THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:32

Triển vọng Kinh tế Việt Nam 2017: Tăng trưởng hồi phục

 

Theo phân tích của các chuyên gia của HSBC, khởi đầu năm 2016 khá khó khăn đối với Việt Nam khi trận hạn hán tồi tệ nhất trong gần thập kỷ qua đã ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động kinh tế

 

 

Nhưng đến quý III, những ảnh hưởng của trận hạn lịch sử này bớt dần và tăng trưởng kinh tế từ từ hồi phục đạt mức tăng 6,6% so với năm trước. Sản xuất công nghiệp đã bình thường lại, tương tự đối với việc làm và tiêu thụ ở mảng nông thôn.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục giành thị phần toàn cầu ở một số mặt hàng trọng điểm, từ quần áo đến mặt hàng điện tử, phản ánh phần nào sự hội nhập của nền kinh tế trong nước vào chuỗi cung ứng khu vực của các công ty đa quốc gia. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh cao của Việt Nam cũng là yếu tố thu hút quan trọng, giúp Việt Nam giải ngân dòng vốn FDI đạt kỷ lục trong năm 2016. Các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu đến từ ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. 
Nói chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá lạc quan. Nhưng câu hỏi vẫn còn đặt ra là "làm sao để Việt Nam phát triển bền vững?". Theo các chuyên gia của HSBC, để trả lời câu hỏi này, đầu tiên chúng ta phải thừa nhận tầm quan trọng của chi tiêu công ở Việt Nam. Nếu không tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế tốc độ nhanh sẽ không thể bền vững. Tăng trưởng chi tiêu công mạnh mẽ cũng là nền tảng trong việc giữ nhu cầu trong nước sôi nổi. Chi tiêu công và các chính sách thuế chính vì vậy cũng rất quan trọng. 
Theo HSBC, cải cách xung quanh tài chính công không nên chỉ bao gồm quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ, mà còn phải cổ phần hóa nhanh các doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài việc giúp tăng doanh thu, việc bán cổ phần Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp giảm những gánh nặng chi phí tiềm năng trong tương lai như các khoản trợ cấp, và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước.
Hiện tỷ lệ thoái vốn trung bình ở các doanh nghiệp Nhà nước là 8%. Như vậy, Nhà nước vẫn nắm giữ 92% vốn điều lệ sau cổ phần hóa. 
Trong những ngày cuối cùng của năm 2016, Chính phủ đã ban hành một quyết định công bố tỷ lệ tổng sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp được lên danh sách cổ phần hóa. Trước đó, Chính phủ chỉ quy định tỷ lệ sở hữu nhà nước theo ngành mà không quy định cụ thể các doanh nghiệp nhà nước nào dẫn đến việc thoái vốn thấp.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã liệt kê 103 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% cổ phần và khoảng 137 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020. Trong số những doanh nghiệp được cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 65% vốn điều lệ trong bốn doanh nghiệp, giữ 50-65% trong 27 doanh nghiệp và ít hơn 50% vốn trong 106 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động trong các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, điện hạt nhân, và in tiền sẽ không được cổ phần hóa. Quyết định này thay thế cho các quyết định trước và có hiệu lực từ ngày 15-2-2017. 
Theo quan điểm của HSBC, điều này có thể sẽ đẩy nhanh quá trình thoái vốn, qua đó mở ra cho Chính phủ nhiều cơ hội tài khóa giúp kích thích các hoạt động kinh tế. Quyết định trên cũng nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ muốn làm sâu sắc thêm các quá trình cải cách cơ cấu, từ đó có thể cải thiện các triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Từ những phân tích trên, HSBC dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017 gồm: Quý I tăng 6,3%; Quý II tăng 6,4%; Quý III tăng 6,7%, Quý IV tăng 6,8%. Đồng thời, lạm phát có thể sẽ dao động từ 4,4% đến 4,8% trong mỗi quý.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh