THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 10:04

Triển lãm nghệ thuật tôn vinh vị trí trung tâm của người phụ nữ

Chiều 9/4/2019 tại Hà Nội, Triển lãm Nghệ thuật: “Người phụ nữ: Hình ảnh được thể hiện ở vị trí trung tâm” đã được tổ chức tại Ngôi nhà Xanh của Liên Hợp Quốc. Triển lãm này là sự kiện kết thúc một chuỗi các hoạt động mà Liên Hợp Quốc và các đối tác đã tổ chức trong năm nay nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Tại triển lãm, 18 bức tranh của 4 nữ nghệ sĩ Đinh Thị Thắm Poong, Vũ Thu Hiền, Lạc Hoàng và Astrid Bant mang đến cho người xem cơ hội tìm hiểu công việc và tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam với các kỹ thuật khác nhau như sơn mài và sơn dầu, cũng như làm quen với việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo ra những hình ảnh mang lại các thông điệp đầy ý nghĩa.

 

Các bạn trẻ tham quan triển lãm.

Trường phái tranh cắt dán của bà Astrid Bant (Hà Lan, 1959) là những trải nghiệm bà có được từ Peru, Mỹ, Albania, Mozambique, Brazil và Việt Nam theo quan điểm nữ quyền. Bà là một nhà nhân chủng học, đã sống và làm việc ở nhều nơi trên thế giới và hiện đang là Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Một số bức tranh của nghệ sĩ Đinh Thị Thắm Poong mang lại cho chúng ta cái nhìn đa dạng về hình ảnh người phụ nữ, bao gồm các dân tộc thiểu số, trong bối cảnh của họ và khiến chúng ta suy ngẫm về họ từ quan điểm cá nhân và siêu thực. Một số tác phẩm thể hiện màu sắc và sức mạnh của phụ nữ ở trung tâm, để công nhận di sản văn hóa của họ. 

Được biết, tranh của nghệ sĩ Đinh Thị Thắm Poong có ảnh hưởng từ di sản Mường quê hương chị. Chị sinh ra ở Lai Châu, trong một gia đình người dân tộc với bố là người Mường và mẹ là người Thái trắng, tuổi thơ của chị bắt đầu với thiên nhiên trong mối liên hệ mật thiết với sự xoay chuyển của thời tiết và mặt trăng. Đời thật đơn giản và tự do thuận theo những biến thiên của đất trời. Chính cái hồn tự nhiên ấy luôn tồn tại trong tâm hồn hoạ sỹ và được phản chiếu trong nghệ thuật của chị.

Nghệ sĩ Vũ Thu Hiền (sinh năm 1970 tại Bát Tràng, Việt Nam) được biết đến với màu nước đẹp như mơ của phụ nữ trong các nghi lễ Phật giáo.

Những tác phẩm của nghệ sĩ Lạc Hoàng (sinh năm 1995) mang đến cho người xem  những thông điệp đầy mâu thuẫn, về những kỳ vọng đối với phụ nữ trong xã hội hiện đại - Phụ nữ được kêu gọi phải duy trì hình ảnh đẹp đẽ và hoàn hảo, đồng thời họ được kỳ vọng phải mang gánh nặng của công việc nội trợ và chăm sóc gia đình.

 

 

Là một nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật thị giác đến từ Hà Nội, công việc của Lạc Hoàng bao gồm nhiếp ảnh, video và hội họa xuất phát từ những thước phim có sẵn, nhằm kiến giải bản chất khó nắm bắt của kí ức và những ghi chép về mặt nhiếp ảnh. Cô còn quan tâm đến không gian trong nhà và tầm quan trọng của nó trong thời hiện đại, bởi ranh giới của tính riêng tư và tính công cộng không rõ ràng giữa ảo và thật. Sử dụng ngôn ngữ kể chuyện thân mật, Lạc Hoàng dùng nghệ thuật của mình để tạo ra những kí ức mới từ hình ảnh, nghiên cứu văn hóa nhìn trên mạng và tính trình diễn trước máy ảnh.

Trong suốt chiều dài lịch sử cũng như hiện tại, nghệ thuật là phương tiện không chỉ gắn kết các khái niệm về vẻ đẹp và sự hài hòa mà còn nắm bắt sự thay đổi, những hồ nghi và những mối quan tâm có thể khó diễn đạt theo những phương cách khác. Nghệ thuật chính là ngôn ngữ thay thế, khuyến khích suy nghĩ phê phán và đặt câu hỏi, cũng như gợi mở các cuộc trò chuyện sáng tạo về các cách hiểu và nhìn nhận đa dạng về những gì được hiển thị và những gì chúng ta nhìn thấy. Dù bằng cách này hay cách khác, nghệ thuật luôn thu hút khán giả khám phá những ý tưởng mới và những cách suy nghĩ sáng tạo.

Triển lãm đã cho mọi người hiểu được những quan điểm độc đáo về thực tế và xã hội, với hình ảnh phụ nữ đóng vai trò trung tâm trong bối cảnh của họ. Qua các tác phẩm, hình ảnh phụ nữ được tôn vinh như chính bản thân họ, với những gì họ làm và cách họ nhìn thế giới.

Triển lãm cũng ghi nhận vai trò của phụ nữ trong các thời điểm và bối cảnh khác nhau của lịch sử, để hiểu được sự đấu tranh của họ trong cuộc sống hàng ngày và tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ cho xã hội.

 

Tại buổi triển lãm tranh, ông Kamal Malhotra - Điều Phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chủ đề chính cho Ngày quốc tế Phụ nữ năm nay là “Suy nghĩ bình đẳng, xây dựng thông minh, đổi mới để thay đổi” tập trung vào những cách thức sáng tạo để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững”.

Theo ông Kamal, triển lãm tranh làm nổi bật tài năng nghệ thuật của các nữ nghệ sĩ. Đây cũng là điều LHQ muốn ghi nhận vai trò của phụ nữ trong các thời điểm và bối cảnh khác nhau của lịch sử, để hiểu được sự đấu tranh của họ trong cuộc sống hằng ngày và tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ cho xã hội. Đây cũng là dịp để LHQ thúc đẩy các sáng kiến nâng cao tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ cũng như sự tiến bộ của bình đẳng giới ở Việt Nam.

“Khi chúng ta nghĩ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thì điều này bao gồm cả việc phụ nữ được trao quyền hoàn toàn để thể hiện bản thân và đưa các quan điểm độc đáo của họ vào quá trình kiến tạo và sáng tạo của xã hội. Suy nghĩ và trái tim của chúng ta cũng sẽ thay đổi trong quá trình này” - bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam khẳng định.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh