THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:44

Triển lãm “Tuổi thơ như thế”: Kể chuyện tuổi thơ cho người lớn

 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ để gột rửa đi những bụi bặm lo lắng của cuộc sống thường nhận, người lớn hãy quay trở lại ký ức tuổi thơ, hay nói cách khác là “tắm thơ”. Có một chàng họa sĩ đã dành nhiều năm trời để đắm mình trong dòng sông tươi mát, trong lành của tuổi thơ, lấy đó là nguồn di dưỡng xúc cảm cho những tác phẩm hội họa.

Chúng tôi có buổi trò chuyện nhỏ với họa sĩ Bùi Văn Tuất trước ngày khai mạc buổi triển lãm cá nhân của anh. Đối lập với sức hút truyền thông của buổi triển lãm, xưởng vẽ vẫn tĩnh mịch, yên lặng với những ô cửa sổ ngập nắng. Bắt đầu cuộc trò chuyện, anh chia sẻ về tính “lề mề không làm hại tới ai của mình”. Dù chỉ còn 2 ngày là bắt đầu khai mạc nhưng anh vẫn chưa vội đóng khung tranh, thậm chí đêm qua còn cố nán vẽ thêm một bức chỉ vì kí ức tuổi thơ với bếp lửa quen mùi khói ùa về.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất


“Thuận tự nhiên” - đó là nguyên cớ để anh thường xuôi mình theo dòng cảm xúc, có đôi phần quên lãng quy tắc trật tự của thời gian và không gian. Đó cũng là tâm niệm để anh nương cảm xúc và chắp bút sáng tạo nghệ thuật.

Năm 21 tuổi, chàng trai rời xa quê hương và những thói quen sống thuận tự nhiên như tắm suối, ăn sim tím mồm,… ra chốn đô thành Hà Nội, dùi mài tại ĐH Mỹ Thuật. Những tiện nghi của đô thị không làm phai nhòa đi gốc dân dã mà chỉ tô đi, đậm lại sự hồn nhiên, chân chất ấy.

Những xúc cảm, những hoài niệm về tuổi thơ là động lực để anh ấp ủ ý tưởng vẽ về tuổi thơ, về em bé dân tộc hồn nhiên như cây, như cỏ. Chiều theo xúc cảm cá nhân, chàng sinh viên năm hai bắt đầu hành trình ngược dòng tuổi thơ. Anh thực hiện nhiều chuyến đi lên vùng cao Tây Bắc để hòa cùng cuộc sống của những người dân tộc, thu thập tư liệu bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật hoặc trang giấy A4 ký họa nhanh.

Bức tranh trung tâm "Một ngày như thế" diễn tả cảnh vui chơi của những em bé người Mông


Khi được hỏi về sự thay đổi của không gian, con người sau mỗi chuyến đi có ảnh hưởng tới những sang tác của anh, họa sĩ Bùi Văn Tuất chia sẻ: “Tôi trở lại nhiều lần bãi đất rộng của một bản làng đó. Tuy mỗi lần gặp những đứa trẻ khác nhau nhưng hồn nhiên thì luôn còn đó.”

Nét hồn nhiên, vô tư lự của những đứa trẻ trở thành điểm nhấn trở đi trở lại trong 18 tác phẩm hội họa “Tuổi thơ như thế”. Bé chơi con quay, bé thêu bên bếp lửa, bé dắt ngựa, bé có áo mới,… tất cả đều mộc mạc, hồn nhiên và chân thành. Anh muốn tối giản hóa mọi thứ, mang sự nhẹ nhàng trong hoạt động đời thường của trẻ vào tranh để lược giản cuộc sống vốn phức tạp, chi tiết và ngược tự nhiên của những người lớn.

Bên cạnh đó, các bức tranh của Bùi Văn Tuất đặc tả các chi tiết quen  thuộc trong cuộc sống người dân tộc theo đúng quan điểm thuận tự nhiên của mình: mảng tường đất nứt nẻ, vệt đen khói lấm tấm, bếp lửa bập bùng đượm củi hay con lợn nái buộc trước hiên nhà,…

Tác phẩm chơi quay


Nếu để ý kĩ mới thấy rõ nét tinh tế của họa sĩ Bùi Văn Tuất thông qua sự xuất hiện của các vật dụng của người Kinh trong bức tranh: đôi tất màu sắc, dép cao su, áo khoác gió,…. Thuận tự nhiên không đồng nghĩa cực đoan hóa tính văn hóa thuần nhất trong bức tranh. Anh tôn trọng hiện thực đang thay đổi mỗi ngày, xu hướng đô thị hóa đang lan tới mỗi bản làng, khi đó, bản sắc của từng dân tộc được tác giả miêu tả cao độ, không chỉ thông qua trang phục, gương mặt mà còn ở tâm hồn, tinh thần  sống.

Điểm nhân văn nhất mà chúng tôi đúc kết được trong buổi trò chuyện với họa sĩ Bùi Văn Tuất là ước muốn của  anh gửi gắm thông qua mỗi bức ảnh. Mất 20 năm để bước ra khỏi vùng quê để tới thành phố học tập, anh muốn những đứa trẻ tiếp nối kia sẽ rút ngắn khoảng cách thời gian ấy.

Trong giây phút im lặng, tôi bất chợt quay lại ngắm nhìn bức tranh vẽ một bé gái có áo mới. Mới ta nhưng cũ người.  Đó là áo cũ của anh chị để lại, đôi mắt khó bày tỏ cảm xúc, vừa lấp lánh niềm vui, vừa hấp háy nỗi buồn. Dù hồn nhiên như cỏ, như cây, mỗi đứa trẻ cũng cần sự quan tâm và chăm sóc của người lớn.

Tác phẩm "Nắng 2017"


Bên cạnh những thông điệp ẩn sâu của tác giả, mỗi người lớn khi xem tranh cũng gìn giữ một cảm xúc bé nhỏ cho riêng mình. Dù có hay không trải qua một tuổi thơ giống họa sĩ Bùi Văn Tuất, mỗi người lớn đều cảm thấy chất bình yên và mộc mạc giữa dòng đô thị phức tạp, vội vã. Bước ra khỏi xưởng tranh, người lớn tự cảm thấy cần phải học chính mình của hơn mươi mười năm về trước: Đôi  lúc sống hồn nhiên như một đứa trẻ.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh