Triển lãm “Thủy triều cảm xúc” - ươm mầm cho nghệ thuật đương đại trong lòng giới trẻ Việt
- Văn hóa - Giải trí
- 15:44 - 30/10/2023
Hành trình nghệ thuật của nữ nghệ sĩ Nhật Bản Chiharu Shiota
Nghệ sĩ Chiharu Shiota sinh năm 1972 ở Osaka, Nhật Bản, hiện đang sinh sống và làm việc tại Berlin, Đức. Bà được đánh giá là một trong những nữ nghệ sĩ châu Á có tầm ảnh hưởng lớn về nghệ thuật đương đại thế giới. Qua nhiều thập kỷ phiêu lưu của mình trên chặng đường kiếm tìm và sáng tạo nghệ thuật, Chiharu Shiota đã không ngừng thử thách bản thân ở các lĩnh vực sáng tạo khác nhau và đã gặt hái được rất nhiều thành tựu lớn, tiêu biểu, bà đã từng là nghệ sĩ đại diện cho Nhật Bản tham gia vào triển lãm quốc tế Venice Biennale (năm 2015, Ý); các tác phẩm của bà được trưng bày ở khắp nơi trên thế giới, trải dài từ Tokyo, Berlin, Vương Quốc Anh, Thượng Hải.
Nếu ai theo dõi và quan tâm đến nghệ sĩ Chiharu Shiota thì sẽ biết rằng, với nội tâm sâu lắng của mình, các vật liệu đặc trưng thường được bà sử dụng cho các tác phẩm nghệ thuật của mình là dây, len cùng hàng loạt các vật liệu khác để tạo ra các tác phẩm mang đậm tính hình thức và nội dung, vừa thể hiện được bề nổi của ý niệm bản thân muốn gửi gắm lại vừa lắng sâu những tầng ý nghĩa khác nhau về cuộc đời, đem lại sự tò mò và thích thú cho những người thưởng thức nghệ thuật.
Triển lãm “Thủy triều cảm xúc” – tiếng thì thầm nhẹ nhàng của Chiharu Shiota về cuộc đời
Khơi nguồn và bén rễ từ chuyến thăm Việt Nam năm 2019 và đến ngày 4/10/2023, triển lãm “Thủy triều cảm xúc” (A Tide of Emotions) lần đầu tiên được Chiharu Shiota đem đến Việt Nam cùng những tác phẩm rất riêng, phá bỏ sự độc lập trong cách thể hiện ở các tác phẩm trước đó của mình.
Không phải những chất liệu cầu kì, hoa mỹ, Chiharu Shiota đã đem những sợi chỉ thô sơ, khéo léo thêu dệt lên bức tranh của thời đại, những câu chuyện đời thường mà ai cũng từng trải qua. Với sự tỉ mỉ của bản thân cùng cái nhìn sâu rộng về những mối quan tâm cơ bản của con người như sự sống, cái chết…tác phẩm nghệ thuật với chủ đạo là sợi chỉ đỏ bao phủ không gian rộng lớn hơn 2000m2 của bà đã hoàn thành trong gần 1 tháng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Được biết, để giữ nguyên bản chất chân thật nhất của các chất liệu được sử dụng trong triển lãm, toàn bộ số chỉ đỏ được dệt bởi những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân và được gửi trực tiếp sang Nhật Bản để phê duyệt. Các sợi chỉ đỏ đan xen nhau kết nối với những con thuyền gỗ được đặt cố định dưới sàn nhà – những con thuyền cũ, thu nhặt trên khắp các bờ biển Việt Nam – thứ nuôi sống những gia đình làng chài, mang linh hồn và câu chuyện của những ngư dân Việt, in hằn tiếng thét gào hay thì thầm của biển cả. Hàng trăm nghìn sợi chỉ đỏ xen kẽ như ôm trọn lấy những con thuyền, ôm lấy thứ quá khứ đã in hằn trên mái tóc, trên những vân gỗ xỉn màu, nó kéo giữ lại quá khứ, móc nối với hiện tại để câu chuyện là mãi mãi.
Tác phẩm chính cùng tên với triển lãm được Chiharu Shiota lựa chọn gam màu đỏ thẫm làm chủ đạo, phải chăng ấy là niềm vui ẩn sâu trong tâm hồn thầm lặng khi kiếm tìm được nét đẹp của sự gắn kết: giữa con người với con người trong cuộc sống, giữa quá khứ và tương lai – những mối tương quan mà mỗi chúng ta trên hành trình tìm kiếm giá trị của cuộc đời không thể chối bỏ.
Nếu tác phẩm chủ đạo là sự thầm lặng trong cảm xúc thì tác phẩm thứ hai của Chiharu Shiota lại nhẹ nhàng như một bản dương cầm được kéo lên từ chính đôi bàn tay nghệ thuật của bà. Sử dụng sắc trắng làm gam màu chủ đạo, tác phẩm như ánh sáng dẫn dắt người xem đi hết thăng trầm của cuộc đời.
Nghệ thuật đương đại trong tiềm thức giới trẻ Việt
Dòng chảy của nghệ thuật đương đại đã, đang và sẽ tiếp tục là ẩn số đáng để tìm hiểu cho tất cả mọi người. Mặc dù được tiếp cận và khai sáng khá muộn nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, châu Á sẽ là tương lai của nghệ thuật thế giới, và đặc biệt, lớp trẻ sẽ là một trụ cột mới cho những sáng tạo không ngừng nghỉ của ngành văn hóa sáng tạo nghệ thuật châu Á. Còn tại Việt Nam, theo khảo sát từ hàng loạt các cuộc triển lãm mới đây cho thấy, giới trẻ đang ngày càng có xu hướng quan tâm đến nghệ thuật đương đại.
Với Nga, một bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại Hưng Yên, dù khoảng cách địa lý khá xa nhưng với niềm đam mê nghệ thuật của mình, Nga vẫn thu xếp công việc và đến tham quan triển lãm. Nga chia sẻ: “ các tác phẩm nghệ thuật đương đại là một cái gì đó hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, chính vì vậy mà khi đi xem các tác phẩm nghệ thuật này, mình thấy bản thân thoải mái hơn, ít cáu gắt, giúp mình tư duy sáng tạo hơn”.
Còn với Linh, một cô gái Hà Thành, dù không phải là một người đam mê nghệ thuật đương đại, thậm chí “Thủy triều cảm xúc” là triển lãm đầu tiên bạn và người yêu cùng nhau tham gia, nhưng Linh đã thấy khá ấn tượng và choáng ngợp bởi quy mô rộng lớn của triển lãm, sự tâm huyết mà nghệ sĩ gửi gắm trong các tác phẩm. Linh chia sẻ: “nếu có cơ hội thì mình sẽ đi tiếp, thử tiếp”.
Nghệ thuật đương đại đang dần định hình được vai trò của mình trong gu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ Việt. Chính từ sự rung cảm trước các nét đẹp phi ý nghĩa, sự đồng điệu trong các tầng thông điệp, khoảng cách giữa nghệ thuật và giới trẻ ngày nay đang dần được thu hẹp lại. Dưới lăng kính chủ quan của lớp trẻ, nghệ thuật đương đại đang ngày càng có hình dạng, có nét sống riêng, nhẹ nhàng hơn, cởi mở hơn, đan xen giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại.
Triển lãm “Thủy triều cảm xúc” của nghệ sĩ Nhật Bản Chiharu Shiota đã đem đến những nét đẹp giản dị gắn liền với đời sống của người con làng chài Việt, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đem đến cái nhìn khác hơn về nghệ thuật đương đại đối với lớp trẻ.
Việt Nam đang tiến xa hơn trên con đường định hình nét đẹp nghệ thuật đương đại, và lớp trẻ sẽ chính là chìa khóa cho sự sáng tạo một nét đẹp mới mang tính cởi mở, chọn lọc.