THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:54

Triển vọng thương mại Việt - Anh: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu Brexit và Covid-19

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Triển vọng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu Brexit và COVID-19” tổ chức trao đổi, tọa đàm với các khách mời trực tiếp và trực tuyến. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những con số ấn tượng 

Thương mại Việt Nam – Anh trong năm 2021 vẫn ghi nhận nhiều bước chuyển rất tích cực. Với việc Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi, thương mại hai nước vẫn tăng trưởng ấn tượng bất chấp việc chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do đai dịch COVID-19.

Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6,02 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD tăng 15,6%; nhập khẩu đạt khoảng 778,2 triệu USD tăng 27,3%. Về đầu tư, Tính đến tháng 11 năm 2021, Vương quốc Anh có tổng cộng 447 dự án đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, chiếm 1,3% số dự án FDI của cả nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt gần 4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.

Đầu tư của Anh tại Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu việc Anh rời EU.

Về chính sách của Anh trong bối cảnh hậu Brexit và Covid-19, ngày 16/3/2021, Thủ tướng Anh công bố Chiến lược: “Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh”, nhấn mạnh trọng tâm chiến lược hướng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với việc tăng cường hợp tác với các nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, Anh đã nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Anh đang có nhiều cơ hôi để đầu tư, hợp tác làm ăn với một số thị trường phát triển nhanh, trong đó có Việt Nam.

Bối cảnh thuận lợi cho doanh nghiệp Việt

Phát biểu từ đầu cầu London, ông Ian Gibbon, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Anh-ASEAN chia sẻ: Trong suốt thời gian đóng vai trò trung gian thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và UK, ông Ian nhận định chưa bao giờ quan hệ kinh tế hai nước được thúc đẩy đến mức này.

Hàng loạt các chuyến thăm cấp cao đã được diễn ra cấp Thủ tướng, Bộ trưởng, Quốc vụ khanh giữa hai nước trong năm nay. Tất cả đều nhấn mạnh tầm quan trọng về quan hệ kinh tế giữa hai nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu thay đổi như hiện nay.

Đồng thời, để cùng đồng hành đối phó với đại dịch COVID-19, Astra Zeneca đã cam kết đầu tư 90 triệu USD hỗ trợ năng lực sản xuất dược phẩm của Việt Nam. Tất cả những điều này đều khẳng định một tươi lai đầy triển vọng và tươi sáng cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương Quốc Anh nhận định, Hiệp định Thương mại UKVFTA đã kịp thay thế EVFTA từ ngày 1/1/2021 để duy trì ưu đãi cho giao thương với Việt Nam và Anh.

Hơn thế nữa, Chính phủ Anh đang thực hiện chính sách tự do hóa thương mại cởi mở hơn, tự do hóa nhanh hơn, khuyến khích doanh nghiệp Anh củng cố quan hệ mạnh mẽ hơn nữa với các nước thuộc khu vực thương mại phát triển năng động trên thế giới trong đó có Việt Nam.Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải quan tâm nghiên cứu kỹ về những quy định về tiêu chuẩn của Anh. Cụ thể hơn, thủ tục về chấp thuận các loại giấy chứng nhận, thủ tục kiểm soát hải quan, động thực vật, khai báo thuế, nộp thuế, tất cả những quy định này sẽ phải theo hướng dẫn mới từ phía Anh.

Chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội và chia sẻ thực tiễn từ doanh nghiệp

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) đề cập đến vấn đề chuyển đổi số doanh nghiệp hay áp dụng công nghệ để thích nghi trong thời điểm dịch COVID-19, cũng như tận dụng tối đa được Hiệp định để mở rộng thị trường sang Anh thành công.

Về những khả năng hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã có những chia sẻ, với bề dày kinh nghiệm của mình (hoạt động toàn cầu 160 năm và 117 năm ở thị trường Việt Nam), Standard Chartered có thể hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tăng cường dòng chảy thương mại với Vương quốc Anh, tham gia vào chuỗi cung ứng giữa hai nước.

Trong quá trình đó, công nghệ đóng vai trò then chốt quan trọng. Standard Chartered đã áp dụng những công nghệ mới nhất giúp kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy giao thương. Những giải pháp công nghệ này đã được Standard Chartered áp dụng thành công ở thị trường nước ngoài và đang có kế hoạch áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways, ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc cấp cao phụ trách thương mại, Bamboo Airways cũng có những sự chia sẻ. Bamboo Airways từ khi thành lập đã có tầm nhìn vươn ra thế giới và cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam để vươn tới thị trường nước ngoài.

Bamboo Airways đang triển khai áp dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến, hướng tới chất lượng dịch vụ 5 sao phục vụ khách hàng, trong đó có hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa sang Vương quốc Anh.

Có thể nói, việc ký kết mở đường bay thẳng tới Anh trong chuyến thăm Anh, Pháp vừa rồi của Thủ tướng Chính phủ, Bamboo Airways không phải chỉ chấp nhận rủi ro mà đã có những tính toán, tận dụng cơ hội từ Covid-19 để hiện thực hóa tầm nhìn của mình.

Cẩn trọng với rủi ro và đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh

Theo bà Ngô Thị Thu Thủy, Giám đốc toàn quốc Phát triển Kinh doanh Tài trợ Thương mại HSBC Việt Nam, đã có những tư vấn bổ ích cho các doanh nghiệp trong giao thương với các đối tác nước ngoài, trong đó có thị trường Anh.

Đó là, cần tận dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để có thông tin tốt về đối tác. Các ngân hàng hoạt động thương mại toàn cầu lâu năm như HSBC thường có mạng lưới rất tốt hỗ trợ cho việc này. Ngoài ra, phương thức thanh toán LC (tín dụng thư – letter of credit) vẫn sẽ là một số các phương thanh toán quốc tế truyền thống nhưng hiệu quả, giúp đảm bảo khả năng thanh toán của người mua hàng.

Liên quan đến vấn đề thanh toán và xử lý đơn hàng với khách hàng bằng cách nào để an toàn nhất, bà Hoàng Hương Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, May 10 đã có hoạt động xuất hàng và kinh doanh rất thuận lợi với phía Anh từ năm 2009 và cho đến nay.

Trong quá trình thương mại, hình thức thanh toán chủ yếu mà doanh nghiệp sử dụng vẫn chủ yếu là LC. Thêm vào đó, bà Giang lưu ý các doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang cần đầu tư nhiều hơn về yếu tố “Đội ngũ bán hàng và thiết kế”, do đặc thù mặt hàng may mặc, bộ phận thị trường cùng bộ phận thiết kế sẽ làm việc với khách hàng để cho ra đời những mẫu sản phẩm và chào giá phù hợp và nhanh nhất.

Thị trường Anh khá khó tính, họ yêu cầu hệ thống quản lý của nhà máy và tiêu chuẩn đánh giá vô cùng chặt chẽ, vì vậy May 10 luôn phải chấp nhận trải qua những đợt đánh giá hàng năm về trách nhiệm xã hội, an toàn sức khỏe người lao động.

Đại diện phía doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài, Dario Miraglia, Giám đốc Thương mại, Vestey Foods International, một doanh nghiệp lớn tiêu biểu của Anh trong nhập khẩu, phân phối, thực phẩm, rau củ đã có những chia sẻ về những việc doanh nghiệp Việt Nam cần làm để đáp ứng được các nhu cầu nhập khẩu của Anh, cùng các yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chuẩn cần đáp ứng để cạnh tranh được tại thị trường đầy tiềm năng này.

Thị trường tiềm năng về công nghệ thông tin

 

Ông Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn FPT, chia sẻ rằng từ nay đến năm 2023, FPT sẽ đạt doanh số khoảng 100 triệu bảng, FPT cũng mong muốn sẽ thực hiện được một số vụ M&A, trong đó có tính đến thị trường Anh do FTA có quan điểm cho rằng M&A cũng là một phương thức đầu tư phù hợp để tăng cường quy mô.

Thị trường Anh hiện đang là thị trường công nghệ thông tin quy mô lớn nhất thế giới. Mức chi tiêu vào IT năm 2020 đã đạt 950 tỷ USD, đến năm nay dự kiến khoảng 1.000 tỷ USD, đây là số tiền cực lớn mà phía doanh nghiệp Anh sẵn sàng chi tiêu cho công tác chuyển đổi số. London cũng là trung tâm tài chính lớn của thế giới.

Các fintech mới nhất sẽ được phát triển ở Vương quốc Anh. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào Anh đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Về phương diện này, Pháp và Đức cộng lại cũng không bằng Anh.

Đây cũng là một gợi ý cho các doanh nghiệp, start-up của Việt Nam có thể lưu tâm nghiên cứu đầu tư sang thị trường Anh tại lĩnh vực này.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh