lên tới 17.000m3/giây, nhờ khả năng điều tiết, chứa nước đã cắt lũ đến tới 55%, không thì ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu", ông Tuấn Anh dẫn chứng.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của hoạt động kinh tế xã hội, dân sinh ảnh hưởng tới môi trường, bao gồm các công trình thủy điện, giao thông..

Theo ông, tác động của hoạt động kinh tế xã hội tới môi trường là vấn đề phải đánh giá kỹ. Song, ông khẳng định tính dị thường, cực đoan của thời tiết là một nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt.


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh